Đằng sau việc TQ thay lãnh đạo Hồ Bắc giữa lúc chống dịch

Việc nhanh chóng thay đổi lãnh đạo Hồ Bắc và Vũ Hán cho thấy Trung Quốc vừa muốn khắc phục nỗ lực chống dịch, vừa muốn xử lý cán bộ trước sự bất bình của người dân.

Trung Quốc hôm 13/2 thay thế hai quan chức cấp cao ở Hồ Bắc, tâm điểm của dịch virus corona chủng mới (Covid-19), bằng hai quan chức đến từ các địa phương khác, giữa lúc số ca bệnh mới tăng vọt làm gia tăng sự nghi ngờ trong công chúng.

Ông Ứng Dũng, thị trưởng Thượng Hải, ủy viên trung ương, thay thế ông Tưởng Siêu Lương ở vị trí bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc. Cùng lúc, ông Vương Trung Lâm, Bí thư Tế Nam (tỉnh lỵ Sơn Đông), được bổ nhiệm làm bí thư Vũ Hán, thay thế ông Mã Quốc Cường.

Trong một bài viết, Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) cho biết cả ông Ứng Dũng và ông Vương Trung Lâm đều có kinh nghiệm nhiều năm về các vấn đề pháp lý và được xem là "lính cứu hỏa" với sự quyết đoán trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế công cộng.

Lỗ hổng nghiêm trọng

Thay đổi nhân sự diễn ra giữa lúc việc phòng chống dịch bộc lộ nhiều vấn đề và hàng loạt quan chức địa phương đã bị kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, virus đã lây cho gần 60.000 người tại Trung Quốc đại lục với 1.367 ca tử vong.

Trong dịch SARS năm 2002-2003, chính quyền trung ương Trung Quốc cũng đã thay thế nhiều quan chức hàng đầu. 4 tháng sau khi ca nhiễm đầu tiên được nước này xác nhận, Bộ trưởng Y tế Trương Văn Khang và Thị trưởng Bắc Kinh Mạnh Học Nông đã bị cách chức.

 Ông Tưởng Siêu Lương (ngoài cùng bên trái) đứng cùng ông Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ông Tưởng Siêu Lương (ngoài cùng bên trái) đứng cùng ông Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Lần này, thay đổi nhân sự diễn ra trong chỉ 2 tháng kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được biết đến tại Trung Quốc hôm 8/12, cho thấy "phản ứng nhanh chóng của chính phủ trong việc xử lý tình huống khẩn cấp về y tế công cộng", theo Global Times.

"Đối mặt với sự bùng phát Covid-19 đột ngột, các vấn đề như sự trì trệ và quản lý công việc yếu kém đã được phơi bày trong chính quyền Vũ Hán và Hồ Bắc, phản ánh những lỗ hổng nghiêm trọng trong quản trị địa phương", Global Times nói.

"Việc bổ nhiệm các quan chức mới sẽ không chỉ giúp tăng cường các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, mà còn làm nổi bật tính cấp thiết của việc cải thiện khả năng xử lý khủng hoảng của các quan chức".

Trước đó, giới chức Hồ Bắc và tỉnh lỵ Vũ Hán đã bị cáo buộc che đậy tình hình khi dịch bệnh vừa bùng phát, bỏ lỡ cơ hội khống chế sự lây lan của chủng virus corona mới. Làn sóng phản ứng giận dữ càng gia tăng sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh, bị công an triệu tập và cuối cùng qua đời vì nhiễm virus.

Trong những tuần qua, Bí thư Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương đã bị chế nhạo rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Ông bị phát hiện tham dự một chương trình tạp kỹ hôm 21/1 giữa lúc dịch bệnh đang lây lan mạnh mẽ.

Thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân đã bị phong tỏa toàn bộ từ ngày 23/1 và một số người biểu diễn trong chương trình được chẩn đoán nhiễm virus.

Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng, trong cuộc phỏng vấn với truyền hình quốc gia vào tháng trước, nói ông và bí thư thành ủy Mã Quốc Cường "tự nguyện bị cách chức" để chịu trách nhiệm về những thiếu sót trong việc phòng chống dịch.

Chính quyền Vũ Hán trước đó bị chỉ trích vì để khu phố Bách Bộ Đình tổ chức một bữa tiệc lớn cho 40.000 gia đình (vạn gia yến) vào ngày 18/1, chỉ ít ngày trước khi "phong thành". Nhiều cư dân đã lên cơn sốt sau đó, dẫn đến việc cơ quan chức năng gọi 57 tòa nhà trong khu này là "tòa nhà sốt", theo Caixin.

Sự kiện "Vạn gia yến" tại Vũ Hán ngày 9/2/2018. Bữa tiệc tại khu phố Bách Bộ Đình ở Vũ Hán hôm 18/1 giờ trở thành biểu tượng cho sai sót trong việc chống dịch ở Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Việc thay thế các quan chức "dựa trên tình hình chung, căn cứ theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh và tình hình thực tế của đội ngũ lãnh đạo ở tỉnh Hồ Bắc", Tân Hoa Xã nói trong bản tin sáng 13/2. Tin cũng cho biết quyết định được đưa ra sau khi "xem xét toàn diện và nghiên cứu kỹ lưỡng".

Ông Mã Quốc Cường. Ảnh: Sohu.

Kinh nghiệm an ninh, pháp lý

Giống ông Trần Nhất Tân, quan chức trung ương vừa được đưa về Hồ Bắc giám sát chống dịch, ông Ứng có thời gian dài công tác tại Chiết Giang. Kinh nghiệm của ông chủ yếu là trong ngành công an, với các vấn đề an ninh và pháp lý. Ông chuyển đến Thượng Hải năm 2007, làm ở tòa án thành phố trước khi trở thành thị trưởng.

Global Times nói ông Ứng đã thể hiện tốt trong việc chống dịch tại Thượng Hải, thành phố có lượng lao động nhập cư lớn. Với vai trò trưởng ban chỉ đạo chống dịch, ông đã "trao đổi chi tiết và kỹ lưỡng với người làm việc tại các cộng đồng dân cư, lắng nghe ý kiến của họ".

Báo dẫn lời một chuyên gia giấu tên nói rằng, với các biện pháp hiệu quả và khoa học mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của người dân, Thượng Hải đã giữ được tỷ lệ lây nhiễm ở mức trung bình so với các tỉnh thành khác, với 311 ca tính đến ngày 12/2.

Vị chuyên gia này cho rằng ông Ứng đã phản ứng tỉnh táo từ khi dịch bùng phát, đồng thời cũng biết lắng nghe người khác. Theo truyền thông địa phương, ông đã tổ chức một hội nghị vào đầu tháng 2, mời một số quan chức có kinh nghiệm chống SARS ở Thượng Hải đến chia sẻ kinh nghiệm.

Hồi cuối tháng 1, ông cũng từng được truyền thông dẫn lời nói rằng "một chính quyền không trì trệ là một chính quyền đủ dũng cảm để đối mặt với sự giám sát, một chính quyền luôn mong muốn tiến bộ là một chính quyền sẵn sàng đón nhận sự phê bình".

Ông Ứng Dũng (trái) và ông Vương Trung Lâm. Ảnh: Caixin.

Trong khi đó, ông Vương Trung Lâm, sinh năm 1962, đã công tác ở Sơn Đông trong phần lớn thời gian sự nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trường luật, ông từng có thời gian làm việc trong ngành công an, trước khi trở thành bí thư Tế Nam vào năm 2018.

"Ông ấy rất xông xáo, quyết đoán và năng nổ, thường trả lời các câu hỏi rất nhanh", một cựu quan chức trong chính quyền Sơn Đông nói với Global Times.

Ông Vương cũng là người "không cần ai đi theo, không cần báo cáo tình hình đưa đến văn phòng, mà đích thân đi xem xét thực tế để chỉ đạo công tác phòng chống dịch", theo bài viết.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Sơn Đông được cho là đã "đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế dựa vào xuất khẩu" và là "hình mẫu cho quản trị cấp tỉnh và xử lý khủng hoảng".

Người mang thượng phương bảo kiếm

So với hai người mới, ông Tưởng và ông Mã đều không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước. Nếu ông Tưởng xuất thân từ lĩnh vực tài chính, từng làm lãnh đạo nhiều ngân hàng lớn thì ông Mã mới chuyển từ thương trường sang chính trường hai năm.

"Việc đưa ông Ứng Dũng và ông Vương Trung Lâm đến Hồ Bắc cho thấy chính quyền trung ương quyết tâm cải thiện tình hình tại Hồ Bắc và cho người dân câu trả lời", một nguồn thạo tin nói với South China Morning Post.

Ông Tập Cận Bình tại một bệnh viện ở Bắc Kinh hôm 10/2. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Hôm 11/2, hai quan chức y tế tỉnh Hồ Bắc cũng đã bị thay thế bởi quan chức trung ương. Ủy ban Thường vụ tỉnh ủy hôm 11/2 miễn nhiệm ông Trương Tấn, bí thư đảng ủy Ủy ban Y tế tỉnh, và bà Lưu Anh Tư, chủ nhiệm ủy ban.

Ông Vương Hạ Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, người vừa được bổ sung vào Thường vụ tỉnh ủy Hồ Bắc, được chỉ định đảm nhiệm cùng lúc cả hai vị trí này.

Trong khi đó, ông Trần Nhất Tân, Tổng thư ký Ủy ban Chính Pháp Trung ương, một thân tín của ông Tập, được bổ nhiệm làm phó ban chỉ đạo quốc gia giám sát công tác chống dịch tại Hồ Bắc. Nhóm này do Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan lãnh đạo, trong đó ông Trần sẽ đóng vai trò giám sát kỷ cương, chính trị.

"Lần này ông Trần được xem là người mang thượng phương bảo kiếm", ông Chen Daoyin, nhà phân tích chính trị độc lập, nói với SCMP.

Chuyên gia cho ý rằng việc bổ nhiệm cho thấy ông Tập không hài lòng về sự thể hiện của các quan chức ở tuyến đầu và thấy cần thiết phải tăng cường đội ngũ của bà Tôn.

"Ông Trần được trông đợi sẽ giúp lập lại kỷ cương đảng và chính quyền, giám sát việc thực thi luật và chính sách, kiểm soát sự đồng thuận cũng như điều phối nỗ lực cứu trợ giữa các tỉnh", vị chuyên gia nói.

Kể từ khi dịch bùng phát, hơn 100 quan chức ở Hồ Bắc đã phải nhận trách nhiệm vì thiếu năng lực trong việc phòng chống dịch, theo truyền thông nhà nước.

Người hùng chống SARS của TQ mở lời về bác sĩ Lý Văn Lượng Nhà dịch tễ học Zhong Nanshan (Chung Nam Sơn) - người hùng chống SARS, nói về bác sĩ Li Wenliang (Lý Văn Lượng) và cho rằng ông ấy là người hùng của người dân TQ.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dang-sau-viec-tq-thay-lanh-dao-ho-bac-giua-luc-chong-dich-post1046586.html