Đằng sau việc 'sờ gáy' các tập đoàn công nghệ Trung Quốc

Đầu tiên là tập đoàn Alibaba bị 'dặn dò' gì đó thì không biết nhưng một án phạt công khai trị giá 2,8 tỷ USD. Tiếp theo là việc không cho phép Ant Financial, một công ty tài chính của Alibaba phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Như chúng ta biết trong thời gian gần đây rất nhiều tập đoàn công nghệ của Trung Quốc lần lượt bị chính quyền Trung Quốc sờ gáy. Đầu tiên là tập đoàn Alibaba bị "dặn dò" gì đó thì không biết nhưng phải nhận một án phạt công khai trị giá 2,8 tỷ USD. Tiếp theo là việc không cho phép Ant Financial, một công ty tài chính của Alibaba phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Giờ đây Ant trở thành công ty tài chính được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Lần lượt Tencent, DJ.com, Meituan, ... đều bị vuốt gáy. Những tập đoàn này có điểm chung là có nhiều dữ liệu người dùng hoặc fintech.

Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ gì cho doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp?

Chính phủ muốn có một cuộc chuyển mình đi từ tăng trưởng dựa trên sản xuất sang tăng trưởng dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo. Họ muốn dùng tiền của chính phủ tạo sức ép nhằm gia tăng nhanh cuộc chuyển mình đó. Họ tạo ra các vườn ươm khởi nghiệp cho các doanh nghiệp thuê không gian làm việc với chi phí rẻ. Chính quyền đầu tư tiền vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân. Nếu doanh nghiệp khởi nghiệp phá sản chính phủ mất khoản tiền đầu tư. Nếu doanh nghiệp thành công chính phủ bán lại cổ phần của chính phủ cho chính doanh nghiệp đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính phủ tạo rào cản cho các doanh nghiệp nước ngoài khi họ xâm nhập vào Trung Quốc, dung túng việc vi phạm sở hữu trí tuệ. Hàng loạt Tập đoàn của Mỹ như eBay, Google, Uber, Amazon, Airbnb ...lần lượt kéo đến và cũng chóng vánh thất bại ở thị trường Trung Quốc. Chính phủ bắt buộc các doanh nghiệp FDI vào Trung Quốc phải có thỏa thuận chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc.

Với các doanh nhân ở thung lũng Silicon có xu hướng lấy sứ mệnh làm định hướng. Bắt chước ý tưởng hoặc đặc điểm sản phẩm của người khác bị coi là hành vi phản bội lại lý tưởng của thời đại và vi phạm nguyên tắc đạo đức của một doanh nhân chân chính. Ở thung lũng Silicon ai đã khai phá sẽ có được cả thị trường. Thung lũng Silicon vẫn tự hào với triết lý kinh doanh của họ, kỳ thị với việc sao chép và coi thường hành động của các doanh nhân Trung Quốc. Chính thái độ coi thường này của họ với Trung Quốc lại làm cho họ trì trệ.

Văn hóa kinh doanh của doanh nhân Trung Quốc

Với nền văn hóa khởi nghiệp, Trung Quốc lấy thị trường làm định hướng chứ không phải là sứ mệnh. Các doanh nhân khởi nghiệp ở đây không cần đến danh tiếng, sự vẻ vang hay là làm thay đổi thế giới. Thái độ thực dụng này rất khó chấp nhận trong mắt của người Mỹ. Một đám đông công ty đạo nhái đang chen lấn giẫm đạp lên nhau thật nực cười. Nếu Mark Zuckerberg có sản phẩm Facebook thì Wang Xin có Xiaonei là một phiên bản sao chép y hệt thậm chí ở từng chân trang còn ghi cả câu: Một sản phẩm của Mark Zurkerberg. Twitter - Fanfou. Yahoo - Sohoo. eBay - Alibaba. Google - Baidu. Uber - Didi. Và rất nhiều nữa.

Với mục tiêu tối thượng là tiền vì vậy các cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ trong nước mới là khốc liệt. Bất kỳ tập đoàn nào không biết cách ly đối thủ - ở góc độ kỹ thuật, kinh doanh hay nhân sự đều trở thành mục tiêu tấn công. Chiến lợi phẩm sẽ thuộc về kẻ thắng mà giá trị chiến lợi phẩm có khi là cả tỷ đô. Môi trường cạnh tranh này chính là nơi để rèn luyện một thế hệ doanh nhân đấu sĩ.

Những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đều có 5 chiến lược mang tính tiên phong bao gồm: Nhanh chóng thâu tóm các công ty khởi nghiệp có công nghệ tiên tiến; Duy trì bộ máy đổi mới sáng tạo bất kể ngày đêm; Mở rộng phát triển các trung tâm nghiên cứu công nghệ có tiềm năng lớn trên toàn thế giới, thúc đẩy phát triển công nghệ AI, dữ liệu lớn, y học từ xa, xe tự lái, nhận diện khuôn mặt, thanh toán và cho vay qua điện thoại di động; Xây dựng cơ chế bảo vệ nhằm bao vây và xua đuổi những đối thủ cạnh tranh.

Tại sao công nghệ của Trung Quốc phát triển nhanh như thế? Tại sao trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc đi sau Mỹ rất nhiều năm mà hiện nay đuổi kịp, thậm chí có nhiều lĩnh vực trong đó còn vượt cả Mỹ?

Như chúng ta đều biết các doanh nghiệp FDI vào Trung Quốc đều có thỏa thuận chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Đó chính là một môi trường đào tạo và thực tập công nghệ vô cùng hiệu quả. Số lượng người Trung Quốc làm việc ở vị trí cấp cao trong các tập đoàn đa quốc gia rất đông. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho những công ty khởi nghiệp hay chính họ là những người đứng ra khởi nghiệp. Các quỹ đầu tư mạo hiểm từ thung lũng Silicon đã đầu tư một lượng vốn rất nhiều vào các công ty công nghệ tiềm năng ở Trung Quốc. Về phía ngược lại các quỹ đầu tư của Trung Quốc cũng đầu tư mua rất nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ ở thung lũng Silicon.

Với số lượng người dùng Internet của Trung Quốc bằng cả Mỹ và Châu Âu cộng lại nên dữ liệu mà Trung Quốc vô cùng lớn. Chính những đấu sĩ từng ăn cắp bản quyền, sao chép và tự chiến đấu với các doanh nghiệp nội địa đã tích lũy cho bản thân một lượng kiến thức không nhỏ. Lực lượng đấu sĩ đông đảo này sẽ: Thu thập dữ liệu, điều chỉnh công thức, lặp lại thuật toán trong các cuộc thí nghiệm và trong các phương án khác nhau. Để rồi có các mô hình sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới.

Ngoài dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo thì thanh toán di động bằng cách quét mã QR phát triển một cách thần kỳ. Trung Quốc đi sau Mỹ rất lâu về các loại thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chủ yếu vẫn dùng tiền mặt. Các doanh nghiệp công nghệ Internet quyết định đi tắt đón đầu bằng thanh toán di động - quét mã QR. Có thể nói đây là một đột phá lớn về phương thức thanh toán. Khi mà hầu hết người dân đều thanh toán bằng mã QR thì đó chính là mỏ dữ liệu vô cùng to lớn.

Để xây dựng một siêu cường công nghệ cần có bốn yếu tố chính: dữ liệu dồi dào, thế hệ doanh nhân quyết liệt, cộng đồng các nhà khoa học công nghệ được đào tạo bài bản và một hệ sinh thái có các chính sách được hỗ trợ. Cả bốn yếu tố trên Trung Quốc đều có và đó chính là lý do để họ trở thành siêu cường công nghệ.

Trung Quốc đã ban hành nhiều luật mới và nhìn chung có 5 văn bản luật tập trung vào nền tảng internet đã được áp dụng để sờ gáy các tập đoàn công nghệ. Chúng gồm: (i) Luật An ninh mạng (2017), (ii) Luật Thương mại điện tử (2019), (iii) Luật Chống độc quyền (2019) sửa đổi bản 2008, thêm vào điều khoản về các nền tảng internet, (iv) Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh (2019) và (v) Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (2021).

Quy định về thuật toán là một phần trong chiến dịch nhằm kiểm soát lĩnh vực công nghệ và chế ngự quyền lực của các ông lớn công nghệ Trung Quốc. Có nghĩa là phần lõi của các tập đoàn này phải chia sẻ với chính quyền Trung Quốc, họ có hết dữ liệu người dùng.

Tại sao họ muốn có kho dữ liệu đó?

Dữ liệu người dùng là một lý lịch hoàn hảo và chi tiết nhất mà không có cơ quan cảnh sát nào có được điều tương tự. Ngoài lịch sử hoạt động của từng công dân thì từ dữ liệu đó người ta còn dự báo những hành động có thể trong tương lai. Một tính năng mà bất cứ một cơ quan cảnh sát nào cũng thèm muốn.

Các ứng dụng Fintech của những tập đoàn công nghệ này đang cạnh tranh trực tiếp tới các ngân hàng truyền thống, thậm chí với cả Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Các rủi ro cho nền tài chính quốc gia cũng là lý do để kiểm soát các tổ chức Fintech này.

Gần đây chính phủ Trung Quốc phát hiện ra công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo có thể mở khóa sự sống của loài người, từ đó có thể tái thiết kế sự sống cho loài người. Điều đáng lo ngại nhất là các tập đoàn sở hữu kho dữ liệu đó sẽ điều khiển và quyết định thay cho con người. Chính phủ Trung Quốc lo ngại đến một ngày nào đó các tập đoàn công nghệ này sẽ tẩy não người Trung Quốc ảnh hưởng đến nền chính trị của họ.

Các tập đoàn công nghệ niêm yết cổ phiếu tại New York có nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm, đồng nghĩa kho dữ liệu công dân Trung Quốc và những bí mật Quốc gia trong kho dữ liệu đó trở nên bị bên khác kiểm soát.

Sau khi bị sờ gáy thì không còn tập đoàn công nghệ nào của Trung Quốc đứng trong top 10 tập đoàn có vốn hóa thị trường toàn cầu nữa. Tencent đã tụt xuống vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng, cuối năm 2020 Tencent đứng thứ 7 và Alibaba ở vị trí thứ 9. Tencent đạt đỉnh ở vị trí thứ 6 vào tháng 2.2021. Việc can thiệp của chính quyền Trung Quốc vào các tập đoàn công nghệ sẽ làm chùn bước của nhiều tầng lớp doanh nhân Trung Quốc, là rào cản cho phát triển công nghệ. Một số lĩnh vực công nghệ của Mỹ bị Trung Quốc qua mặt tự nhiên Mỹ không phải đuổi mà lại vượt qua.

*Nội dung bài viết là theo quan điểm của tác giả

Nguyễn Anh Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dang-sau-viec-so-gay-cac-tap-doan-cong-nghe-trung-quoc.html