Đằng sau việc Mỹ bỏ lệnh cấm đối với tập đoàn ZTE của Trung Quốc

Washington chính thức dỡ bỏ lệnh cấm bán phần mềm và linh kiện cho tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

"Tuy đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với ZTE, nhưng chúng tôi vẫn cảnh giác và giám sát chặt chẽ các hoạt động của ZTE để đảm bảo sự tuân thủ mọi điều luật và quy chế của Mỹ", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố hôm 13-7, ngay sau khi Washington chính thức dỡ bỏ lệnh cấm bán phần mềm và linh kiện cho tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Trước đó (11-7), Bộ Thương mại Mỹ cho biết, ZTE đã ký thỏa thuận, chấp nhận nộp 400 triệu USD trong trường hợp tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong tương lai.

Và theo thỏa thuận này (một phần của số tiền phạt trị giá 1,4 tỷ USD), sau khi ZTE nộp 400 triệu USD, Mỹ lập tức dỡ bỏ trừng phạt để tập đoàn này nối lại một số hoạt động chính.

Ngoài việc nộp 400 triệu USD vào một tài khoản bảo chứng, ZTE còn phải sa thải một số lãnh đạo trong ban giám đốc. Theo giới truyền thông, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho tập đoàn này trong 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Giới truyền thông cho biết, lệnh trừng phạt của Mỹ đưa ra hồi tháng 4 đã khiến cho hoạt động của ZTE, tập đoàn với gần 80.000 công nhân trên thế giới, gần như đóng băng trong gần 3 tháng qua do thiếu linh kiện và phần mềm quan trọng nhập khẩu từ Mỹ để hoàn thành sản phẩm của mình.

Theo tờ Nhật báo Phố Wall, ZTE đã bổ nhiệm các giám đốc điều hành mới, bao gồm CEO và CFO, để tuân thủ thỏa thuận với chính quyền Mỹ nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Trước đó, 14 thành viên ban lãnh đạo của ZTE đã từ chức và được thay thế bởi một ban lãnh đạo gồm 8 thành viên mới. Theo tờ Nikkei, trong ban lãnh đạo mới của ZTE có 1 thành viên từ Hongkong và 2 phụ nữ.

Gần 1 tháng trước (18-6), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu để khôi phục lệnh cấm ZTE. Sau đó (20-6), Tổng thống Donald Trump và một số nghị sỹ đảng Cộng hòa đã gặp nhau tại Nhà Trắng để thảo luận về sự bất đồng trong cách áp đặt trừng phạt ZTE.

Sau cuộc họp kể trên, người phát ngôn của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Tom Cotton, nhà bảo trợ chính của việc sửa đổi luật cho biết, vấn đề ZTE đã được đưa ra thảo luận, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Nhiều nghị sỹ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã bày tỏ lo ngại đối với ZTE.

Các nhà lập pháp Mỹ coi ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia và lo ngại các sản phẩm điện tử viễn thông của tập đoàn này có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp và thực hiện các cuộc tấn công mạng.

Do đó, sau khi biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định cứu ZTE, nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh mạng của Mỹ. Nhưng ông Donald Trump lại coi quyết định này nhằm tránh làm mất việc làm của nhiều công dân Mỹ.

Được biết, sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ muốn cứu ZTE, ông đã vấp phải sự phản đối của nhiều Thượng nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Ngày 25-5, Tổng thống Donald Trump thông báo, sẽ cho phép ZTE hoạt động trở lại, nếu họ nộp phạt và phải chấp hành những yêu cầu đã đưa ra trước đó. Hơn 60 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đã đề nghị mở cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chính quyền Trung Quốc cấp khoản vay 500 triệu USD cho một tổ hợp bất động sản lớn có liên quan đến ông Donald Trump và động thái cứu ZTE của Tổng thống Mỹ.

Trong thư gửi ông David Apol, quyền Giám đốc Văn phòng Đạo đức chính phủ Mỹ, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết, đề nghị giúp ZTE hoạt động trở lại của Tổng thống Donald Trump được đưa ra chỉ 3 ngày sau Bắc Kinh cấp khoản vay lớn cho việc xây dựng công viên giải trí thuộc dự án "MNC Lido City", tổ hợp nghỉ dưỡng tại Indonesia, được cho sẽ mang thương hiệu Trump Organization, tập đoàn được sở hữu và quản lý bởi gia đình ông Donald Trump.

Theo giới kinh tế, giá cổ phiếu của ZTE và các đối tác kinh doanh tại Mỹ đã giảm mạnh sau cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ. Ngày 19-6, cổ phiếu của ZTE đã mất 27% giá trị (mất 7,2 tỷ USD vốn hóa thị trường trong 1 tuần) sau khi các nhà lập pháp Mỹ thông qua một dự luật khôi phục các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc.

Hơn 1 tháng trước (8-6), Chủ tịch tập đoàn ZTE đã xin lỗi nhân viên và khách hàng sau khi tập đoàn này đồng ý trả khoản tiền phạt 1 tỷ USD cho Mỹ để chấm dứt lệnh cấm làm tê liệt các mảng kinh doanh trọng điểm, kể cả điện thoại thông minh.

Quốc Dũng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/dang-sau-viec-my-bo-lenh-cam-doi-voi-tap-doan-zte-cua-trung-quoc-502152/