Đằng sau sự bực bội của Mỹ về S-400 Nga

Xu thế hướng tới việc bảo vệ bầu trời trước Mỹ-Phương Tây là yếu tố quan trọng trong cục diện địa chính trị thế giới.

Cho đến lúc này nếu như ai đó còn cho rằng, Mỹ cạnh tranh với Nga thị trường vũ khí thông qua việc cấm vận, trừng phạt bất cứ đồng minh, quốc gia nào mua S-400 của Nga là chưa thấu đáo.

Hiện nay, ngoại từ Trung Quốc chỉ có 4 quốc gia đang có ý đồ ráo riết mua S-400 của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, Arbia Saudi, Iraq và Qatar đều là những đồng minh thân thiện của Mỹ, có căn cứ quân sự của Mỹ trên đó.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua S-400 có thể dễ hiểu vì căng thẳng với Mỹ xảy ra bởi 2 nguyên nhân chính trong 2 vụ: đảo chính lật đổ Erdogan và người Kurd Syria. Đây là 2 mâu thuẫn không thể dung hòa của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Thế nhưng các đồng minh khác của Mỹ, các quốc gia khác thì sao?

Vậy S-400 có gì đặc biệt mà Mỹ đe dọa cả cấm vận, trừng phạt cả thế giới đến thế?

Thứ nhất, về tính chất, S-400 chỉ là vũ khí phòng thủ.

Thứ hai, về tính năng kỹ chiến thuật, S-400 cũng chỉ là tin đồn, chúng chưa thực chiến lần nào và không chắc đã hơn hẳn hệ thống Patriot của Mỹ.

Rõ ràng, ở góc nhìn quân sự thuần túy thì S-400 của Nga không là cái gì khiến Mỹ phải sợ, phải lo…

Tuy nhiên, người Việt Nam có câu “Có tật giật mình” lại rất đúng với Mỹ trong việc giải thích sự cay cú và những quyết định vô lý, oan ức gây ra với S-400 Nga.

Cái “tật” của Mỹ ở đây là quyền lực địa chính trị ở Trung Đông và thế giới bị suy giảm bởi S-400.

S-400 – Vũ khí địa chính trị số 1 thế giới.

S-400 của Nga không chỉ là một loại vũ khí quân sự thông thường mà nó là vũ khí địa chính trị số 1 của thế giới. Biểu hiện 2 vấn đề chính sau đây:

1, Việc không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, Arbia Saudi và Qatar và các quốc gia khác bao gồm đồng minh của Mỹ…có ý định mua S-400 của Nga để bảo vệ không phận của họ đã thể hiện lòng tin chính trị của họ với nước Nga.

Kể từ đây, họ muốn tự bảo vệ mình, tài nguyên của mình không phải từ Nga…

Sự hiểu biết, lòng tin về quân sự - chính trị của các quốc gia Trung Đông với Nga sẽ có một chiến lược chung về dầu khí mà trong đó các khu vực dầu khí, vùng lãnh thổ bảo vệ dưới sự kiểm soát đáng tin cậy của hệ thống phòng không S-400 Nga.

Rõ ràng, trong tương lai sẽ xuất hiện một hệ thống phòng không của các khu vực do Nga lãnh đạo, kiểm soát có thể là Trung Đông hay khu vực nào đó thuộc châu Âu…

2, Phải nhớ rằng nội dung then chốt của chiến lược chiếm lĩnh lãnh thổ và quốc gia của Mỹ là đạt được ưu thế vượt trội trên không. Không có điều này, Mỹ không nghĩ đến bất kỳ chiến dịch quân sự nào. Đó là lý do vì sao Mỹ duy trì 11 tàu sân bay để thực hiện phương án tác chiến chiếm lĩnh bầu trời như chúng ta đã biết…

Đạt được ưu thế vượt trội trên không hoặc chiếm lĩnh vùng trời tác chiến đã không chỉ là một phương án mà trở thành một chính sách, một chiến lược chiếm đoạt thuộc địa kiểu mới mà không cần dùng lực lượng mặt đất của mình của Mỹ.

Sự bảo đảm “bầu trời mở” cho NATO mà chủ yếu là cho không quân Mỹ, chỉ tạo điều kiện cho Mỹ làm chủ, khống chế vùng trời, gây nên sự đe dọa vô cùng to lớn về một cuộc tấn công quân sự cho bất kỳ quốc gia đồng minh nào và quốc gia tân thuộc địa nào nếu trái với ý đồ chính trị của Mỹ.

Đó là “quyền bay” của Mỹ, thực chất là việc bỏ qua chủ quyền của các nước sở tại; đó là cung cấp hệ thống phòng không cho đồng minh thân cận nhưng đều được các trụ sở Mỹ “giúp đỡ” và khi có dấu hiệu ai đó độc lập như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn là Mỹ rút ngay lập tức hệ thống Patriot của mình.

Trong khi đó Nga không như thế vì Nga không thể, không có lý do để hạn chế chủ quyền của đối tác, do đó, việc chuyển giao cung cấp hệ thống phòng không hiệu quả cao cho đối tác là rõ ràng, tin cậy theo cách: S-400 trong tay, bạn muốn làm gì tùy bạn!.

Chính sách hạn chế chủ quyền trong lĩnh vực quốc phòng của Mỹ với đối tác, đồng minh, do đó, có tác động cực kỳ tiêu cực, cực kỳ khó chịu đến việc bảo vệ lợi ích của nhà nước ở các quốc gia đó, buộc họ đòi hỏi giải pháp thay thế.

Và, những “giải pháp thay thế” này, không có gì hơn là việc mua lại “chìa khóa của họ lên bầu trời” của chính họ. Đó chính là cần S-400 của Nga.

Sự hiện diện của S-400 trong tay của các quốc gia đòi chủ quyền đánh bật con bài quan trọng nhất trong kho vũ khí quyền bá chủ, đánh sập vị thế bất tử của sức mạnh không quân Mỹ. Và, rõ ràng, sự hiện diện của các tổ hợp S-400, nhiệm vụ của bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ không được giải quyết.

Thật không may cho Mỹ, những khuynh hướng như vậy trong tư duy của các nhà lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới đã tìm hiểu đầy đủ ở Nga. Và, sự lo lắng của Mỹ về một trật tự địa chính trị từ S-400 mà ra là có cơ sở.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/dang-sau-su-buc-boi-cua-my-ve-s-400-nga-3364419/