Đằng sau son phấn lô tô

18 giờ chương trình mới bắt đầu nhưng chưa tới 17 giờ, khách đã đến xôm tụ, xí chỗ ngồi gần sân khấu cho dễ thấy, dễ nghe. Sân khấu được dựng gọn gàng, vừa phải, bên dưới là dãy bàn ghế tái chế từ những vật dụng quen thuộc như lốp xe, két bia, nhưng khán giả vẫn thích thú, không câu nệ.

“Có chỗ ngồi vầy là sang rồi đó, chứ như thời xưa ngồi bệt dưới đất không hà”, bà Nguyễn Thị Hà (53 tuổi, ngụ quận Tân Bình) hóm hỉnh nói.

1. Cô đào bước ra với áo dài thướt tha, sau những lời giới thiệu cùng tràng vỗ tay nửa thiệt nửa giả từ âm thanh sân khấu cùng khán giả phía dưới, lượt vé đầu tiên bắt đầu được bán. Tờ vé đơn giản vỏn vẹn chỉ 3 ô số với mức giá 10.000 đồng, được các cô đào mang đến tận từng bàn cho khách. Lượt vé thứ nhất bán xong thì cô đào trên sân khấu giật chiếc xô cho con bọ chạy ra, khán giả nào có một trong ba ô số trên tờ vé trùng với ô số con bọ chạy vào thì nhận được một phần quà gấu bông.

Gần 20 vòng chơi như vậy trôi qua thì chương trình ca nhạc tạp kỹ mới bắt đầu. Phía sau sân khấu, các cô đào đã hóa trang, làm mặt xong xuôi, chuẩn bị xếp hàng lên sân khấu chào khán giả. Sau phần chào sân, những tờ vé được bán đi với mức giá 20.000 đồng, nhiều ô số hơn. Xen kẽ những màn kêu số là những đoạn tấu hài, những tiết mục ca nhạc phần nhiều là những bản bolero quen thuộc, nhiều khán giả lẩm nhẩm hát theo… Nhưng điều khiến khán giả thích thú, hào hứng nhất vẫn là những câu hát lô tô: “Con mấy gì ra, cờ ra con mấy, con mấy gì ra”.

Đoàn lô tô Sài Gòn tân thời diễn ở khu vực sân khấu Rubik Zoo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1

Đoàn lô tô Sài Gòn tân thời diễn ở khu vực sân khấu Rubik Zoo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1

Càng về khuya, khán giả đến càng đông, không đủ chỗ ngồi phải đứng, nhiều bạn trẻ vẫn háo hức chờ “con số gì ra”. “Lô tô này hồi nhỏ ở dưới quê em đi coi nhiều lắm, nhưng trên thành phố thì không thấy, nghe tụi bạn nói có chỗ này, em tới đây chơi cũng ba, bốn lần rồi, lần nào cũng trúng được gấu bông”, Nguyễn Lan Anh (sinh viên năm 2 Trường Đại học Sài Gòn) cho biết.

Ngồi cùng nhóm bạn khu vực gần sát sân khấu, Trần Minh Hùng (23 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), hào hứng: “Tụi em phải đi sớm mới ngồi được chỗ này đó, chứ tới trễ quá có khi phải đứng coi, đoàn lô tô này họ hát hay mà ăn mặc cũng đẹp không thua gì mấy ca sĩ”.

Với nhiều khán giả lớn tuổi, không phải quá háo hức chờ xem những con số gì ra để dò tờ vé, mà chính những màn kêu số đầy ngẫu hứng, kết hợp đủ các bài hát từ tân nhạc, cổ nhạc, nhạc trẻ của các cô đào trên sân khấu đã gợi lại những ký ức tuổi thơ về lô tô hội chợ.

“Hồi xưa mỗi lần có hội chợ về quê, là cả xóm lật đật đi coi, chơi năm vòng bảy lượt mấy trò thảy vòng, thảy banh rồi ai nấy ai nhau xúm lại giữa sân khấu ngồi nghe kêu lô tô. Mua tờ vé rồi ngồi nghe mấy cô đào hát hay lắm, nghe hoài mà không thấy chán. Có bữa lỡ chơi hết tiền, cũng ngồi coi mấy cô đào hát luôn tới hết mới chịu về”, bà Đặng Thị Thơ (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) kể lại ký ức lô tô trong tuổi thơ.

Và không ít khán giả nếu thích cũng được các cô đào mời lên sân khấu để kêu lô tô, sau hai màn kêu số ngẫu hứng và hóm hỉnh, ông Nguyễn Văn Thành (57 tuổi, ngụ quận 3) cho hay: “Hồi nhỏ tui mê đi coi lô tô hội chợ, tui coi riết mà kêu lô tô được luôn chứ có ai dạy, ai chỉ đâu. Có đoàn lô tô vầy cũng vui, đi coi mà nhớ lại hồi nhỏ ở quê chỉ chờ mùa ruộng khô để mấy đoàn lô tô hội chợ họ ghé lại, căng dù, căng bạt rồi dựng sân khấu ngoài ruộng luôn, bà con mình mê lắm”.

2. Trước khi bắt đầu những màn kêu số, hát hò rộn ràng, phía sau sân khấu, các cô đào kê dép ngồi tạm để điểm phấn tô son, có người ngồi bệt luôn dưới sàn xi măng để làm mặt cho kịp. Cây son, hộp phấn đôi khi cũng phải chia sẻ lẫn nhau, người vẽ mặt thì người kia tranh thủ thắt tóc, chải đầu giùm để cho lẹ. Hơn 18 cô đào, phần lớn là người chuyển giới hoặc thích làm con gái trên sân khấu, nên ai cũng tranh thủ váy áo, phấn son rồi chải chuốt sao cho thật duyên dáng.

“Coi giùm chị cái tóc sau lưng cột vầy nó gọn chưa cưng”. “Cái áo của em, chị để đâu rồi, còn đôi giày nữa”. “Hồi chiều ủi xong chị để hết đằng kia, lại đó kiếm coi”. Sau vài tiếng hối của hai anh hậu đài: “Lẹ lẹ nha, sắp tới giờ diễn rồi nha”, cùng tiếng trả lời lật đật: “Ờ! Ờ! Xong rồi”, ai nấy lần lượt thắp hương, xá trước bàn thờ tổ. Các cô đào lần lượt bước ra sân khấu trình diễn một vòng.

Hai, ba cô đào hát kêu số trên sân khấu, thì năm bảy cô phía dưới đi bán vé cho khách, cứ luân phiên đến hết đêm diễn. Khi khán giả về hết thì cũng đã quá nửa đêm, sau lớp má phấn, môi son là những gương mặt mệt mỏi và thiếu ngủ. “Từ tết đến giờ tụi chị diễn suốt, đêm nào cũng diễn, tới nay chị hát muốn hông nổi luôn mà cũng phải ráng vì khán giả thương tới ủng hộ quá chừng. Mấy đêm này thì lời đó em, không có sợ lỗ”, chị Lộ Lộ (tên thật Lâm Quốc Khải, trưởng đoàn lô tô Sài Gòn tân thời) tâm sự.

Mong muốn duy trì để mọi người còn biết và nhớ đến lô tô, chị Lộ Lộ cùng nhiều chị em mê mẩn câu hát: “Con mấy gì ra, cờ ra con mấy” lập nên đoàn lô tô Sài Gòn tân thời. Điểm thu hút khán giả của đoàn chính là cách hát lô tô mộc mạc, quen thuộc đã in sâu vào ký ức tuổi thơ của nhiều người Nam bộ, cùng chất sáng tạo của những người trẻ với mỗi đêm diễn là một chủ đề gần gũi và trang phục chủ yếu là áo dài cùng áo bà ba đặc trưng của đất phương Nam.

Cô đào tranh thủ kê dép ngồi tạm phía sau sân khấu để làm mặt cho kịp giờ diễn

Lộ Lộ chia sẻ: “Hồi đầu lập nên nhóm là quy định luôn tới giờ, đêm nào chủ đề gì thì mặc theo chủ đề đó, còn không là áo dài với áo bà ba, chị không cho ai trong đoàn ăn bận hở hang hết. Khán giả bây giờ người ta cũng khó tính lắm, mình ăn bận phản cảm quá thì người ta tới coi một lần rồi thôi chứ không ai ủng hộ lần hai đâu”.

Vừa tẩy trang xong lớp phấn son dày cộm, chị đào Diệp Thanh Thanh tâm sự: “Tụi chị cũng mê hát lô tô lắm nên theo chứ bây giờ đi diễn cũng ít, tết với lễ thì đỡ hơn. Đêm nào diễn khán giả tới đông là mừng lắm, chứ không là cứ nơm nớp sợ lỗ, nhiều đêm diễn xong, tiền vé cũng vừa đủ cho sân khấu, phấn son, áo quần, tụi chị chỉ còn biết cười trừ với nhau”.

Hùng Cường (30 tuổi, ngụ quận 11), một trong những giọng nam của đoàn, bộc bạch: “Hát lô tô mộc mạc nhưng mà cũng khó lắm. Mình biết hát, biết kêu số rồi còn phải biết hoạt náo trên sân khấu để khán giả hào hứng. Theo nghề có cực có vui, phải mê mới theo nổi. Trong đoàn hầu như ai cũng kiếm thêm nghề phụ để làm chứ chỉ hát lô tô không thì không đủ sống. Như tôi cũng phải hát tự do thêm bên ngoài, ai kêu đâu thì hát đó”.

Có nhiều đêm diễn khán giả thương, đem đến cho ly chè, cái bánh… các chị đào cảm ơn rối rít, vừa lau bớt phấn son trên mặt rồi ăn vội chén chè lót dạ. Ai có nhà gần thì về, còn không thì kiếm một chỗ nghỉ lưng tạm. Cả đoàn lô tô bắt đầu chợp mắt thì trời cũng gần về sáng.

Mỗi người ở đoàn lô tô là một hoàn cảnh, sau lớp phấn son, váy áo lụa là, là những câu chuyện dài về một số phận mong được sống đúng với chính mình. Không dám bày tỏ quá nhiều và người ta cũng ngại khi hỏi về chuyện đời. Có những lần vì quá vui khi nhảy nhót trên sân khấu khiến bộ tóc giả rơi xuống, khán giả cười, cô đào vội vã nhặt lên rồi chạy ra sau sân khấu khóc nức nở. Cả đoàn không ai trách cũng không an ủi, chỉ vỗ nhẹ vai nhau.

Chuyện đời mỗi người mỗi cảnh, nhưng hiện tại họ là điểm tựa cho nhau và lô tô là điểm tựa để họ được sống là chính mình, được hát, được kêu số…

KIM LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dang-sau-son-phan-lo-to-577431.html