Đằng sau scandal của Trịnh Sảng: chuỗi công nghiệp đen mang thai hộ và hàng triệu trẻ em bị bỏ rơi

Lùm xùm của diễn viên Trịnh Sảng đã làm lộ ra đường dây mang thai hộ đang ngày càng bành trướng ở Trung Quốc dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

 Diễn viên Trịnh Sảng hiện là tâm điểm của dư luận vì nhờ người mang thai hộ sau đó bỏ rơi 2 con nhỏ

Diễn viên Trịnh Sảng hiện là tâm điểm của dư luận vì nhờ người mang thai hộ sau đó bỏ rơi 2 con nhỏ

Scandal chấn động làng giải trí đầu năm 2021 lại đến từ nữ thần thanh xuân Hoa ngữ - Trịnh Sảng! Vào ngày 18/1, bạn trai cũ của Trịnh Sảng là Trương Hằng đã tiết lộ trên nền tảng xã hội rằng anh ấy và Trịnh Sảng đã có hai con. Truyền thông Trung Quốc chia sẻ thêm Trương Hằng và Trịnh Sảng từng sang Mỹ vào tháng cuối năm 2019. Họ nhờ người mang thai hộ và có một trai một gái sinh vào tháng 1/2020.

Tuy nhiên, sau đó cả hai chia tay, Trịnh Sảng không cần con, Trương Hằng chỉ có thể ở Mỹ chăm sóc. Nữ diễn viên không đồng ý ký vào giấy tờ khai sinh nên hai bé không thể làm hộ chiếu để về nước. Trịnh Sảng hiện bị giới chức Trung Quốc chỉ trích dữ dội vì hành vi nhờ người mang thai hộ ở Mỹ và từ chối nuôi dưỡng hai con. Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc cũng đã gửi văn bản liệt Trịnh Sảng vào danh sách nghệ sĩ có vấn đề. Tất cả hình ảnh của cô đều bị gỡ bỏ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sự việc này cũng đồng thời cũng làm lộ ra cả chuỗi công nghiệp đen đằng sau đó.

Ngành công nghiệp mang thai hộ thu về lợi nhuận khổng lồ.

Mặc dù Trung Quốc đã cấm mang thai hộ nhưng việc mang thai hộ bất hợp pháp vẫn diễn ra rất tinh vi và thậm chí nó còn hình thành một chuỗi công nghiệp đen chuyên nghiệp. Theo thống kê, tổng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp mang thai hộ toàn cầu đạt 6 tỉ USD vào năm 2012.

Trung Quốc hiện có khoảng 400 cơ sở mang thai hộ. AA69 - mạng lưới mang thai hộ lâu đời tại Trung Quốc - cũng công khai rằng kể từ khi thành lập năm 2004, cơ sở này có hơn 10.000 trẻ sơ sinh được sinh ra.

Việc mua bán trứng, mang thai hộ bị chính phủ Trung Quốc nghiêm cấm, vì vậy các trung gian mang thai hộ trong nước phải thông qua “giao dịch ngầm”, điều này cũng gây ra tình trạng lộn xộn trên thị trường mang thai hộ.

Giá bán trứng cơ bản dao động trong khoảng 10-50 nghìn tệ (tương đương 35-190 triệu đồng), trong khi giá đẻ thuê khoảng là 170 nghìn tệ (tương đương 605,5 triệu đồng), phụ thuộc vào kết quả cuối cùng: sinh quý tử, sinh đôi, sinh đôi cặp trai gái. Khách hàng có thể chọn giới tính cho đứa bé với chi phí khoảng 850 nghìn tệ (hơn 3 tỉ VND), nếu muốn sinh đôi thì cần thêm 100 nghìn tệ.

Hầu hết các khoản phí mà khách hàng trả đều vào túi người trung gian. Những người từng tham gia đường dây trung gian mang thai hộ tiết lộ rằng các bà mẹ mang thai hộ nhìn chung chỉ được nhận thù lao từ 150 nghìn đến 200 nghìn tệ (khoảng 530 triệu - 710 triệu VND). Sau khi trừ đi các phí khác, họ chỉ nhận được khoảng 30 đến 60% khoản tiền này.

Các bà mẹ mang thai hộ chịu rất nhiều tổn thương về tinh thần và sức khỏe. Nguồn ảnh: Sohu

Đằng sau những khoản lợi nhuận khổng lồ mà các cơ sở, trung gian mang thai hộ kiếm được là sự bóc lột trần trụi những bà mẹ mang thai hộ.

Bên cạnh việc chỉ trích ngành công nghiệp mang thai hộ, dư luận cũng cho rằng quy mô khổng lồ của ngành này phát triển mạnh như vậy chứng tỏ thị trường có nhu cầu cao.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ các cặp vợ chồng mắc chứng rối loạn sinh đẻ ở Trung Quốc là 12,5% đến 15%, trong đó cứ 8 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì có 1 cặp gặp khó khăn trong việc sinh nở, và khi nhịp sống ngày càng tăng cao thì tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng.

Nhưng mang thai hộ có thực sự đơn giản như "đôi bên tình nguyện"?

Người mẹ mang thai hộ không chỉ đối mặt với nguy cơ bị lợi dụng, lừa gạt mà còn phải gánh chịu nhiều hơn trong quá trình mang thai hộ, chẳng hạn như mất lòng tự trọng, mất quyền tự do cá nhân, phải trả giá bằng máu, đẻ non, thậm chí tử vong do đa thai.

Nói một cách tương đối, nếu người mẹ đẻ thuê thực sự được trả tiền thù lao thì đó là may mắn, nhưng đứa trẻ lại trở thành người đáng thương nhất. Trong quá trình mang thai hộ, những khách hàng như Trịnh Sảng đột ngột đòi bỏ con không phải là hiếm.

Trong nhiều trường hợp thai nhi là con gái, người đẻ thuê phải phá bỏ hoặc đền bù 100% chi phí cho khách hàng để giữ đứa trẻ. Ngoài ra, nếu em bé bị sinh non hay dị tật bẩm sinh, người mẹ và trung tâm môi giới phải chịu mọi trách nhiệm. Và những đứa trẻ bị từ chối này sẽ đi về đâu?

Theo truyền hình Sơn Đông, một số làng mang thai hộ vẫn tồn tại ở Trung Quốc. Phụ nữ từ trẻ đến già ở những ngôi làng này dựa vào việc mang thai hộ để kiếm tiền nuôi gia đình và trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Còn những người đàn ông trong làng chỉ ngồi cắn hạt dưa, chơi mạt chược và đọc báo, nhàn nhã chờ người vợ kiếm tiền về từ việc đẻ mướn.

Vì vậy, khi thiên chức phụ nữ trở thành hàng hóa trao đổi; cơ thể, ngoại hình, học thức và tử cung bị thương mại hóa, đạo đức xã hội sẽ xuống cấp nghiêm trọng.

Nguồn tin: Zhuanlan.Zhihu

Thanh Hà

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/dang-sau-scandal-cua-trinh-sang-chuoi-cong-nghiep-den-mang-thai-ho-va-hang-trieu-tre-em-bi-bo-roi-post142174.html