Đằng sau quyết định từ chức của nữ Thủ tướng New Zealand

Hôm 25-1, New Zealand đã có Thủ tướng mới kế nhiệm bà Jacinda Ardern, người vừa bất ngờ thông báo từ chức hồi tuần trước. 'Tôi không muốn để lại ấn tượng rằng áp lực cạnh tranh chính trị là lý do mình nghỉ việc' - bà Ardern lý giải về quyết định của mình và khẳng định gia đình mới là lý do chính.

Bà Jacinda Ardern lần cuối rời Quốc hội trên cương vị là Thủ tướng New Zealand vào ngày 25-1

Bà Jacinda Ardern lần cuối rời Quốc hội trên cương vị là Thủ tướng New Zealand vào ngày 25-1

Tại cuộc họp kín của đảng cầm quyền hôm 19-1, bà Jacinda Ardern đã gây sốc khi tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng New Zealand trước ngày 7-2. Bà chia sẻ rằng, cá nhân bà cảm thấy “không còn đủ năng lượng” để tiếp tục công việc “đòi hỏi trách nhiệm to lớn”. “Đây là 5 năm rưỡi trọn vẹn nhất trong cuộc đời tôi, nhưng nó cũng có những thách thức. Tôi không rời đi vì nó khó khăn, nếu đúng như vậy thì có lẽ tôi đã rời bỏ công việc sau 2 tháng…” - nữ lãnh đạo cho hay. Bà Ardern nhấn mạnh, vị trí Thủ tướng cần một người hiểu rõ khi nào họ có những yếu tố phù hợp để tiếp tục công việc, cũng như biết được khi nào họ cần ngừng lại vì không còn phù hợp. Nữ Thủ tướng New Zealand cũng nhấn mạnh, Công đảng của bà cũng đang cần “làn gió mới” trước tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 10-2023. Bà đã suy nghĩ trong suốt kỳ nghỉ hè về việc có đủ năng lượng để tiếp tục đảm nhận vai trò này hay không và kết luận là không. “Với tôi thì đã đến lúc. Chỉ là tôi không có đủ sức cho 4 năm nữa”.

Gần đây, các mối đe dọa bạo lực nhằm vào bà Ardern đã gia tăng đáng kể, đặc biệt là từ những người theo thuyết âm mưu và các nhóm chống vaccine tức giận trước quy định về tiêm vaccine tại New Zealand và lệnh phong tỏa vì Covid-19. Tuy nhiên, gia đình mới là lý do chính khiến bà Ardern từ chức. Bà lý giải, quyết định ra đi là do yếu tố gia đình nhiều hơn vì áp lực công việc hay nỗi sợ thất bại trước kỳ tổng tuyển cử năm nay. “Tôi không muốn để lại ấn tượng rằng áp lực cạnh tranh chính trị là lý do mình nghỉ việc. Dù sao thì tôi cũng là người bình thường và áp lực đó cũng có một phần tác động, nhưng không phải là nguyên nhân chính trong quyết định của tôi” - bà Ardern nói.

Khi trở thành Thủ tướng vào năm 2017 ở tuổi 37, bà là nữ lãnh đạo thứ ba của New Zealand và là một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới. Trong vòng 1 năm, bà trở thành nhà lãnh đạo thế giới thứ hai sinh con khi đang tại nhiệm. Bà sinh con vào tháng 6-2018, chọn nghỉ thai sản 6 tuần rồi trở lại với công việc bình thường vào tháng 8-2018. Nữ Thủ tướng trong tuyên bố về quyết định rút lui khỏi chính trường có nhắc đến cô con gái Neve (4 tuổi) và nói rằng rất mong chờ được ở cạnh con mình khi năm học mới bắt đầu. Bà cũng nhắc đến vị hôn phu Clark Gayford và nói rằng cả 2 có thể bắt đầu tính đến đám cưới sau khi bà có nhiều thời gian cho gia đình hơn. “Điều thú vị duy nhất mà bạn sẽ tìm thấy là sau 6 năm trải qua một số thử thách lớn, tôi là con người. Các chính trị gia cũng là con người. Chúng tôi cống hiến tất cả những gì có thể và rồi cũng đến lúc. Đối với tôi, đã đến lúc dừng lại. Bạn sẽ không thấy tôi bình luận về chính trị trong nước, tôi đã có thời gian của mình. Giờ tôi sẵn sàng trở thành một nghị sĩ, sẵn sàng làm mẹ” - bà xúc động nói trong bài phát biểu cuối cùng với tư cách Thủ tướng New Zealand.

Bà Ardern đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong nhiệm kỳ với hình ảnh lãnh đạo cấp tiến và đồng cảm với người dân. Tân Thủ tướng Chris Hipkins thừa nhận, ông trở thành lãnh đạo New Zealand vào thời điểm đầy thách thức nhưng cũng ca ngợi người tiền nhiệm Ardern là một trong những thủ tướng vĩ đại nhất của New Zealand và là nguồn cảm hứng cho phụ nữ khắp mọi nơi. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, bà Ardern đã “cho thế giới thấy cách lãnh đạo bằng trí tuệ và sức mạnh… Bà ấy đã chứng minh rằng sự đồng cảm và hiểu biết sâu sắc là những phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ”.

“Nhưng ngay cả đối với những nhà lãnh đạo bình thường trong thời điểm bình thường, thông báo từ chức của bà Ardern thật quyết đoán, táo bạo và khác thường. Điều đó có lẽ truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo suy nghĩ lại về mục đích quyền lực của họ. Thêm nữa, Ardern còn đủ trẻ để nghỉ ngơi và sau đó bắt đầu làm bất cứ điều gì mà bà ấy đam mê nhất. Có thể đây sẽ là một ví dụ quan trọng cho thấy rằng, lãnh đạo một quốc gia trên thực tế có thể là một công việc giữa chừng và cũng không có nghĩa là mãi mãi” - Leslie Vinjamuri, thành viên Chatham House, Viện Chính sách quốc tế Hoàng gia Anh phát biểu với tạp chí Foreign Policy.

Theo (Theo CNN/Reuters)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dang-sau-quyet-dinh-tu-chuc-cua-nu-thu-tuong-new-zealand-post529506.antd