Đằng sau quyết định chọn tướng quân đội làm Ngoại trưởng của Triều Tiên

Giới phân tích đánh giá việc tân Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên là một cựu sĩ quan ít kinh nghiệm ngoại giao cho thấy nhà lãnh đạo Kim đặt niềm tin vào nhóm kiên trung trong đảng và quân đội giữa lúc đàm phán hạt nhân đình trệ.

Ông Ri Son-gwon nổi tiếng với thái độ cứng rắn khi làm việc cùng Hàn Quốc - Ảnh: Bloomberg

Ông Ri Son-gwon nổi tiếng với thái độ cứng rắn khi làm việc cùng Hàn Quốc - Ảnh: Bloomberg

Cuối tuần qua bất ngờ xuất hiện thông tin ông Ri Yong-ho đã không còn giữ chức Ngoại trưởng, người kế nhiệm là ông Ri Son-gwon – nhân vật từng là Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình phụ trách dẫn dắt hoạt động đối thoại với Hàn Quốc năm 2018. Chính quyền Bình Nhưỡng cùng truyền thông nước này đều chưa lên tiếng xác nhận.

Ri Son-gwon chẳng hề có kinh nghiệm đàm phán hạt nhân với Mỹ như quan chức tiền nhiệm, vì vậy vẫn còn quá sớm để biết chính xác động thái thay đổi nhân sự tác động ra sao đến tiến trình thương lượng giữa hai quốc gia. Tuy nhiên giới chuyên gia lưu ý ông khá cứng rắn khi làm việc cùng láng giềng Hàn Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Michael Madden thuộc trung tâm Stimson, tại Triều Tiên đang có một làn sóng quan chức quân đội cấp cao dần tiếp nhận vị trí lãnh đạo trong đảng.

Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát hàng loạt vụ phóng tên lửa năm qua, tần suất sĩ quan quân đội hoặc nhân vật làm việc trong ngành phát triển vũ khí xuất hiện trước công chúng cũng tăng lên rõ rệt.

Ông Ri Son-gwon chẳng hề lộ diện kể từ lúc đối thoại hai miền rơi vào bế tắc, nhưng đến tháng 4 lại có tên trong danh sách thành viên Ủy ban đối ngoại trực thuộc Quốc hội mà Triều Tiên tái lập, thậm chí còn tham dự phiên họp toàn thể Ủy ban trung ương đảng tháng 12 mới đây.

Là nhà đàm phán cứng rắn, Ri Son-gwon từng giận dữ rời khỏi cuộc đàm phán với Hàn Quốc năm 2014 do phía Seoul yêu cầu họ phải đưa ra lời xin lỗi về những hoạt động khiêu khích quân sự trước đây. Ngoài ra ông còn được biết đến là “cánh tay phải” của Kim Yong-chol – cựu quan chức đảm nhận một vị trí chủ chốt trong đảng Lao động Triều Tiên trước khi phụ trách đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 3 năm ngoái thất bại, Kim Yong-chol gần như biến mất. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thời điểm đó cất nhắc những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm đối ngoại với Mỹ trong đó có cấp phó của ông Ri Yong-ho là bà Choe Son-hui.

Nhưng rồi cuộc làm việc cấp chuyên viên tháng 10 đổ vỡ và chính quyền Washington phớt lờ hạn chót thay đổi lập trường cuối năm 2019. Dường như ông Kim Yong-chol âm thầm giành lại ảnh hưởng còn vai trò của Ngoại trưởng Ri Yong-ho ngày càng suy yếu. Bức ảnh chụp hàng ngũ nhân vật cấp cao trong đảng Lao động Triều Tiên tháng 12 chẳng hề có ông Ri Yong-ho.

Theo một số nguồn tin ngoại giao, khi ông Ri Son-gwon giữ chức Ngoại trưởng thì bà Choe vẫn giữ được ghế nhờ gia thế đặc biệt.

Cựu quan chức Hàn Quốc Kim Hong-kyun (từng phụ trách đàm phán hạt nhân) nhận định: “Điều quan trọng nhất vẫn là nhà lãnh đạo Kim Jong-un nghĩ gì. Và ông ấy cần người thay mặt mình thể hiện quan điểm, bất kể là Ri Son-gwon hay Choe Son-hui”.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/dang-sau-quyet-dinh-chon-tuong-quan-doi-lam-ngoai-truong-cua-trieu-tien-130075.html