Đằng sau quyết định buộc tội cựu Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf của Tòa án chống tham nhũng

Ngay sau khi Tòa án chống tham nhũng đưa ra cáo buộc đối với cựu Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf cùng 6 quan chức, dư luận đã có những phản ứng khác nhau.

Bởi 1 trong 6 quan chức kể trên là Babar Awan, lãnh đạo cấp cao trong đảng Tehreek-e-Insaf của Thủ tướng Imran Khan, người lên nắm quyền lãnh đạo Pakistan từ năm 2018 với cam kết loại trừ tình trạng tham nhũng ra khỏi chính phủ nước này.

Ngoài ra, để đưa ra cáo buộc đối với cựu Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf, người bị coi có trách nhiệm gây ra thiệt hại tới hàng triệu USD vì những lần trì hoãn đối với dự án nhiệt điện Nandipur, Cục Giải trình trách nhiệm Quốc gia, cơ quan chống tham nhũng của Pakistan đã phải tiến hành điều tra trong nhiều năm.

`Cựu Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf.

`Cựu Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf.

Theo đó, ông Raja Pervaiz Ashraf cùng 6 quan chức kể trên và nhiều chính trị gia khác đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với chính phủ trong dự án nhiệt điện Nandipur. Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là những hệ lụy từ trước, trong và sau khi ông Raja Pervaiz Ashraf được ngồi vào ghế Thủ tướng Pakistan từ tháng 6-2012 đến tháng 3-2013.

Hơn 5 năm trước (5-12-2013), Tòa án Tối cao ra lệnh tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự và hình sự đối với cựu Thủ tướng Raja Pervez Ashraf - bị cáo buộc lạm quyền để trục lợi cá nhân - lạm dụng quyền hạn lập các quỹ bất hợp pháp (tiền từ các quỹ này được dùng để mua chuộc cử tri trước thềm bầu cử) để bòn rút ngân sách nhà nước, trục lợi cá nhân. Ngoài ra, ông Raja Pervez Ashraf còn dùng tiền từ những quỹ kể trên và tiền tham nhũng để mua bất động sản ở Anh.

Theo cáo buộc của Tòa án Tối cao, trong thời gian tại nhiệm, ông Raja Pervez Ashraf đã chi 47 tỷ rupee cho các chương trình phát triển tại quê nhà ở Gujar Khan, tỉnh Punjab. Ngày 15-1-2013, Tòa án Tối cao đã ra lệnh bắt cựu Thủ tướng Raja Pervez Ashraf vì bị cáo buộc có liên quan tới tham nhũng.

Và quyết định này khi đó đã tạo thêm sức mạnh cho Giáo sĩ Hồi giáo Tahir ul-Qadri, người đang kêu gọi hàng chục ngàn tín đồ biểu tình ở thủ đô Islamabad để yêu cầu chính phủ phải từ chức vì tham nhũng và không để ý đến đời sống người dân. Khi đó, còn có 16 người khác (3 cựu Bộ trưởng) cũng bị Tòa án Tối cao ra lệnh bắt để phục vụ công tác điều tra. Ông Raja Pervez Ashraf từng bị chỉ trích vì yêu cầu xây dựng sân bay trực thăng tại tư dinh, khi vừa lên nắm quyền.

Đương nhiên, Pakistan đã bị rúng động bởi lệnh bắt này. Vì tại thời điểm đó, ông Raja Pervez Ashraf vẫn là đương kim Thủ tướng. Theo cáo buộc của tòa, ông Raja Pervez Ashraf bị cáo buộc đã nhận hối lộ và "hoa hồng" để thông qua các dự án điện vào năm 2010, khi còn giữ chức Bộ trưởng Nước và Năng lượng.

Người ra lệnh bắt ông Raja Pervez Ashraf là Chánh án Tòa án Tối cao Iftikhar Muhammad Chaudhry. Nhưng sau khi nhận lệnh từ Tòa án Tối cao, Giám đốc Cơ quan chống tham nhũng Fasih Bokhari lại từ chối thực thi. Bởi theo ông Fasih Bokhari, không có đủ bằng chứng để bắt Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf.

Theo giới truyền thông, sau khi bị Giám đốc Cơ quan chống tham nhũng Fasih Bokhari từ chối thực thi lệnh bắt Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf, ngày 24-1-2013, Tòa án Tối cao đã ra lệnh khởi tố vụ án hình sự đối với người đứng đầu chính phủ. Khi đó, Tòa án Tối cao cho rằng, ông Raja Pervez Ashraf có quan hệ mờ ám với cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý dầu khí Tauqir Sadiq, người đã đào tẩu ra nước ngoài sau khi bị cáo buộc biển thủ khoảng 850 triệu USD.

Cùng ngày 24-1-2013, ông Kamran Faisal, nhân viên điều tra vụ án có liên quan tới Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf được phát hiện treo cổ tự tử tại nhà công vụ ở thành phố Lahore. Người thân và bạn bè của ông Kamran Faisal khẳng định, đây không phải là vụ tự sát đơn thuần, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết này.

Và sau cái chết của ông Kamran Faisal, nhiều nhân viên điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng đã từ chối làm việc, nếu không nhận được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Đồng thời yêu cầu cuộc điều tra về tội nhận hối lộ của Thủ tướng Raja Pervez Ashraf phải được tiến hành độc lập, công khai và minh bạch.

Ông Khan Khoso đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng lâm thời tại thủ đô Islamabad hôm 25-3-2013, dưới sự chủ trì của Tổng thống Asif Ali Zardari, cùng sự chứng kiến của cựu Thủ tướng Raja Pervez Ashraf. Tuy đã 84 tuổi, nhưng ông Khan Khoso vẫn được Ủy ban bầu cử Pakistan bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời, để điều hành Pakistan trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 11-5-2013. Ông Raja Pervaiz Ashraf trở thành Thủ tướng sau khi Tòa án Tối cao phế truất người tiền nhiệm Yusuf Raza Gilani - bị cáo buộc coi thường bộ máy tư pháp khi không chấp hành lệnh của tòa án về việc đề nghị Thụy Sĩ tái điều tra đối với Tổng thống Asif Ali Zardari.

Anh Phương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/pakistan-dang-sau-quyet-dinh-buoc-toi-cuu-thu-tuong-raja-pervaiz-ashraf-cua-toa-an-chong-tham-nhung-536945/