Đằng sau nỗi đau Bphone mất hút trên kệ hàng của Thế giới Di động

Nỗi đau thương hiệu Việt thua ngay sân nhà, điển hình qua hình ảnh Bphone lạc quẻ trước hàng trăm sản phẩm ngoại, thương hiệu ngoại như Samsung, Apple, Oppo,...

Mới đây, làng di động Việt xôn xao về sự xuất hiện của mẫu điện thoại “made in BKAV" Bphone thế hệ thứ 3 với nhiều cải tiến. Đặc biệt, Bphone thế hệ thứ 3 được định giá thấp hơn so với 2 thế hệ trước.

Kèm theo đó, BKAV cũng thay đổi chiến lược về kênh phân phối với sản phẩm Bphone 3. Cụ thể, BKAV sẽ không sử dụng kênh bán lẻ hợp tác đối tác chiến lược là chuỗi hệ thống bán điện thoại Thế giới Di động như 2 lần ra mắt trước.

Thay vào đó, BKAV sử dụng kênh bán lẻ khác thích hợp hơn là các cửa hàng bán điện thoại di động với quy mô nhỏ hơn nhưng đa dạng và linh hoạt.

Theo ý kiến của một vài chuyên gia, việc Bphone không liên kết với kênh phân phối Thế giới Di động như một cú tát với sản phẩm Việt, khi bị thua ngay trên chính sân nhà.

Thế Giới Di Động ngừng bán Bphone 2017 dù mới chỉ hợp tác được chưa đến 10 tháng.

Vào năm 2017, cộng đồng yêu công nghệ trong nước vui mừng khi Việt Nam đã tự mình sản xuất 1 chiếc điện thoại “thực sự". Không phải là hàng gia công, không phải là “thương hiệu Việt" sản xuất ở Trung Quốc, mà hoàn toàn do người Việt sản xuất, dựa trên trí tuệ của BKAV.

Tại thời điểm đó, bất kỳ ai cũng mong chờ Bphone có thể sánh ngang với các tên tuổi lớn trong làng di động thế giới, đủ sức cạnh tranh với Samsung, iPhone, Oppo,.... Lãnh đạo của BKAV cũng rất khôn khéo khi lựa chọn kênh phân phối đó là chuỗi cửa hàng, đại lý Thế giới Di động.

Ai cũng mong chờ “hái quả ngọt" từ sự liên kết giữa 1 bên là đơn vị sản xuất và một bên là kênh phân phối hàng đầu Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, sự hợp tác của Thế giới Di động và BKAV giống như “hôn nhân vàng" trong giới kinh doanh.

Trên thực tế, sản phẩm “made in Việt Nam" Bphone 2 gần như lạc quẻ trước hàng trăm sản phẩm ngoại, thương hiệu ngoại như Samsung, Apple, Oppo,.... trên các kệ hàng của Thế giới Di động.

Các sản phẩm của Việt Nam sản xuất nói chung và Bphone nói riêng không hề thua kém chất lượng, tuy nhiên, về mặt thương hiệu vẫn chưa thể cạnh tranh được các “đại gia" của làng di động thế giới. Chính vì lẽ đó, Bphone cần một bệ đỡ vững mạnh là sự hậu thuẫn từ hàng nghìn cửa hàng, đại lý Thế giới Di động trên toàn quốc.

Về mặt lý thuyết, việc hợp tác với một kênh bán lẻ như Thế giới Di động là điều rất tốt, nên làm và bất kỳ một người có nghề về kinh doanh, marketing, bán lẻ đều đồng ý và tán thành với chiến lược này.

Hình ảnh buổi ra mắt Bphone 3.

Bởi vì Thế giới Di động có hệ thống bán hàng lớn, độ phủ rộng toàn quốc, có uy tín và thương hiệu mạnh trên thị trường bán điện thoại di động và laptop, có đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, và công nghệ bán lẻ khá là tối ưu.

Tuy nhiên, “hôn nhân" giữa BKAV và Thế giới Di động kết thúc rất nhanh, do không đem lại được hiệu quả. Theo đánh giá của BKAV, sản phẩm Bphone 2 hợp tác bán tại chuỗi cửa hàng Thế giới Di động đã không được như kỳ vọng với một số lý giải như “nhân viên không giới thiệu Bphone 2 mà giới thiệu sản phẩm khác.

Theo nhận định của chuyên gia marketing MBA Nguyễn Phan Anh, có thể lý giải việc này theo một số suy đoán. Đầu tiên là vấn đề chiết khấu. Chiết khấu bán lẻ của Bphone 2 so với một số thương hiệu khác chưa hấp dẫn bằng.

Chúng ta có thể hiểu, nhân viên bán hàng thường được trả lương theo công thức lương cứng và lương mềm. Trong đó, lương mềm chính là hiệu quả bán hàng, tức là được trả thêm hoa hồng bán hàng nếu bán được sản phẩm nào đó trong ca kíp của mình làm việc.

Vì vậy, nhân viên bán hàng sẽ hành động vì lợi ích của chính họ là sẽ giới thiệu sản phẩm nào mà họ cảm thấy rằng bán được và chốt sales nhanh nhất, dễ nhất, được chiết khấu cao nhất, hoặc chương trình chạy doanh số mà công ty đưa xuống,..

Như vậy, ngay từ ban đầu, Bphone đã thua trực tiếp trên sân nhà do không được “đối tác chiến lược" hậu thuẫn, hoặc chí ít là chia sẻ “tình đồng bào".

Bởi lẽ, Bphone là doanh nghiệp "mới" trên thị trường di động, họ phải hạ giá thành tới mức tối đa để cạnh tranh được với các đối thủ, vì vậy, không có chuyện Bphone có chiết khấu cao hơn các hãng điện tử có mặt trên thị trường.

Trong vai một người đi mua điện thoại trong phân khúc giá từ 8 - 9 triệu đồng, PV báo điện tử VTC News được các nhân viên tư vấn bán hàng của Thế giới Di động tư vấn rất nhiệt tình, từ những mẫu điện thoại Hàn, Nhật như Samsung, Sony,... đến các hãng điện thoại Trung Quốc như Oppo, Vivo, Huawei... Những vị trí trang trọng, đẹp nhất của các đại lý Thế giới Di động thường trưng bày các sản phẩm ngoại, thương hiệu ngoại.

Khi được hỏi về mẫu Bphone, nhân viên của Thế giới Di động cho biết, mẫu điện thoại "made in Việt Nam" đã không còn được bán trên toàn bộ hệ thống của Thế giới Di động từ rất lâu: "Anh có thể lựa chọn một vài sản phẩm khác có cùng giá bán với Bphone", vị này nói.

Thật đáng buồn khi mỗi quan hệ giữa BKAV và Thế giới Di động tan rã. Doanh nghiệp Việt có rất ít tính tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau. Ở cơ chế thị trường "cá lớn nuốt cá bé hiện nay", sẽ không có chỗ dành cho "lòng dân tộc" ngự trị.

Không chỉ Bphone, nhiều sản phẩm nội khác cũng đang yếu thế và phải tự bước ngay trên sân nhà. Đặc biệt là nông sản. Ở các chuỗi siêu thị hiện nay, đủ thứ hoa quả ngoại được nhập khẩu với mức giá trên trời, có bao nhiêu, hết bấy nhiêu.

Trong khi đó, nông sản của Việt Nam lúc nào cũng trong tình trạng "mong manh dễ vỡ", điêu đứng vì không có đầu ra. Hết giải cứu củ cải, dưa hấu, dưa gang, thanh long,... cho đến giải cứu lợn. Đó là chưa kể đến, các siêu thị tầm trung hiện nay đều bị nước ngoài thôn tính, chình vì lẽ đó, họ ưu tiên cho các sản phẩm của họ, thay vì đưa hàng Việt vào hệ thống.

Nếu siêu thị đó do người Nhật quản lý, thì các sản phẩm có xuất xứ từ Nhật sẽ được đặt ở những vị trí đẹp nhất trong khuôn viên siêu thị. Tương tự, nếu siêu thị của Thái Lan, đương nhiên họ sẽ ưu tiên nông sản, các sản phẩm dệt may, đồ công nghiệp của Thái.

Chính vì lẽ đó, hàng Việt chỉ trông chờ vào chuỗi phân phối, các nhà bán lẻ do người Việt quản lý và thuộc về người Việt. Nhưng cũng có một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối của người Việt đang từ chối các sản phẩm Việt Nam đã khiến các sản phẩm này không có đầu ra, dẫn đến thua lỗ, thậm chí là phá sản.

Thiết nghĩ, dù một sản phẩm có quảng bá, truyền thông tốt đến đâu, nhưng đơn vị phân phối không nhiệt tình với sản phẩm thì coi như vứt. Mọi thành quả đều quay về con số không.

Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp Việt cần phải tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu Việt. Góp phần quảng bá các sản phẩm "made in Việt Nam" ra thế giới.

Video: Khách hàng đầu tiên mua Bphone nói gì?

Việt Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dang-sau-noi-dau-bphone-mat-hut-tren-ke-hang-cua-the-gioi-di-dong-d433058.html