Đằng sau những thước phim, con chữ

Gần 600 tác phẩm dự thi tại Liên hoan truyền hình, phát thanh CAND lần thứ XII (diễn ra từ ngày 9 đến 13-9 tại TP Huế) có rất nhiều tác phẩm phản ánh vấn đề thời sự đang còn 'nóng' và rất được dư luận, cộng đồng đặc biệt quan tâm.

Gần 600 tác phẩm dự thi tại Liên hoan truyền hình, phát thanh CAND lần thứ XII (diễn ra từ ngày 9 đến 13-9 tại TP Huế) có rất nhiều tác phẩm phản ánh vấn đề thời sự đang còn "nóng" và rất được dư luận, cộng đồng đặc biệt quan tâm. Để thực hiện được "những đứa con tinh thần" để phục vụ khán giả, bạn đọc, đội ngũ phóng viên, quay phim trong lực lượng CA phải băng rừng lội suối, vượt lũ dữ. Và cũng có lúc phải đối mặt với lâm tặc hay bất chấp hiểm nguy truy đuổi các đối tượng đang tuồn thực phẩm bẩn vào biên giới Việt Nam...

Để thực hiện phóng sự "Công an trong vùng lũ", Trung tá Thanh phải băng rừng đến với tâm lũ.

Để thực hiện phóng sự "Công an trong vùng lũ", Trung tá Thanh phải băng rừng đến với tâm lũ.

Tỏa sáng hình ảnh công an trong lũ

Tham dự Liên hoan, một trong những phóng sự truyền hình xúc động của Đoàn CA tỉnh Thanh Hóa là tác phẩm "Công an trong vùng lũ" do Trung tá Nguyễn Thị Thái Thanh - Đội trưởng Đội Tuyên truyền Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị CA Thanh Hóa thực hiện. Tác phẩm đề cập đến cơn "đại hồng thủy" của cơn bão số 3 vào đầu tháng 8-2019 và hình ảnh người công an trong tâm lũ. Trung tá Thanh nghẹn ngào nhớ lại: Cơn cuồng nộ của dòng lũ ập về rạng sáng ngày 3-8 đã khiến bản Sa Ná, xã Na Mèo, H. Quan Sơn phút chốc thành bình địa. Tại đây, tất cả đều chìm trong cảnh hoang tàn, đổ nát. Cả tỉnh đã có 16 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, mất mát đau thương bao trùm, khó khăn chất chồng khó khăn". Bất chấp lũ dữ, chị Thái Thanh cùng đồng đội của mình băng rừng, vượt sông đến với các bản làng trên địa bàn các H. Quan Sơn, Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa.

Để đến với bên kìa bờ Sa Ná giữa dòng lũ xoáy, Trung tá Thanh đã nhiều giờ băng rừng lội suối, dầm mình trong lũ. Và phải qua 4 lần nhờ hỗ trợ trên xe gầu múc chị mới đến được tâm lũ. Và, chính trong những cơn lũ dữ, ở những nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh thì hình ảnh về người Trưởng Công an xã Nhi Sơn Thao Văn Súa hy sinh quên mình cứu dân đã lay động biết bao triệu người dân Việt. Hay hình ảnh những chiến sĩ CAH Quan Sơn và Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN CA tỉnh Thanh Hóa vượt sông Luồng, băng qua dòng nước hung dữ, rồi dầm mình trong nước lũ tìm kiếm người mất tích, giúp dân khắc phục hậu quả đã gây xúc động, xây dựng hình ảnh đẹp về người CBCS công an "vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Lên án, đấu tranh với cái xấu

Là tỉnh ở đầu cực Bắc của nước ta, tham dự Liên hoan lần này, Đoàn CA tỉnh Lạng Sơn dự thi tác phẩm truyền hình "Đấu tranh ngăn chặn thực phẩm bẩn ngay từ cửa ngõ biên giới". Để thực hiện phóng sự này, các phóng viên phải đi làm đêm, tham gia mật phục, truy đuổi các đối tượng với tốc độ cao rất nguy hiểm. "Khi nhóm phóng viên vào khu vực biên giới tiếp cận nắm tình hình, bị các đối tượng xua từng đàn chó dữ ra đuổi không cho vào khu vực này. Tính mạng của các phóng viên bị đe dọa. Hơn 2 tháng trời ròng rã cuối cùng tác phẩm cũng đã hoàn thành. Chúng tôi đã chọn đề tài này để phản ánh trong thời điểm bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, với mong muốn cảnh báo tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm qua đó mong mọi người nâng cao ý thức để phòng ngừa dịch bệnh"- Thiếu tá Hà Nguyệt My - Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, CA tỉnh Lạng Sơn thông tin.

Trung tá Dương Thành Trung - Đội trưởng Đội Tuyên truyền - Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị CA tỉnh Điện Biên cho biết, điểm mới của Liên hoan năm nay là lần đầu tiên đưa chương trình phát thanh vào dự thi. CA tỉnh Điện Biên đã tham gia phóng sự phát thanh 3 kỳ "Tiếng khóc của rừng" nghiến tại H. Tủa Chùa. Đây là khu vực rừng phòng hộ giáp với địa bàn một số xã của tỉnh Sơn La. Các đối tượng ở Sơn La móc nối với các đối tượng ở Điện Biên vào sâu trong rừng nghiến chặt phá các cây gỗ nghiến có tuổi đời hàng trăm năm. Khu vực chặt hạ nằm sâu trong rừng, ngoài đi xe còn phải di bộ 7-8 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Các đối tượng đi thành tốp rất đông, mang theo cưa máy để chặt phá. Lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều gỗ nghiến được xẻ "thịt" dưới dạng thớt. Để thực hiện phóng sự này, phóng viên cùng lực lượng chức năng đã gặp phải nhiều khó khăn khi đi vào rừng sâu nhiều ngày, các đối tượng lâm tặc rất manh động. "Lần đầu dự thi phát thanh khó khăn lớn nhất là phải truyền tải được nội dung thông qua từng câu từ, để khán giả hình dung được thông điệp mà chúng tôi đưa đến. Đồng thời do đặc thù của địa phương nên việc tìm giọng phát thanh phù hợp cũng gặp nhiều khó khăn. Đòi hỏi các đồng chí phát thanh viên phải tập luyện rất nhiều"- Thượng úy Hoàng Thu Trang - phát thanh viên cho hay.

Phóng viên, biên tập viên của Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị CA TT-Huế đang sản xuất phóng sự tham dự liên hoan.

Phản bác các luận điệu sai trái

Tác phẩm phóng sự truyền hình "Bức màn bí ẩn, ma mị" (3 kỳ) do Thiếu tá Trần Đình Hồng - Đội trưởng Đội Tuyên truyền - khen thưởng Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị CA TT-Huế cùng đồng nghiệp thực hiện, trong hành trình đi tìm sự thật về Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ tại địa bàn TT-Huế, CBCS đơn vị đã chứng kiến không ít cảnh đời, gia đình ly tán khi có người thân mù quáng đi theo Hội thánh. Để vạch rõ bản chất các đối tượng lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo hoạt động vi phạm pháp luật, gây mất ANTT, các CBCS Đội Tuyên truyền đã ngày đêm bí mật, theo dõi các đối tượng truyền đạo, quyết tâm vào cuộc điều tra để thực hiện phóng sự kịp thời nhằm tuyên truyền, cảnh báo đến người dân.

Trong khi đó, thời gian qua, tại TX Buôn Hồ và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhiều người dân và chức sắc ở các giáo xứ bất bình lên tiếng phản ánh về những việc làm sai trái của nữ đối tượng Huỳnh Thục Vy (1985, trú ở P.Thống Nhất, TX Buôn Hồ). Vy núp dưới vỏ bọc là một blogger để đăng tải hình ảnh, thông tin, clip, bài viết bịa đặt xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Trong dịp lễ Quốc khánh 2-9, Vy sử dụng bình sơn xịt bẩn 2 lá cờ Tổ quốc rồi chụp ảnh các lá cờ này đưa lên facebook với nội dung "Phản đối lễ lạc bằng cờ đỏ sơn trắng". Trung tuần tháng 6-2018, khi bà con giáo dân ở nhà thờ giáo xứ Vinh Đức, TX Buôn Hồ hành lễ xong ra về thì Vy nhập vào đoàn người, trương băng rôn khẩu hiệu với nội dung phản đối dự thảo Luật đặc khu để lôi kéo mọi người rồi chụp ảnh tung lên mạng Internet cho các tổ chức phản động bên ngoài biết, nhằm gây rối về ANTT... Trước những việc làm sai trái của Huỳnh Thục Vy, các phóng viên, biên tập viên Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị CA tỉnh Đắk Lắk quyết tâm ngày đêm vào cuộc để thực hiện phóng sự điều tra "Vạch bộ mặt phản động của Huỳnh Thục Vy".

Thượng tá Nguyễn Trọng Hiến - Phó trưởng Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị CA tỉnh Đắk Lắk cho biết, không chỉ có Huỳnh Thục Vy, mà trên nhiều kênh thông tin không chính thống và các trang mạng xã hội vẫn còn nhan nhản các tổ chức phản động lưu vong, nhiều đối tượng bất mãn, cơ hội rêu rao kích động, tái diễn những luận điệu xuyên tạc để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đây chính là lý do thôi thúc chúng tôi hoàn thành tác phẩm phóng sự điều tra này. Qua đó góp phần tuyên truyền chính sách, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước và phản bác các luận điệu sai trái để định hướng dư luận"- Thượng tá Hiến chia sẻ. Và còn rất nhiều tác phẩm hay, xuất sắc dự thi Liên hoan truyền hình phát thanh CAND lần này. Đằng sau những thước phim, âm thanh, con chữ đầy tâm huyết mà những người làm báo trong lực lượng CA muốn gửi đến khán giả đều chung một mục đích là chung tay góp phần bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_212554_dang-sau-nhung-thuoc-phim-con-chu.aspx