Đằng sau những cuộc biểu tình phản đối đóng cửa tại Mỹ

Từ Michigan tới Ohio hay Texas, các thống đốc bang của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đang phải đối mặt với thách thức từ người biểu tình muốn chấm dứt lệnh phong tỏa.

Người biểu tình tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội bang Michigan. Ảnh: Detroit Free Press

Người biểu tình tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội bang Michigan. Ảnh: Detroit Free Press

Giống như nhiều người Mỹ khác mang tâm trạng lo sợ, Melissa Ackison nói rằng dịch bệnh còn khiến cô thêm tức giận. Theo ứng cử viên đang chạy đua vào Thượng viện bang Ohio này, lệnh ở nhà mà chính quyền ban hành quá rộng, đi quá xa và không cần thiết. Cô còn khẳng định không sợ bất cứ điều gì nếu nhiễm virus.

Biểu tình tại Ohio chỉ là một trong số nhiều cuộc tuần hành phản đối bên ngoài dinh thự nhiều thống đốc bang và tòa nhà Quốc hội bang. Tại các bang như Oklahoma, Texas và Virginia, các nhóm nhỏ ủng hộ chính quyền, những người ủng hộ tổng thống Trump, nhà hoạt động chống vắc-xin, những người tán đồng quyền sử dụng súng và số ủng hộ phong trào cánh hữu đều thống nhất với nhau ở một điểm: Họ nghi ngờ sâu sắc những nỗ lực đóng cửa hàng ngày giúp giảm lây nhiễm COVID-19. Khi nỗi tức giận trước biện pháp đóng cửa ngày một tăng, họ bắt đầu công khai phản đối các quy định về giãn cách xã hội nhằm gây sức ép với các thống đốc bang nới lỏng những những hạn chế này.

Một số cuộc biểu tình chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, hình thành qua các nhóm mới trên Facebook trong vài ngày gần đây và rất khó để xác định người đứng đầu. Có những cuộc biểu tình thì lại do những nhóm nhận được nguồn tài chính từ các nhà tài trợ có tiếng của đảng Cộng hòa, thậm chí một số còn có liên hệ với ông Trump. Cuộc biểu tình lớn nhất cho đến thời điểm này chính là cuộc tuần hành khiến các khu phố ở Lansing, Michigan chật kín người hôm 16/4 và nó giống với những cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ Tổng thống: Người biểu tình nhất loạt đội mũ có dòng chữ MAGA (Make American Great Again), hoặc mang cờ ủng hộ ông Trump.

Các cuộc biểu tình phản đối đóng cửa diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump kêu gọi nới lỏng các quy định ở nhà và cố tìm kiếm cơ hội tái khởi động nền kinh tế. Ông đã cho công bố kế hoạch mở cửa nền kinh tế theo ba giai đoạn, nhưng thừa nhận chính các thống đốc bang mới là người đưa ra quyết định cuối cùng về thời điểm mở cửa kinh tế, giảm cách ly xã hội. Các chuyên gia y tế cảnh báo việc dỡ bỏ các quy định hạn chế tiếp xúc quá sớm có thể sẽ dẫn đến việc bùng phát các ca lây nhiễm mới.

Thế nhưng tổng thống Trump và những người ủng hộ ông đang mất kiên nhẫn. Hàng nghìn người ngồi trong xe ô tô đậu kín đường phố Lansing hôm 16/4, bóp còi inh ỏi để phản đối lệnh ở nhà và các quy định khác của nữ Thống đốc Gretchen Whitme. Còn bên ngoài trụ sở Quốc hội Michigan, người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Khóa miệng bà ta lại” (Lock her up) - khẩu hiệu của ông Trump trong cuộc tranh cử 2016 trước đối thủ Hillary Clinton.

Khi được hỏi về những cuộc biểu tình này, ông Trump thể hiện sự đồng cảm với những người tham gia tuần hành, cho rằng đây là những người chịu thiệt hại và họ muốn mọi thứ quay trở lại như cũ. Ông cũng khẳng định dường như đây là những người thích ông, tôn trọng và lắng nghe tổng thống Mỹ. Thậm chí, trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Trump còn cổ vũ cho nỗ lực “Giải phóng” Michigan, Minnesota và Virginia – là ba bang có thống đốc là người thuộc đảng Dân chủ.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy quan điểm của người biểu tình không được dư luận ủng hộ rộng rãi. Các cuộc thăm dò dư luận do AP và NORC thực hiện chúng hồi đầu tháng cho thấy, đa số người dân Mỹ ủng hộ các quy định hạn chế của chính quyền, nổi bật là đóng cửa trường học, hạn chế tụ tập, đóng cửa các quán bar và nhà hàng… Có đến 3/4 số người được hỏi ủng hộ việc tuân thủ lệnh ở nhà. Đa phần đều “chấm điểm” cao cho chính quyền các bang, thành phố trong xử lý dịch bệnh.

Người biểu tình đòi nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội ở Ohio. Ảnh: AP

Nhưng người biểu tình cũng làm bộc lộ chia rẽ đảng phái sâu sắc, đặc biệt là tại bang chiến địa Michiagan. Tại đây, hoạt động tuần hành, biểu dương lực lượng được Liên minh bảo thủ (MCC) - một nhóm chính trị theo đường hướng cánh hữu ủng hộ Tổng thống Trump, đứng ra tổ chức. Một nhóm khác đóng vai trò đồng chỉ đạo, tổ chức là Quỹ Tự do Michigan (MFF) được vận hành bởi Greg McNeilly, một cố vấn chính trị lâu năm cho gia tộc DeVos - vốn là nhà tài trợ có tiếng của đảng Cộng hòa.

Trong khi đó, thống đốc các bang trên khắp nước Mỹ ngày 19/4 đã chỉ trích Tổng thống Trump khi “đoàn kết” với người biểu tình, cho rằng những bình luận của Tổng thống là “nguy hiểm” và “vô nghĩa”.

Thống đốc bang Washington Jay Inslee tuyên bố một khi lệnh của thống đốc được ban ra, tất cả đều dựa trên việc bảo đảm sức khỏe người dân là điểm cốt yếu, nên việc ông Trump khuyến khích những hành động phi pháp đó là khó có thể chấp nhận được.

Trên kênh truyền hình CNN, Thống đốc Maryland Larry Hogan – một người của đảng Cộng hòa, cho biết ông sẽ làm mọi việc trong khả năng để tái mở cửa kinh tế theo một cách thức an toàn. Nhưng theo ông, thật “chẳng có ích gì khi Tổng thống đứng lên khích lệ người biểu tình, kêu gọi họ có những hành động chống lại chính các chính sách của chính mìnhông”, ám chỉ đến hướng dẫn của tổng thống về chỉ mở cửa trở lại khi 14 ngày liên tiếp có số ca mắc COVID-19 giảm.

Còn Thống đốc bang Virginia Ralph Northam nhìn nhận đây không phải là thời điểm để tổ chức biểu tình, gây phân chia xã hội, mà là lúc để giới lãnh đạo đứng lên, bày tỏ đồng cảm, thấu hiểu những gì đang diễn ra với nước Mỹ trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. “Đây chính là thời điểm để đưa mọi người xích lại gần nhau” – ông Northam bày tỏ.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (NBCNews, WSJ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dang-sau-nhung-cuoc-bieu-tinh-phan-doi-dong-cua-tai-my-20200420113041846.htm