Đàng sau một sự kiện đẫm máu

Sau tháng 8/1991 và đặc biệt là sau khi Liên bang Xôviết tan rã, nước Nga đã bị nhấn chìm sâu vào những mâu thuẫn trầm kha giữa các nhánh quyền lực mà cực đỉnh căng thẳng là cuộc khủng hoảng hiến pháp mùa thu năm 1993. Khi đó, quan hệ giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin với Xôviết Tối cao (Nghị viện) đã trở nên xấu đi nghiêm trọng. Lý do chính vẫn là sự lựa chọn con đường tiếp tục phát triển: hoàn toàn theo mô hình phương Tây hay là có điều chỉnh cho phù hợp với quyền lợi đích thực của xứ sở bạch

Xe tăng bắn vào tòa Nhà trắng Moskva.

Xe tăng bắn vào tòa Nhà trắng Moskva.

Một mất một còn

Theo điều 121-6 trong hiến pháp Nga, “các quyền lực của Tổng thống LB Nga không thể được sử dụng để thay đổi tổ chức nhà nước và quốc gia của LB Nga, để giải tán hay cản trở tới hoạt động của bất kỳ tổ chức quyền lực nào được bầu lên. Trong trường hợp này, quyền lực của tổng thống sẽ ngừng ngay lập tức.” Tuy nhiên, ngày 21/9/1993, Tổng thống Boris Yeltsin vẫn ra sắc lệnh giải tán Xôviết Tối cao, nơi tập trung nhiều nhất những lực lượng phản đối các chính sách mà ông đang tiến hành. Ông cũng loại bỏ hiến pháp đã có và thay thế bằng một hiến pháp mới trao cho ông nhiều quyền lực đặc biệt…

Cũng trong ngày 21/9/1993, Phó Tổng thống Aleksandr Rutskoy ngay lập tức đã gọi hành động của Tổng thống Yeltsin là một bước tiến tới đảo chính. Ngay ngày hôm sau, Tòa án Hiến pháp cũng tuyên bố Yeltsin đã vi phạm hiến pháp và sẽ bị luận tội. Trong một cuộc họp kéo dài cả đêm, với sự chủ tọa của Chủ tịch Ruslan Khasbulatov, Xôviết Tối cao tuyên bố nghị định của Tổng thống là không có giá trị và không có hiệu lực. Ông Rutskoy được đưa lên thành Tổng thống và tuyên thệ nhậm chức trước bản hiến pháp.

Ngày 23/9/1993, Đại hội Đại biểu Nhân dân được triệu tập. Dù chỉ có 638 có mặt (số đại biểu quy định là 689), Yeltsin vẫn bị Đại hội luận tội.

Ở bên ngoài tòa Nhà trắng, trong điện Kremli, Yeltsin đã khôn khéo kích động các lực lượng ủng hộ mình tràn ra đường phố, gây nên những bất ổn dân sự. Những đám đông ủng hộ Xôviết Tối cao cũng tiến hành các cuộc biểu tình. Các đám đông theo hai luồng tư duy khác nhau này đã tạo ra những cuộc đụng độ. Một số hành vi bạo lực xảy ra cả từ phía các lực lượng thi hành pháp luật đang nằm trong tay Yeltsin. Ngày 28-9-1993, những người tuần hành chống Yeltsin đã bị cảnh sát đặc nhiệm (OMON) đàn áp, bị thương vong… Lần đầu tiên Moskva có đổ máu. Tình hình ngày một trở nên căng thẳng.

Cũng trong ngày này, Bộ Nội vụ Nga bắt đầu phong tỏa tòa Nhà Trắng bằng rào chắn và dây thép gai…

Theo ước tính của Bộ Nội vụ Nga ngày 1/10/1993, trong tòa Nhà trắng đang có tới 600 chiến binh với một lượng lớn vũ khí tham gia lực lượng ủng hộ các đối thủ của Yeltsin. Thế bế tắc chính trị có nguy cơ phát triển thành xung đột vũ trang.

Ngày 2/10/1993, những người ủng hộ Xôviết Tối cao dựng lên các rào chắn và phong tỏa giao thông trên các đường phố chính của Moskva. Chiều 3/10, những người có vũ trang chống đối Yeltsin đã vượt được qua hàng rào cảnh sát bao quanh Nhà Trắng. Ông Rutskoy hoan nghênh các đám đông từ ban công Nhà Trắng, và hối thúc họ tập trung thành các đơn vị đi chiếm văn phòng thị trưởng và trung tâm đài truyền hình quốc gia tại khu Ostankino. Chủ tịch Xôviết Tối cao, Khasbulatov, cũng kêu gọi những người ủng hộ mình chiếm điện Kremli, bắt giữ Yeltsin. Đáp lại, Yeltsin với danh nghĩa Tổng thống đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Moskva sau khi có tin về những người chết do xung đột đường phố.

Tối 3/10/1993, sau khi chiếm văn phòng thị trưởng, đoàn người biểu tình ủng hộ Xôviết Tối cao tiến về đài truyền hình Ostankino nhưng đã bị các đơn vị vũ trang thuộc Bộ Nội vụ chặn lại. Hỗn chiến xảy ra. Số liệu thống kê chính thức cho rằng có 46 người đã chết ở đây. Tuy nhiên, trong thực tế, con số này có thể nhiều hơn…

Nửa đêm mùng ba rạng ngày 4/10/1993, chỉ huy lực lượng an ninh bảo vệ của Tổng thống Yeltsin, tướng Aleksandr Korzhakov đã gọi cấp phó của mình lên thông báo về quyết định của Yeltsin tổ chức tấn công vũ trang vào tòa Nhà trắng và cử ông này tới gặp Bộ trưởng quốc phòng Pavel Grachev để chuẩn bị cho việc Yeltsin tới trụ sở Bộ quốc phòng bàn việc lập kế hoạch cụ thể cho cuộc tấn công. Tới gần sáng, vào khoảng 3 giờ ngày 4/10, tại cuộc họp tại Bộ Tổng tham mưu, Yeltsin đã đưa ra quyết định tấn công tòa Nhà trắng bằng lực lượng đặc nhiệm Alfa và Vympel, có sự tham gia của xe tăng và xe bọc thép. Bộ trưởng quốc phòng Grachev yêu cầu Yeltsin phải ký văn bản quyết định này. Gần 4 giờ sáng ngày 4/10, Yeltsin tại điện Kremli đã ký sắc lệnh cho phép tấn công tòa Nhà trắng với sự tham gia của Bộ quốc phòng. Trên cơ sở sắc lệnh đó, bộ trưởng Grachev đã ký mệnh lệnh số 081 huy động các đơn vị quân đội tham gia tấn công tòa Nhà Trắng… Gần 1700 quân nhân với 10 xe tăng và 20 xe bọc thép đã tham gia cuộc tấn công này. Những người lãnh đạo “chính biến tháng Mười”, trong đó có Phó Tổng thống Rutskoy đã bị bắt và đưa vào nhà giam Lefortovo…

Trong 10 ngày tháng cuối tháng 9 đầu tháng 10/1993, do cuộc khủng hoảng này mà ở Moskva, theo các ước tính của chính phủ, 187 người đã chết và 437 người bị thương. Các con số do cánh tả Nga đưa ra còn cao hơn thế nhiều: hơn 2000 người đã bị thiệt mạng!

Sau bốn tháng (tháng 2/1994), những người bị bắt trong tòa Nhà trắng đã được trả lại tự do. Lý do rất đơn giản vì rất khó buộc cho tội họ đảo chính. Hơn nữa, tới thời điểm này, Yeltsin đã củng cố được vững chắc vị thế của mình.

Những sự thật muộn màng

Trước sự kiện 25 năm sau ngày “chính biến tháng 10” ở Nga, vị Phó Tổng thống đầu tiên (và cũng là cuối cùng) của nước Nga thời hậu Xôviết, Aleksandr Rytskoy lại xuất hiện trên truyền thông nước này để kể thêm về những chi tiết liên quan tới những trang sử bi thương mà ông đã từng là một trong những nhân vật chính. Ông đã có bài trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn trên tờ Komsomolskaya Pravda.

Trò lừa của tổng thống

PV: Ở giai đoạn đầu những năm 90 (thế kỷ XX), ông đã ở trong đội hình của Boris Yeltsin. Tại sao một nhà “dân chủ dữ dội” (cách báo chí gọi vị Tổng thống Nga đầu tiên thời hậu Xôviết) lại lựa chọn một nhân vật “ái quốc dữ dội” (cách gọi đối với ông Rutskoy) làm cấp phó cho mình?

Ông Rutskoy: Yeltsin đã hứa rằng chúng tôi sẽ cùng nhau chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường. Nhưng ông ấy thực ra lại quan tâm tới vấn đề quyền lực hơn. Và đất nước chẳng bao lâu sau đã bị phân tách thành hai phe: ái quốc và dân chủ. Quyền lực chỉ có thể về tay nếu giành được thắng lợi trong bầu cử. Mà thiếu những lực lượng ái quốc thì không thể nào thắng lợi được. Chính vì thế nên Yeltsin đã đề nghị tôi đứng chung liên danh với ông ấy trong vai trò ứng cử viên Phó Tổng thống.

Giữa hai ông đã nảy sinh tình trạng cơm không lành canh không ngọt ngay sau bầu cử?

- Giành được thắng lợi trong bầu cử, Yeltsin đã ký sắc lệnh giao cho tôi chịu trách nhiệm về cải cách công nông nghiệp. Dù rằng trước đó chúng tôi đã thống nhất với nhau là tôi sẽ thực hiện cải cách quân đội và nền công nghiệp quốc phòng.

Muốn loại bỏ ai thì đưa người ấy về làng…

- Đúng là như thế. Rồi sau đó tôi đã đứng đầu ủy ban chống tội phạm và tham nhũng. Dụng ý của ông ấy rất đơn giản. Vì ông ấy biết tôi không phải là chuyên gia trong những lĩnh vực này nên ông ấy nghĩ rằng tôi sẽ làm hỏng việc.

Vì ông đã trở thành sự phiền toái đối với chính ông Yeltsin hay với những cận thần của ông ấy?

- “Những cận thần dân chủ” của Tổng thống đã không biết loại bỏ tôi đi bằng cách gì. Tôi đã giúp họ giành thắng lợi trong bầu cử nên họ chẳng còn cần tôi làm gì nữa.

Những người cộng sản Nga ngày 4/10/2016 tiến hành lễ kỷ niệm các nạn nhân đã chết trong sự kiện tháng 9-10 năm 1993.

Hối thì đã muộn

Nếu bây giờ biết trước được những gì đã xảy ra trong tháng 8-1991 đối với đất nước, liệu ông có còn muốn bay xuống Foros để “cứu giá” cho Gorbachev không?

- Vẫn phải làm thế thôi. Vì không có phương án nào khác để ngăn cản thảm cảnh đổ máu giữa trung tâm thủ đô. Đất nước bị tan rã. Trên những đường phố Moskva là xe tăng, xe bộ binh và lính dù. Nếu cứ ngồi lì chui lủi dưới hầm của tòa nhà Xôviết Tối cao thì thật là xấu hổ!

Ông đã từng ba lần đệ đơn lên ông Yeltsin để xin từ chức ...

- Tôi đệ đơn chỉ vì một lý do – họ đã không cho tôi làm việc. Họ gièm pha với Tổng thống để chống lại tôi. Lần đầu tiên tôi đệ đơn là khi Yeltsin trong lúc thành lập chính phủ đã lờ đi mọi đề nghị của tôi về vấn đề nhân sự. Còn trách nhiệm về các thất bại thì ông ấy sau đó đổ hết cho các đại biểu và Xôviết Tối cao.

Nhưng quả thực Xôviết Tối cao đã là một cơ quan không thể nào thương thảo được…

- Năm 1993, khi chĩa súng bắn vào Đại hội và Xôviết Tối cao, Yeltsin đã loại bỏ xong tất cả những ai “quấy rối” việc phá tan đất nước. Có vẻ như hôm nay nhiều người đã quên mất rằng, khi ấy, tại các xí nghiệp, nhà máy công nông nghiệp, trong quân đội, tình trạng không được nhận lương liên tục hai ba năm liền đã là phổ biến.

Ông đã nhận được tài liệu về thực trạng tham nhũng, trong đó có cả ở đội ngũ những “cận thần” của Tổng thống?

- Lần thứ hai tôi đệ đơn là khi có kết quả làm việc của ủy ban liên bộ về chống tội phạm và tham nhũng. Đất nước bị thụt két. Người ta đã bán những con tầu chủ đạo của tất cả các hạm đội với giá rẻ mạt. Khi di chuyển các đơn vị quân đội rời khỏi châu Âu, họ đã để mặc cho vũ khí khí tài bị ăn cắp.

Khi biết ai đã biển thủ một lượng vàng khá lớn trên đường chuyên chở chúng, tôi đã hy vọng rằng Tổng thống sẽ buộc Gaidar (Yegor Gaidar, người đứng đầu chính phủ) phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, mọi sự vẫn y như cũ.

Tại sao Yeltsin lại không ký vào các đơn xin từ chức của ông?

- Vì có thể xảy ra việc bãi nhiệm Tổng thống, nếu công bố hết mọi sự việc...

Khi nào thì xảy ra chuyện cùng tắc biến và việc xả đạn vào Tòa nhà trắng (trụ sở Xôviết Tối cao khi đó) là không thể tránh khỏi?

- Yeltsin chỉ sợ một điều – bị bãi nhiệm khỏi chức Tổng thống. Có thể làm việc này là Xôviết Tối cao – theo đúng Hiến pháp, cơ quan quyền lực cao nhất là Đại hội Đại biểu Nhân dân. Yeltsin hiểu rằng, sẽ phải trả lời về trách nhiệm về những việc đã gây nên cho đất nước. Và đã ra sắc lệnh số 1400 ngày 21-9-1993. Sắc lệnh đó có tên là: “Về cải cách Hiến pháp từng giai đoạn ở Liên bang Nga”. Sắc lệnh này đã vi phạm thô bạo Hiến pháp. Gò toàn bộ hệ thống chính quyền cho một người duy nhất điều khiển, đó là Boris Yeltsin.

Và Tòa án Hiến pháp đã không chịu ngậm bồ hòn làm ngọt?

- Đúng thế, Tòa án đã có kết luận: “Sắc lệnh số 1400 ngày 21/9/1993 sẽ là cơ sở để bãi nhiệm Tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin khỏi chức vụ của mình”.

Để khỏi bị bãi nhiệm khỏi chức vụ đang giữ thì chỉ có một phương án, đó là tiến hành đảo chính. Tức là cần phải làm ba việc: bãi bỏ Đại hội Đại biểu Nhân dân, giải tán Xôviết Tối cao và ra sắc lệnh cách chức Phó Tổng thống.

Quận đội đã đứng về phía kẻ phản bội

Tới ngày 1/10/1993, “tất cả những kẻ nào có thể đều đã phản bội chúng ta”, đây chính là điều ông đã nói?

- Ông Zuyganov, đứng đầu đảng Cộng sản Nga, đã rời khỏi tòa nhà Xôviết Tối cao để kêu gọi quần chúng nổi dậy và “biệt vô âm tín”. Rồi sau đó ông ấy lại xuất hiện trong lễ ký hòa giải với Yeltsin. Thủ lĩnh của vùng mỏ Tuleyev rời đi để thúc giục thợ mỏ nổi dậy và cũng “biệt vô âm tín”. Rồi ông ấy lại xuất hiện khi nhận ghế bộ trưởng từ Yeltsin. Tướng Lebed, người từng hứa sẽ ủng hộ tôi, nhưng sau này cũng lại là người đề nghị tôi bắn súng tự sát trong nhà tù Lefortovo.

Thôi cũng được, với các chính trị gia thì mọi sự rõ rồi. Rất khó hiểu là một điều khác cơ: một quần chúng bị dồn vào cảnh bần hàn lại có thể ngây ngô nhìn người ta xả súng vào những ai đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của những người lao động. Và quân đội, từng bị cướp bóc và hạ nhục, lại đứng về phía kẻ phản bội đã xóa sổ Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xôviết.

Máy bay của ông từng bị bắn rơi ở Afghanistan. Khi nào thì nỗi sợ hãi lớn hơn, khi đó hay khi xe tăng xả súng vào tòa Nhà trắng?

- Tại Afghanistan tôi từng gọi pháo bắn vào chỗ mình đứng để làm phát lộ ra hệ thống phòng không của một căn cứ kho tàng lớn với nhiều vũ khí khí tài. Đó là công việc của tôi. Còn khi xe tăng bắn vào tòa Nhà trắng, tôi đã không cảm thấy sợ hãi mà chỉ là một sự tủi giận cháy bỏng. Tủi giận những người đồng môn, đồng đội, đồng nghiệp. Tủi giận Pavel Grachev, Bộ trưởng quốc phòng. Tủi giận Victor Yerin, Bộ trưởng nội vụ. Tủi giận những ai đã thực hiện mệnh lệnh của những người này. Cũng phải nói rằng, Yerin, nhờ “lòng dũng cảm và tinh thần anh hùng” thể hiện ra khi xả súng bắn Xôviết Tối cao, đã được phong danh hiệu Anh hùng Nga!

Ông đã từng là bạn của ông Grachev cơ mà!

- Kể từ khi tòa Nhà trắng bị xả súng bắn, tôi đã không tiếp xúc thêm nữa với Grachev. Dù trước đó chúng tôi từng giao du với nhau, cùng nhau chiến đấu ở Afghanistan. Tôi chỉ gặp lại ông ấy không lâu trước khi ông ấy chết. Ông ấy nói với tôi: “Cậu thứ lỗi, Sasha, tôi rất lấy làm tiếc. Tôi đã đặt cược không đúng chỗ”. Tôi đã trả lời: “Pasha, đây không phải là chuyện đặt cược mà là chuyện phải bảo vệ tổ quốc”…

Tướng Rutskoy đã bị thua lấm lưng ở tòa Nhà Trắng Moskva.

Những kẻ bắn tỉa tháng Mười

Tại sao mà những va li tài liệu vạch trần mà ông từng không chỉ một lần nhắc tới, được giữ trong các tủ sắt tại phòng làm việc của ông nhưng ông lại không chuyển chúng cho Viện Công tố?

- Những tài liệu mà các nhà báo gọi là vạch trần thực ra không phải là những bằng chứng phạm tội mà là kết quả làm việc của ủy ban liên bộ. Ủy ban này đã nghiên cứu những chỉ đạo và nghị định của chính phủ LB Nga, những sắc lệnh và chỉ đạo của Tổng thống Nga, liên quan tới các nguồn dự trữ vật chất và tài chính của đất nước. Không được sự cho phép của Tổng thống thì tôi không có quyền chuyển đi bất cứ đâu những tài liệu này. Vì thế nên chúng mới được lưu giữ trong các tủ sắt tại phòng làm việc của tôi trong điện Kremli. Sau khi tôi bị bắt giữ, các tủ sắt của tôi đã được phá khóa dưới sự chỉ đạo của Korzhakov (chỉ huy lực lượng bảo vệ cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin). Viên tướng này làm gì với chúng thì quá dễ hiểu – ông ta đã đốt sạch. Hãy đọc những cuốn hồi ức của Korzhakov thì sẽ hiểu ngay, ai đã làm gì và làm như thế nào đối với nước Nga và vì sao băng nhóm đó đã bắt được nước Nga quỳ gối.

Ông từng không chỉ một lần nói rằng, ảnh hưởng của Hoa Kỳ đến những sự kiện xảy ra trong những năm 90 ở nước Nga đã là rất lớn và có lần ông đã tiết lộ rằng mùa thu năm 1993 tại Moskva đã có mặt những người lính bắn tỉa tới từ Mỹ.

- Tôi chưa bao giờ nói thẳng ra về những người lính bắn tỉa tới từ Mỹ. Tôi quả thực là đã nói về những kẻ được thuê bắn tỉa các quân nhân, nhân viên cảnh sát, người dân lương thiện… Chủ đề này đã được khai mở nhờ nhà báo Mark Deutch khi phỏng vấn một vị tướng KGB. Ngoài ra, việc khám nghiệm hàng loạt tử thi của các quân nhân, nhân viên cảnh sát, dân thường bị giết, đã cho thấy, họ bị sát hại bởi vũ khí bắn tỉa. Một câu chuyện tương tự của sự khiêu khích với sự tham gia của các tay súng bắn tỉa là sự kiện Maidan ở Kiev tháng 2/2014. Đó là phương pháp đơn giản nhất để kích động quân đội, cảnh sát chống lại những người nổi dậy.

Khi ông bị đưa vào trại giam Lefortovo ngày 4/10/1993, liệu ông đã có thể bị thủ tiêu không?

- Yeltsin đã gọi tổng công tố Kazannik lên gặp và ra lệnh: tiến hành điều tra trong 3-4 ngày và kết án xử bắn những người bị tống giam vào Lefortovo. Vị tổng công tố chính trực đã từ chối thực hiện mệnh lệnh này. Và tới tháng 2-1994, ông ấy đã đệ đơn xin từ chức, từ chối tiếp tục làm việc với Yeltsin.

Cựu Bộ trưởng an ninh quốc gia Victor Pavlovich Barannikov, một người hoàn toàn khỏe mạnh, đã đột ngột chết sau khi ra khỏiLefortovo một thời gian ngắn. Chính tôi cũng bị những cơn suy sụp sức khỏe nặng sau khi rời khi rời đó.

Từ chức là quyết định đúng

Tháng 2/1994, ông đã được trả lại tự do. Liệu ông có đã có được cảm giác như những nỗ lực tranh đấu, những cố gắng để thực sự cách tân đất nước đã không là uổng phí?

- Tôi vô cùng ân hận và sẽ ân hận tới ngày cuối cùng của đời mình về một việc, đó là về những cái chết của những người đã chỉ muốn độc một điều - sống một cách xứng đáng.

Một trong số ít những hành động mà ông cho là mang tính tích cực của vị Tổng thống Nga thứ nhất là việc ông ấy đã lựa chọn ông Putin làm người kế nhiệm...

- Tôi đã nói rằng, trong 9 năm trị vì nước Nga, Yeltsin đã chỉ có một hành động đúng đắn duy nhất – từ chức và đưa ra một người thay thế xứng đáng. Nếu ông ấy tiếp tục cai trị nước Nga thêm hai ba năm nữa thì nước Nga hẳn cũng đã tan rã như Liên bang Xôviết.

Khi nào thì ông và ông Yeltsin đã tha thứ cho nhau, nếu như thực sự đã có sự tha thứ? Chính ông cũng đã có mặt trong đám tang của ông ấy?

- Phải, tôi đã đến nhà thờ Chúa Cứu thế trong buổi lễ hát cầu hồn. Tôi đến để vĩnh biệt người đã phạm phải sai lầm không thể gì sửa chữa được trước nhân dân và đất nước của mình.

Nguyễn Trung Tín (lược thuật)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/dang-sau-mot-su-kien-dam-mau-tintuc419760