Đằng sau một nụ hôn

Ở xã hội hiện đại, người ta quay cuồng với nhịp sống nhanh vội, nhanh đến mức không kịp thở, và vì thế đôi lúc tình cảm con người cũng chóng vánh. Tôi không biết người ta quan niệm thế nào là những cái ôm vội và những nụ hôn hờ.

Có những người bạn của tôi kể về mối tình của họ, kể say sưa lắm nhưng rốt cuộc cũng chỉ dừng lại ở một cái chạm môi nhẹ, rồi bỏ đi.

Vậy giữa ôm và hôn người ta thích cái nào hơn. Bạn tôi bảo rằng, chẳng phải người ta vẫn luôn chọn làm cả hai cùng lúc đấy sao?

Nhưng tôi nghĩ khác.

Họ có thể hôn bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu, hôn ở trên đường, trong quán, nơi sáng sủa, tối tăm, trong nhà ngoài cửa, những cái hôn như thế chẳng ai có thể phán xét được ai.

Lâm Phương Văn và Trình Vận có cái ôm hạnh phúc trong bộ phim truyền hình Cô gái trên cây sa kê.

Còn tôi, tôi lại thích những cái ôm. Bởi một lẽ, người ta có thể hôn với cả những người họ không thích, nhưng ôm tuyệt nhiên khác thế, người ta chỉ ôm nhau khi người ta cần nhau, đủ yêu thương, đủ mến, và mối quan hệ đó đủ chân thành.

Hôn có thể vì yêu cũng có thể vì người ta thực dụng, người ta có thể chấp nhận hôn ngay cả khi không hề có một chút cảm giác xao xuyến nào. Tôi đã chứng kiến nhiều cái hôn như thế, kể cả trong phim lẫn ngoài đời.

Còn ôm là một thứ gì đó đáng trân trọng, người ta ôm nhau vì đồng cảm, vì tình yêu, tình thân. Hôn có thể để trả thù nhưng ôm chính là để xoa dịu và hàn gắn một mối quan hệ từng rạn vỡ.

Tôi thích nhìn những cặp đôi trẻ trên đường, anh bạn lái xe còn cô gái ngồi phía sau vòng tay ôm lấy người yêu mình, như thầm khẳng định họ mãi thuộc về nhau.

Tôi thích những cái ôm của cặp vợ chồng trẻ, mỗi buổi sáng đi làm, thay vì hôn, họ sẽ ôm người bạn đời của mình, là biểu hiện của một mái ấm, luôn êm đềm và che chở cho nhau.

Tôi vẫn thường cảm động bởi những thứ giản dị, như cái cách bà lão tựa đầu vào vai ông lão, vừa nắm tay vừa cười, còn ông lão vòng tay qua người và ôm lấy người vợ của mình. Tình yêu của những người già, không cần vật chất cao sang, mà đó là, giữa những xô bồ, tấp nập người ta ôm lấy nhau, cùng nhau chia sẻ, yêu thương từ năm này qua năm khác, hôn cũng được, không hôn cũng được nhưng họ luôn cần những cái ôm ấm áp, để biết rằng, dù sau này có bất cứ chuyện gì xảy ra, vẫn luôn có một người ở bên che chở và yêu thương hết mực.

Chúng ta ai rồi cũng từng trải qua những thất bại, trong sự nghiệp, trong tình yêu, những đổ vỡ gia đình, vết thương còn hở chưa lành, những lúc tưởng chừng bế tắc nhất chỉ cần một vòng tay ôm của người mình yêu thương, trân trọng cũng đủ để chúng ta có động lực để đi tiếp, để hiểu nhau, để đồng hành và tha thứ. Tất cả gói trọn chỉ trong một vòng tay, ôm nhẹ cũng được, sâu cũng được quan trọng là chân thành.

Người ta càng lớn, nhịp sống càng nhanh, rồi những nụ hôn cũng vồn vã, gấp gáp, hôn rồi cũng không cần quan tâm người kia có cảm nhận được gì hay không đã vội buông.

Những cô gái làm cái nghề không được mấy ai tôn trọng, họ có thể làm bất cứ điều gì, hôn bất kỳ ai, hôn lên môi, lên trán nhưng liệu có mấy ai thực sự mở lòng mà dang tay ôm lấy họ, ôm theo cách thương cảm.

Có những thứ đã qua rồi sẽ không lặp lại lần nữa. Có những người đã đi rồi không trở lại tìm ta nữa, những năm tháng cũng qua đi như một cái chớp mắt, cảm xúc cũng đổi thay không kịp trở tay, bởi vậy yêu ai được thì yêu cho chân thành, đừng hôn vội, buông hờ rồi quay đi biệt tích, hãy cứ ôm nhau để được ở cạnh nhau như thể ngày mai chẳng bao giờ đến nữa.

“Lần đầu tiên gặp em, anh có cảm xúc gì?”

“Là ngày anh nhận ra thế giới của anh đã đổi khác, cũng là lúc anh thừa nhận với bản thân rằng – Mình muốn ôm lấy cô gái này để xoa dịu mọi nỗi buồn đau của tuổi trẻ nông nổi mà cô đang vương lấy. Em biết không, lúc ôm em anh như được ôm cả thế giới vào lòng”.

Lan Hy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dang-sau-mot-nu-hon-79869.html