Đằng sau kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi Somalia của Lầu Năm Góc

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Lầu Năm Góc và các cố vấn an ninh quốc gia cấp cao bắt đầu soạn thảo kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Somalia.

Lực lượng Mỹ cùng các binh sĩ Lục quân Quốc gia Somalia trong lễ tốt nghiệp ngày 24/5/2017. Ảnh: CNN

Lực lượng Mỹ cùng các binh sĩ Lục quân Quốc gia Somalia trong lễ tốt nghiệp ngày 24/5/2017. Ảnh: CNN

Đài Sputnik dẫn lời các nguồn tin thân cận ngày 13/10 cho biết Mỹ đang có khoảng 650 đến 800 binh sĩ đóng quân tại quốc gia Đông Phi bất ổn nhất thế giới này.

Sau khi can thiệp nội chiến Somalia năm 1992, Mỹ đã rút khoảng 25.000 binh sĩ khỏi nước này. Một số lượng nhỏ lực lượng đặc biệt và cố vấn chống khủng bố tiếp tục ở lại. Mãi đến một vài năm trở lại đây, cuộc chiến trên không do Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Phi (AFRICOM) mở ra để chống tổ chức al-Shabaab của al-Qaeda từ năm 2007 mới có sự tham gia của lực lượng mặt đất.

Vào tháng 3/2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Somalia là khu vực có nhiều hoạt động bạo lực, báo hiệu gia tăng hiện diện của quân Mỹ. Ít nhất 600 lính Mỹ được điều động đến khu vực này. Tuy nhiên, giờ đây, dường như nhà lãnh đạo đang cân nhắc đưa quân về nước. Đây được cho là một phần nỗ lực của ông nhằm thực hiện lời hứa tranh cử năm 2016 về việc kết thúc “kỷ nguyên những cuộc chiến bất tận”.

Theo trang mạng Bloomberg, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley đều tham gia thảo luận về việc rút quân.

Trước đó, Mỹ cũng đã công bố rút quân khỏi Afghanistan. Ngày 7/10, Cố vấn O’Brien cho biết Mỹ sẽ chỉ còn 2.500 binh sĩ tại quốc gia Trung Á vào đầu năm 2021 và đặt ra mục tiêu đưa toàn bộ binh sĩ Mỹ về nhà trước tháng 5/2021.

Ngay cả khi toàn bộ binh sĩ Mỹ rời khỏi Somalia, cũng không có nghĩa là cuộc chiến bằng máy bay không người lái mà Mỹ triển khai từ năm 2007 nhằm vào al-Shabaab kết thúc.

Cuộc chiến trên không này đã phải hứng chịu những ý kiến trái chiều khi các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cáo buộc Lầu Năm Góc sát hại người vô tội trong các cuộc tấn công.

Theo dữ liệu do Airwars - một tổ chức phi chính phủ liên kết với Đại học London - thu thập, kể từ năm 2007, AFRICOM đã thực hiện 235 cuộc không kích ở Somalia và tiêu diệt từ 1.807 đến 2.422 tay súng al-Shabaab. Tuy nhiên, AFRICOM chỉ thừa nhận có 5 dân thường thiệt mạng, trong khi các học giả tìm thấy bằng chứng ít nhất 72 đến 145 thường dân thiệt mạng.

Vẫn còn nhiều tranh luận về việc liệu việc chính quyền Tổng thống Trump đẩy mạnh rút quân không chỉ khỏi Somalia, mà toàn bộ khu vực AFRICOM chịu trách nhiệm, có phải là một chính sách khôn ngoan hay không. Lầu Năm Góc cho rằng động cơ kế hoạch chuyển một số lượng đáng kể trong số khoảng 5.000 lính Mỹ ở châu Phi sang các khu vực khác xuất phát từ những ưu tiên “cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia” với Nga và Trung Quốc thay vì chiến tranh chống khủng bố.

Hồi tháng 1, Bộ trưởng Esper cho biết ông lo ngại về "sứ mệnh số một” cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Song các nhà lập pháp như Hạ nghị sĩ Adam Smith, người chủ trì Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đã chỉ trích động thái này, cho rằng nó sẽ cho phép các nhóm khủng bố như al-Shabaab có cơ hội mở rộng.

Ở khía cạnh khác, Tướng Lục quân Stephen Townsend, người chỉ huy AFRICOM, đã lập luận rằng việc giữ quân đội Mỹ ở châu Phi cũng là một cách để chống lại Nga và Trung Quốc, bởi vì điều đó khiến họ không có cơ hội mở rộng ảnh hưởng tại đó.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/dang-sau-ke-hoach-rut-toan-bo-quan-khoi-somalia-cua-lau-nam-goc-20201014114739087.htm