Đằng sau đám cưới kín tiếng ở Nhà Trắng của cháu gái Tổng thống Biden

Hôn lễ diễn ra tại Nhà Trắng không hoàn toàn công khai hay riêng tư. Sự tham gia của báo chí cũng chưa bao giờ được đảm bảo.

 Naomi Biden, cháu gái ông Joe Biden, là người cháu đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm kết hôn tại Nhà Trắng. Ảnh: Corbin Gurkin.

Naomi Biden, cháu gái ông Joe Biden, là người cháu đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm kết hôn tại Nhà Trắng. Ảnh: Corbin Gurkin.

19 đám cưới tại Nhà Trắng có một điều không đổi qua các thời đại: Gia đình tổng thống phải cân bằng giữa yếu tố cá nhân, chính trị, yêu nước trong sự kiện có thể có những nhà lãnh đạo thế giới, nhà lập pháp và nhà ngoại giao, nhưng không phải lúc nào cũng có các nhà báo, tham dự, theo Washington Post.

Điều đó bắt nguồn từ “vùng xám” trong những dịp này. Như nhà báo Louise Hutchinson lưu ý về lễ cưới năm 1966 của Luci Johnson, con gái Tổng thống Mỹ thứ 36 Lyndon B. Johnson, đám cưới ở Nhà Trắng “không phải sự kiện cấp nhà nước”, nhưng “cũng không nhất thiết phải là dịp riêng tư”.

Cho dù là ngày vui của chính tổng thống (như Tổng thống Mỹ thứ 22 và 24 Grover Cleveland đã làm vào năm 1886) hay của người họ hàng xa hoặc nhân viên được trọng vọng, đám cưới tại Nhà Trắng đều được đưa tin vì hiếm khi diễn ra.

Ranh giới công - tư không rõ ràng

Naomi Biden là người cháu đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm kết hôn tại Nhà Trắng. Không có tiền lệ thực sự về mức độ riêng tư mà cô có thể mong đợi trong hôn lễ của mình.

Một số phóng viên phàn nàn vì không nhận được lời mời tham dự và sau đó “khóc dở mếu dở” khi được tiết lộ rằng Vogue đã sắp xếp buổi phỏng vấn, chụp ảnh độc quyền trước buổi lễ. Trong khi đó, Washington Post đưa tin từ bên ngoài, bằng cách phỏng vấn khách mời tham dự, lùng sục mạng xã hội và sử dụng ống nhòm.

Mặc dù khả năng tiếp cận đám cưới tại Nhà Trắng của báo chí thay đổi theo thời gian và khác nhau tùy thuộc vào việc ai kết hôn, việc giới truyền thông kỳ vọng được tiếp cận đám cưới của Naomi Biden đơn giản là không bắt nguồn từ lịch sử.

Thực tế, ranh giới giữa công và tư chưa bao giờ được vạch ra một cách thỏa đáng trong các đám cưới tại Nhà Trắng.

Cháu gái của Tổng thống Mỹ Biden và vị hôn phu Peter Neal kết hôn tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng ở Washington ngày 26/11. Ảnh: Carolyn Kaster/AP.

Khi Alice Roosevelt, con gái Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt, kết hôn với Hạ nghị sĩ Nicholas Longworth vào năm 1906, cha cô dâu khiến báo chí tức giận khi từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về váy cưới của con gái.

New York Times chê bai: “Sự cảnh giác này thật khó hiểu, bởi vì trong những dịp tương tự, như đám cưới của các thành viên nữ trong gia đình những người đứng đầu các quốc gia khác dù là hoàng gia hay tổng thống, công khai không chỉ được coi là vấn đề hiển nhiên, mà còn hoàn toàn hợp pháp”.

Điều khó hiểu hơn là “công chúa Alice”, biệt danh của Alice Roosevelt, là người nổi tiếng theo đúng nghĩa. Sự dè dặt của tổng thống có thể nói lên nhiều điều về cái tôi của ông hơn là mối quan hệ với báo chí.

Cuối cùng, tờ báo này cũng đăng bài mô tả về trang phục của cô dâu dựa trên các cuộc phỏng vấn với bạn bè và thành viên gia đình.

Sự ngại ngần trước truyền thông không có gì lạ của gia đình Roosevelt không ngăn được đám cưới của “công chúa Alice” chiếm trọn các tiêu đề. Washington Post dành toàn bộ trang nhất cho sự kiện, với những món quà, danh sách khách mời và trang phục của cặp đôi được mô tả chi tiết.

Nicolas Longworth, Alice Roosevelt và Tổng thống Theodore Roosevelt trong ngày cưới của Alice. Ảnh: Print Collector.

Dưới áp lực dữ dội, Nhà Trắng sau đó phải tiết lộ rằng vợ chồng con gái ông Roosevelt hưởng tuần trăng mật tại Friendship, điền trang John R. McLean (nay là McLean Gardens). Nỗ lực minh bạch muộn màng này đã phản tác dụng một cách thảm hại, theo New-York Tribune.

Trái ngược với danh sách khách mời gồm 1.000 người của Alice Roosevelt, đám cưới năm 1913 của Jessie Woodrow Wilson, con gái Tổng thống Mỹ thứ 28 Woodrow Wilson, khá nhỏ, thậm chí không mời nhiều nhân vật thuộc giới quan chức và xã hội ở Washington.

Các nhà báo Mỹ ngày càng khao khát tin tức sốt dẻo đến mức đã theo dõi một số trong 400 người may mắn được mời khi họ đi mua quà cưới. Rút ra bài học từ đám cưới của Roosevelt, Nhà Trắng giữ kín kế hoạch tuần trăng mật của cô dâu, chú rể. Washington Post đã dành một phần mặt trang để kể câu chuyện ly kỳ về cách các phóng viên của họ đuổi theo xe của vợ chồng Jessie Woodrow Wilson bằng taxi, nhưng cuối cùng bị mất dấu do bị cảnh sát chặn đường.

Dần quen thuộc hơn

Vào thời điểm đám cưới tiếp theo diễn ra tại Nhà Trắng khoảng năm 1966, việc tiếp xúc với các phương tiện truyền thông hiện đại đã tạo ra sự quen thuộc với “gia đình đệ nhất”, khiến người Mỹ khao khát biết chi tiết về đám cưới của Luci Johnson và cảm thấy họ có quyền, nhà sử học Karen Dunak lưu ý.

Johnson nhận được những lá thư giận dữ sau khi từ chối cho phép máy quay phim truyền hình bên trong lễ cưới của mình, mặc dù việc đón tiếp khách đến, đi và các bộ phận của Nhà Trắng (cụ thể hơn là Phòng phía Đông) đã được thông báo phát sóng cho 55 triệu khán giả.

Nhiều người Mỹ cảm thấy nhiệm vụ của cô dâu là “mời” họ đến dự lễ và quyền “tham dự” gián tiếp của họ. Những người khác không thoải mái khi Johnson cải đạo sang Công giáo theo chồng. Một cơ quan khác phàn nàn về việc chọn ngày 6/8 vì liên quan vụ đánh bom ở Hiroshima (Nhật Bản).

Các phóng viên háo hức ghi lại hình ảnh Luci Johnson và Patrick Nugent trong ngày cưới của họ ngày 6/8/1966. Ảnh: Henry & Carole Haller and Family/White House History.

Giống như Theodore Roosevelt không công khai thông tin chi tiết về chiếc váy cưới của con gái trên báo chí, Đệ nhất phu nhân Lady Bird Johnson cố gắng làm điều tương tự.

Khi Luci Johnson và các phù dâu lên lịch thử váy ở New York, khách sạn của họ đã trở thành “pháo đài kiên cố với báo chí túc trực ở mọi lối vào”. Khi cô dâu vô tình chọn chiếc áo choàng do nhà sản xuất không thuộc công đoàn sản xuất, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã phải can thiệp để tránh một vụ bê bối.

Tuy nhiên, khi Tricia Nixon, con gái Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon, kết hôn ở Vườn hồng năm 1971, đám cưới được công bố rộng rãi một cách bất thường, với ước tính 300 phóng viên đưa tin về buổi lễ. Trong 4 tháng trước ngày trọng đại, Nhà Trắng đưa những bản tin hấp dẫn với thông tin chi tiết về chiếc nhẫn, áo choàng, bánh cưới và nhiều thứ khác.

Đám cưới tương đối kín tiếng của Naomi Biden vừa diễn ra đã khiến một số nhà báo khó chịu vì sự lảng tránh của chính quyền. Họ đã phải dùng đến ống nhòm, máy bay không người lái và mạng truyền thông xã hội để theo dõi tin tức liên quan.

Tuy nhiên, bản thân cô dâu không những không bị tổn hại, mà còn được nâng tầm sau cuộc tranh cãi.

Một số bức ảnh được lựa chọn cẩn thận được tung ra và Biden xuất hiện trên tạp chí thời trang hàng đầu của Mỹ, trong khi vẫn giữ cho buổi lễ thực sự riêng tư. Cô có thể không phải là nhân vật của công chúng, nhưng rõ ràng vẫn biết cách thu hút sự chú ý về mình trong dịp đặc biệt.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-dam-cuoi-kin-tieng-o-nha-trang-cua-chau-gai-tong-thong-biden-post1380356.html