Đằng sau cuộc sống hào nhoáng của tiếp viên hàng không

Theo nữ tiếp viên Kat Kamalani (Mỹ), nghề nghiệp của cô không màu hồng như số đông thường nghĩ. Các tiếp viên phải biết xoay xở trong nhiều tình huống nguy hiểm.

Kat Kamalani (30 tuổi), tiếp viên hàng không tại Salt Lake City (bang Utah, Mỹ), trở nên nổi tiếng sau khi tiết lộ sự thật về nghề nghiệp của mình, theo Insider.

Làm việc hơn 5 năm trong ngành hàng không, Kat cho hay số đông thường nghĩ những người như cô có công việc nhàn hạ, được trả lương cao để tới những điểm đến đáng mơ ước như Hawaii hay Paris.

Còn với cô, thực tế là tiếp viên phải thường xuyên đối mặt với chuyện làm 15 tiếng mỗi ngày, di chuyển liên tục không có thời gian nghỉ hay xách vali đi làm vào những dịp nghỉ lễ.

 Kat Kamalani (30 tuổi) làm nghề tiếp viên hàng không tại Salt Lake City (bang Utah, Mỹ).

Kat Kamalani (30 tuổi) làm nghề tiếp viên hàng không tại Salt Lake City (bang Utah, Mỹ).

Không chỉ phục vụ đồ ăn

“Hầu hết ai cũng nghĩ rằng những người như chúng tôi chỉ bay một vài chặng giống nhau, có vô số điểm đến để lựa chọn. Nhưng thâm niên làm trong nghề mới là yếu tố quyết định", Kat nói.

"Cuộc sống hào nhoáng của những người làm nghề này chỉ thực sự đến khi người đó đã có kinh nghiệm lâu năm. Tiếp viên hàng không kỳ cựu là những người có thời gian bay và điểm đến tốt nhất, cũng như được nghỉ phép lâu hơn”, cô nói thêm.

Theo cô, mặt trái của việc được bay tới nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới là cảm giác phần nhiều cô đơn.

“Nhờ công việc, bạn đến những thành phố, thị trấn có vẻ đẹp đáng kinh ngạc, nhìn thấy, quan sát những điều tuyệt vời xung quanh nơi đó. Song, hầu hết bạn sẽ thăm thú một mình, không có bạn đồng hành nào đi cùng”, Kat nói.

"Tiếp viên hàng không lo cho sự an toàn của hành khách trước tiên".

Người phụ nữ 30 tuổi từng trải qua khóa đào tạo kéo dài 8 tuần, thời gian 6 buổi/tuần và cường độ 15 tiếng/ngày trước khi được nhận vào làm chính thức. Theo Kat, để vượt qua tất cả các vòng, ứng viên phải đạt điểm số gần như tuyệt đối.

“Phục vụ đồ ăn uống cho khách hàng không phải nhiệm vụ duy nhất. Trong chương trình đào tạo, chúng chỉ kéo dài một buổi. Phần còn lại bao gồm hàng loạt vấn đề tiềm ẩn mà tiếp viên có thể đối mặt như cách sơ tán hành khách, đối phó với kẻ khủng bố, dập lửa hay hỗ trợ y tế. Chúng tôi không ở đó để phục vụ mà vì sự an toàn trước tiên của hành khách”.

Do đó, các tiếp viên có toàn quyền đuổi bất kỳ ai không hợp tác ra khỏi máy bay.

Nữ tiếp viên cho rằng đấy là điều hoàn toàn có lý vì “những gì xảy ra trong giao thông trên mặt đất cũng có thể xảy ra ở độ cao trên 10.000 m".

Ghét bị làm phiền trước khi cất cánh

Một bí mật khác mà người phụ nữ 30 tuổi tiết lộ là mỗi khi các tiếp viên đứng chào đón hành khách, họ được đào tạo để đánh giá những ai vừa bước qua trước mặt.

“Khi mỗi khách đến, chúng tôi vừa chào đón vừa phân tích họ. Trong đó, những người có ngoại hình cao to, khỏe mạnh, nhiều khả năng giúp ích cho phi hành đoàn phòng trường hợp xấu xảy ra được tìm kiếm đầu tiên”, cô cho hay.

Các tiếp viên hàng không có phòng nghỉ ngơi bí mật trên máy bay trong những chuyến bay kéo dài nhiều giờ.

“Điều thứ hai là tìm kiếm những điều bất thường, ví dụ như ai đó cầm thêm một chiếc hộp khả nghi. Trên thực tế, chúng tôi được đào tạo để phát hiện ra cả nạn nhân và kẻ buôn người”, cô cho hay.

Kat tiết lộ trên các chuyến bay đường dài, tiếp viên có những căn phòng bí mật trên máy bay để họ có thể nghỉ ngơi.

“Khu vực này cần có chìa khóa để tiếp cận. Chúng tôi chui vào lỗ nhỏ ở bên dưới hoặc trên cabin. Vì vậy trên những chuyến bay kéo dài nhiều tiếng, rất có thể tiếp viên đang ngủ ngay bên dưới hoặc trên bạn”, cô nói.

Với Kat, cô rất ghét bị làm phiền trước khi cất cánh.

“99,5% khả năng tôi sẽ không đưa đồ uống, lấy chăn hay tai nghe cho bạn vào lúc máy bay chưa xuất phát. Trước khi cất cánh là khoảng thời gian bận rộn của tiếp viên với hàng chục đầu mục kiểm tra an toàn. Chúng tôi chỉ bắt đầu phục vụ khi đang ở trên không”, Kat cho hay.

Ngoại lệ duy nhất, theo Kat, là trường hợp hành khách cần nước để uống thuốc.

Cô nói thêm rằng các hành khách chu đáo sẽ dễ nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ phi hành đoàn.

“Gần như 100% nếu bạn mang theo món quà nhỏ tặng các tiếp viên như thanh kẹo, cây bút, tổ bay sẽ kết bạn và đảm bảo bạn được hài lòng trên suốt chuyến bay. Một cử chỉ nhỏ như vậy thật sự có ý nghĩa với cả chuyến hành trình dài, khi những người như tôi làm việc cả ngày và đối phó với những hành khách cáu kính, nhiều yêu sách”, cô kết luận.

Các video do nữ tiếp viên người Mỹ thực hiện được cộng đồng mạng hứng thú. Số lượng người theo dõi cô tăng theo, đạt 293.000 người. Video “viral” nhất của Kat đạt hơn 6,2 triệu lượt xem.

Hiền Thy
Ảnh: Insider.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-cuoc-song-hao-nhoang-cua-tiep-vien-hang-khong-post1143294.html