Đằng sau 'cuộc khủng hoảng giáo dục' của Afghanistan

Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 được dập tắt, các trường học của Afghanistan vẫn bị 'đè nặng' bởi cơ sở hạ tầng xuống cấp và chương trình giảng dạy gây tranh cãi.

Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 được dập tắt, các trường học của Afghanistan vẫn bị “đè nặng” bởi cơ sở hạ tầng xuống cấp và chương trình giảng dạy gây tranh cãi.

Học sinh Afghanistan tham gia một lớp học ngoài trời tại một trường tiểu học ở Kabul, Afghanistan, hôm 7-10-2020.

Học sinh Afghanistan tham gia một lớp học ngoài trời tại một trường tiểu học ở Kabul, Afghanistan, hôm 7-10-2020.

Zahra Hamidi, 20 tuổi, chuẩn bị quay lại năm học cuối cấp vào cuối tháng 3 vừa qua sau kỳ nghỉ đông 3 tháng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 quét qua Kabul, và các trường học rơi vào tình trạng phải đóng cửa. Vào cuối đợt đóng cửa vào mùa hè, Covid-19 vẫn lan rộng và các trường học vẫn chưa thể hoạt động. Hamidi hiện đang làm thợ may để giúp gia đình cô sống sót sau đại dịch, thay vì học từ xa.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Hamidi được gia đình hỗ trợ việc học và dự kiến sẽ tốt nghiệp trung học trong năm nay. Nhưng dịch bệnh khiến cha cô, một lao động chân tay trung niên, mất đi khoản thu nhập hàng ngày. Hamidi và em gái đã mở cửa hàng may váy tại nhà, đảm nhận trách nhiệm kiếm tiền cho gia đình gồm 8 thành viên. Trong vòng vài tháng, Hamidi trở thành thợ may toàn thời gian thay vì là học sinh trung học phổ thông. Khi các trường công mở cửa trở lại vào mùa thu, Hamidi đã trễ 2 tuần để đăng ký lớp học của mình. Vì vẫn là trụ cột của gia đình, cô phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để trở lại trường học và tốt nghiệp. “Mẹ tôi nói rằng tôi nên đi học vào năm tới và tốt nghiệp, nhưng tôi không chắc về điều đó”, Hamidi nói.

Tác động của Covid-19

Ở Afghanistan, Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục. Việc đóng cửa trường học trên toàn quốc đã làm tăng thêm những thách thức mà ngành giáo dục của nước này đang phải đối mặt. Người dân Afghanistan không mấy hào hứng với giáo dục trong những năm gần đây. Ngay cả khi trường học mở cửa trở lại, chương trình học và sách giáo khoa vẫn là lĩnh vực gây tranh cãi tại nước này.

Bộ giáo dục Afghanistan đã thúc đẩy đào tạo từ xa bằng cách sử dụng đài phát thanh và đài truyền hình, nhưng có tới 70% dân số không được sử dụng điện. Mọi thứ còn tồi tệ hơn khi lệnh phong tỏa không thể ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Afghanistan trở lại hoạt động bình thường vào tháng 5 và tháng 6, ngay cả khi các ca nhiễm và tử vong do Covid-19 gia tăng trên khắp đất nước. Ngay cả khi đất nước mở cửa trở lại, các trường học vẫn đóng cửa trong nhiều tháng. Hôm 22-8, Bộ Giáo dục đã mở cửa trở lại các trường đại học và trung học nhưng các trường tiểu học vẫn đóng cửa thêm một tháng nữa. Karim, người ủng hộ việc mở lại trường học, cho biết: “Nếu toàn bộ đất nước bị đóng cửa thì việc đóng cửa trường học sẽ có ý nghĩa. Nhưng chính sách mở lại mọi thứ và đóng cửa trường học là điều vô lý. Khi con cái của các nhà hoạch định chính sách đi học ở nước ngoài, họ khó có thể thấy hậu quả của việc đóng cửa các trường học”.

Hôm 29-9, các trường tiểu học đã mở cửa trở lại cho học sinh sau 10 tháng nghỉ liên tục. Một tháng rưỡi sau, vào ngày 15-11, Bộ Giáo dục công bố ngày 20-11 là ngày bắt đầu kỳ nghỉ đông, có nghĩa là các trường học của Afghanistan đã bỏ qua một năm học do đại dịch. Karim cho biết, thời gian nghỉ học kéo dài làm tăng khả năng học sinh bỏ học và bị mất kiến thức.

Việc đóng cửa trường học cùng với khó khăn kinh tế do đại dịch gây ra đã buộc một số lượng kỷ lục trẻ em phải bỏ học và trở thành lao động trẻ em. Ở một đất nước mà 90% dân số sống với mức dưới 2USD/ngày và các gia đình phải dựa vào trẻ em để sống sót, đại dịch đã để lại những vết sẹo vô hình với các em. Freshta Karim, người sáng lập Charmaghz, một thư viện di động dành cho trẻ em ở Kabul, cho biết: “Afghanistan đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giáo dục. Những trẻ em dễ bị tổn thương nhất – gồm trẻ em gái và lao động trẻ em – có nguy cơ bỏ học cao hơn khi các trường đóng cửa trong nhiều tháng”.

Ngay cả khi dịch Covid-19 được ngăn chặn, Bộ Giáo dục cho biết 5 triệu trẻ em đã nghỉ học. PenPath, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận ở Afghanistan, đưa ra ước tính của riêng họ là 6 triệu trẻ em. Theo PenPath, có tới 1.500 trường học vẫn bị đóng cửa.

Nhiều bất cập

Bộ Giáo dục thừa nhận 6.000 trường học không có tòa nhà nào cả và 50% trong số 17.000 trường học của cả nước thiếu cơ sở vật chất. Ở thủ đô Kabul, các trường học quá đông và học sinh học dưới lều và các tòa nhà đổ nát. Trên khắp 34 tỉnh của Afghanistan, 75% học sinh phải đối mặt với tình trạng thiếu sách giáo khoa.

Ông Matiullah Wessa, người sáng lập PenPath, cho biết: “Các bậc cha mẹ muốn và thích cho con cái của họ đến trường. Họ có những nhu cầu cụ thể và cơ bản, chẳng hạn như trường học kiên cố và giáo viên nữ cho nữ sinh. Đối với một trường nữ sinh, phải có nhà vệ sinh mặc dù đây là điều mà 60% trường công lập thiếu”. Ông Wessa cho biết đã gửi thư kiến nghị đến Bộ Giáo dục yêu cầu chính phủ mở một trường học ở Jindah, huyện Gilan của tỉnh Ghazni, nơi 600 học sinh không được tiếp cận giáo dục. Bộ Giáo dục từ chối mở trường học ở đó. “Nếu chúng ta loại bỏ tham nhũng và sử dụng ngân sách của Giáo dục hiện tại, sẽ không có đứa trẻ nào phải nghỉ học”, ông Wessa nói.

Thay vì xây dựng trường học thật và tuyển học sinh thật, Bộ Giáo dục đã bị cáo buộc trả tiền cho các trường học ma, giáo viên ma và học sinh ma. Năm 2015, Tổng Thanh tra Đặc biệt về Afghanistan, một cơ quan giám sát của Mỹ, đã đặt câu hỏi về toàn bộ số tiền viện trợ của Mỹ dành cho giáo dục của Afghanistan, tổng cộng lên đến 769 triệu USD. Khủng hoảng nhất là ở đội ngũ giảng viên. Theo Ngân hàng Thế giới, kể từ tháng 3 năm 2019, chỉ 4 trên 10 giáo viên nắm vững chương trình giảng dạy ngôn ngữ lớp 4 và chưa đến 40% trong số họ đã thành thạo chương trình toán học lớp 4. Ngoài ra, ngay cả đối với trẻ em Afghanistan đang đi học, thời gian giảng dạy trung bình chỉ là 3 giờ 25 phút mỗi ngày, thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.

Một lý do là sách giáo khoa. Moqim Mehran, một giáo viên trung học ở Kabul, cho biết sách giáo khoa không được tích hợp. Phần lớn học sinh không biết đọc và viết ở lớp 4 và lớp 6. Nhiều học sinh phải vật lộn để đọc và viết khi tốt nghiệp. “Trong 8 năm, học sinh được học tiếng Anh và tiếng Pashto, nhưng họ không thể nói tiếng Anh và tiếng Pashto khi tốt nghiệp”, Mehran, giám đốc Khoa văn học tại trường Marefat cho biết.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_234961_dang-sau-cuoc-khung-hoang-giao-duc-cua-afghanistan.aspx