Đằng sau cuộc 'chuyển mình' ngoạn mục của Hát Xoan Phú Thọ

Từ chỗ nguy cơ mai một chỉ với 7-8 nghệ nhân có kỹ năng trình diễn và thực hành, nay con số đó đã nâng lên 68 cùng 34 câu lạc bộ với khoảng 1.500 thành viên yêu thích và trình diễn được Hát Xoan.

Đội ngũ kế cận của Hát Xoan Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN)

Hiếm có trường hợp nào trên thế giới đặc biệt như Hát Xoan của Việt Nam, di sản đầu tiên có sự chuyển đổi đặc biệt từ Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ chỗ nguy cơ mai một chỉ với 7-8 nghệ nhân có kỹ năng trình diễn và thực hành, nay con số đó đã nâng lên 68 cùng 34 câu lạc bộ với khoảng 1.500 thành viên yêu thích và trình diễn được Hát Xoan.

Và để có “cú lội ngược dòng” đầy ngoạn mục đó không thể không kể đến sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các nghệ nhân cũng như những người yêu thích Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ.

Đánh giá lại quá trình “chuyển mình” này, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với phóng viênVietnamPlus.

- Thưa ông, địa phương có nghiên cứu hay khảo sát nào về sự thay đổi trước và sau khi Hát Xoan được công nhận là di sản phi vật thể của nhận loại không? Các phường Xoan có được hỗ trợ gì trong quá trình khôi phục và phát triển?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Chúng tôi mới chỉ có những nghiên cứu khảo sát điền dã để kiểm kê đánh giá di sản, đánh giá cập nhật hàng năm sự thay đổi và phát triển của di sản nhằm mục tiêu bảo tồn di sản.

Thông qua đó, chúng tôi sẽ có những chính sách hỗ trợ đối với các nghệ nhân, với các phường Xoan, các câu lạc bộ nhằm bảo tồn và phát huy di sản.

Còn khảo sát để hỗ trợ Hát Xoan thành sản phẩm du lịch thì hiện nay chúng tôi mới đang tiến hành nhằm hỗ trợ dần cho cộng đồng để biến sản phẩm văn hóa tâm linh gắn kết với du lịch.

Ví dụ, với điểm tham quan Hùng Lô, chúng tôi vừa tập trung đầu tư tu bổ vì đây là di tích đặc thù gắn với làng Xoan gốc. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng tập huấn cho các hộ dân có mô hình sản xuất làng nghề truyền thống và các nghệ nhân hát Xoan, để giúp họ có kỹ năng trình diễn và kỹ năng giới thiệu sản phẩm văn hóa của mình cho du khách.

Các nghệ nhân trình diễn ở miếu Lãi Lèn, thành phố Việt Trì. (Ảnh: X.Mai/Vietnam+)

- Theo ông đánh giá, những kháo sát đó thay đổi thế nào về chất và lượng?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Đương nhiên là có sự thay đổi rất lớn về chất. Trước đây, việc trình diễn của các nghệ nhân và các đào, kép chủ yếu chỉ ở trong di tích và họ chỉ biết trình diễn trong không gian di tích. Nhưng đến nay, đội ngũ này đã có khả năng trình diễn ở tất cả các không gian văn hóa, kể cả trên sân khấu theo nhu cầu của du khách và nhu cầu của các hội nghị khác nhau.

Khả năng tiếp cận và khả năng trình diễn của họ cũng đã được nâng cao hơn nhiều. Trước đây, có nghệ nhân và đào, kép chỉ trình diễn được khoảng 20 bài bản hát Xoan trên tổng số 31 bài bản thôi, nhưng đến nay rất nhiều nghệ nhân đã trình diễn được đầy đủ 31 bài bản hát Xoan.

Vì vậy, du khách muốn được nghệ nhân và các đào, kép trình diễn ở chặng hát Xoan nào trong số ba chặng hát là hát thờ, hát quả cách và hát hội, thì họ đều có thể trình diễn. Qua đó, giúp du khách hiểu thêm về giá trị của di sản hát Xoan. Đó là những bước tiến và sự thay đổi rất lớn.

- Vấn đề phát triển lực lượng kế cận thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Lực lượng kế cận của Hát Xoan hiện nay đã và đang được chúng tôi đào tạo. Trước đây, năm 2011 khi di sản văn hóa Hát Xoan nằm trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, có nguy cơ mai một, chỉ có 7-8 nghệ nhân có khả năng thực hành và truyền dạy.

Sau đó, chúng tôi có đề án bảo tồn giá trị di sản văn hóa Hát Xoan, trong đó có việc đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận trong cộng đồng và các làng Xoan gốc. Đến nay, chúng tôi đã đào tạo được 68 nghệ nhân kế cận có đủ kỹ năng trình diễn và khả năng thực hành đầy đủ 31 bài bản Hát Xoan.

Bên cạnh đó, việc phát triển các câu lạc bộ Hát Xoan cũng rất mạnh mẽ. Từ con số 13 câu lạc bộ, đến nay toàn tỉnh đã có 34 câu lạc bộ với khoảng 1.500 thành viên yêu thích và có khả năng trình diễn Hát Xoan.

Đa số lực lượng này trong độ tuổi thanh niên là đào, kép và độ tuổi trung niên.

Du khách tham gia trình diễn các điệu Xoan cùng các nghệ nhân, diễn viên phường Xoan An Thái, tại đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì. (Ảnh: TTXVN)

- Theo ông, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, tỉnh Phú Thọ có khó khăn gì trong phát triển du lịch?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Chúng tôi có rất nhiều tiềm năng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa tâm linh cùng hệ thống tài nguyên du lịch thiên nhiên như nước khoáng nóng Thanh Thủy, vườn quốc gia Xuân Sơn…

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp khó khăn, bởi Phú Thọ là vùng đất trung du gần với thủ đô Hà Nội nên lượng khách lưu trú thấp. Vì khách đến đây trải nghiệm một ngày xong là kết thúc hành trình.

Thứ hai, hệ thống sản phẩm du lịch hiện nay mới chủ yếu là du lịch tâm linh, còn sản phẩm nghỉ dưỡng hay các sản phẩm trải nghiệm khác chúng tôi vẫn đang kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch để gắn kết giữa văn hóa tâm linh với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và các sản phẩm trải nghiệm khác…

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dang-sau-cuoc-chuyen-minh-ngoan-muc-cua-hat-xoan-phu-tho/496531.vnp