Đằng sau cơn địa chấn chính trị ở Nga

Hội đồng Nhà nước có thể được cải tổ, trở thành một công cụ để ông V.Putin duy trì giữ quyền lực trong trường hợp ông không còn làm tổng thống

"Cơn địa chấn chính trị" ở Nga - như cách gọi của Bryan MacDonald, phóng viên người Ireland hoạt động tại Nga trong bài viết trên trang RT - đang là tâm điểm chú ý của dư luận và truyền thông thế giới, nhất là chuyện Tổng thống Vladimir Putin sẽ đóng vai trò gì sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024.

Tính toán của ông Putin

Vẫn còn quá sớm để biết dự định sắp tới của nhà lãnh đạo Nga nhưng nhiều chuyên gia và truyền thông phương Tây chia sẻ phỏng đoán rằng ông Putin đang lên kế hoạch duy trì quyền lực hoặc ít nhất là ảnh hưởng, sau khi rời Điện Kremlin. "Ông Putin vẫn sẽ là nhân vật chính tại Nga, như những gì ông đã thể hiện trong 20 năm qua" - nhà phân tích chính trị người Nga Maria Lipman nhận định.

Việc đề xuất sửa đổi hiến pháp cho thấy ông Putin dường như đang xem xét nhiều phương án cho nước cờ nói trên. Nhà lãnh đạo này đã lần lượt nắm các chức vụ tổng thống và thủ tướng trong 20 năm qua. Tuy nhiên, Hiến pháp Nga hiện cấm một tổng thống làm nhiều hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Để duy trì quyền lực, theo báo The New York Times, ông Putin cần thực hiện một cuộc chuyển giao lãnh đạo. Vì thế, có nhận định cho rằng ông đã đề nghị sửa hiến pháp nhằm làm suy yếu chức danh tổng thống trong khi tăng cường quyền lực của quốc hội và thủ tướng. Những thay đổi trên sẽ mở đường để ông Putin tìm được vị trí có thể duy trì quyền lực mà không bị cáo buộc là vi hiến.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc họp của nhóm soạn thảo đề xuất sửa đổi hiến pháp hôm 16-1. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc họp của nhóm soạn thảo đề xuất sửa đổi hiến pháp hôm 16-1. Ảnh: REUTERS

Dù vậy, hiện chưa có câu trả lời rõ ràng cho những tính toán của ông Putin sau năm 2024. "Những đề xuất sửa đổi hiến pháp không nói lên nhiều điều về vị trí ông sẽ đảm nhận sau năm 2024" - ông Andrius Tursa, chuyên gia của Công ty Tư vấn Teneo Intelligence (Mỹ), nhận định với đài CNBC.

Dù vậy, các chuyên gia chỉ ra rằng việc ông Putin đề xuất giảm bớt quyền lực của tổng thống là dấu hiệu cho thấy ông có ý rời khỏi cương vị này và đảm nhận vai trò mới.

Nhà lãnh đạo này có thể quay lại làm thủ tướng, một vị trí có thêm quyền lực một khi sửa đổi hiến pháp được thông qua. Ngoài ra, ông Putin có thể tiếp tục nắm vị trí chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia nhiều quyền lực hoặc trở thành chủ tịch quốc hội.

Nền móng cho tương lai

Một số nhà phân tích còn chỉ ra khả năng ông V.Putin đi theo con đường của ông Nursultan Nazarbayev, tổng thống Kazakhstan trong giai đoạn 1990-2019.

Vào năm 2018, ông Nazarbayev tăng quyền lực cho Hội đồng An ninh quốc gia Kazakhstan rồi nhận chức chủ tịch vĩnh viễn của cơ quan này. Vào tháng 3-2019, ông Nazarbayev từ chức tổng thống để mở đường cho người kế nhiệm do ông chọn và vị trí chủ tịch hội đồng nói trên cho phép ông vẫn nắm giữ một số quyền lực chủ chốt.

Dù không cung cấp nhiều thông tin, ông Putin đã nói bóng gió về khả năng diễn ra bước đi tương tự ở Nga trong thông điệp liên bang hôm 15-1 khi cho rằng Hội đồng Nhà nước, đang do tổng thống đứng đầu, cần có một vai trò hiến định.

Một số nhà phân tích chính trị ở Nga nhanh chóng phỏng đoán rằng hội đồng này có thể được cải tổ để trở thành một công cụ để ông Putin duy trì giữ quyền lực, nhất là ở mảng đối ngoại và quân sự, trong trường hợp ông không còn làm tổng thống.

Cho dù lựa chọn của ông Putin có là gì, giới phân tích dường như có chung nhận định rằng nhà lãnh đạo 67 tuổi này không chỉ đặt nền móng cho tương lai chính trị của riêng mình mà còn tìm cách cải tổ hệ thống quyền lực trước khi diễn ra 2 sự kiện chính trị quan trọng - cuộc bầu cử quốc hội năm 2021 và bầu cử tổng thống năm 2024.

"Mục tiêu của ông Putin là bảo vệ hệ thống ông được thừa hưởng từ Tổng thống Boris Yeltsin và sau đó thay đổi nó. Với tất cả khuyết điểm của nó và sau một "ca sinh khó", hệ thống này đã mang đến cho người Nga nhiều tự do và thịnh vượng nhất mà họ từng biết đến, ngay cả khi vẫn còn nhiều việc phải làm để phân bổ các thành tựu kinh tế một cách công bằng hơn..." - phóng viên Bryan MacDonald viết trên trang RT.

Nâng cao trách nhiệm của quốc hội, chính phủ

Tổng thống Vladimir Putin hôm 16-1 nhấn mạnh những đề xuất sửa đổi hiến pháp được ông đưa ra trong thông điệp liên bang không thay đổi những nội dung cốt lõi của hiến pháp này. Thay vào đó, bước đi này nhằm biến nước Nga thành một nhà nước pháp trị và thịnh vượng.

Phát biểu tại cuộc họp với thành viên nhóm soạn thảo đề xuất sửa đổi hiến pháp, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh ý nghĩa của những sửa đổi này là bảo đảm nước Nga tiếp tục phát triển hơn nữa và cải thiện hiệu quả hoạt động của các định chế của đất nước. Ngoài ra, theo ông Putin, những đề xuất sửa đổi hiến pháp còn nhằm củng cố vai trò của xã hội dân sự, các đảng chính trị và các khu vực trong việc đưa ra các quyết định quan trọng nhất liên quan tới sự phát triển của đất nước.

Ông Putin cũng cho rằng các biện pháp nhằm gia tăng vai trò của quốc hội sẽ không mâu thuẫn với chuyện nước Nga vẫn là một nước cộng hòa tổng thống. Thay vào đó, những đề xuất sửa đổi hiến pháp sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của cả quốc hội và chính phủ. Theo đài RT, ông Putin nhấn mạnh về tầm quan trọng ngày một lớn hơn của quốc hội, cũng như sự hợp tác giữa quốc hội và chính phủ được cải thiện hơn nữa. Ngoài ra, trách nhiệm của quốc hội sẽ gia tăng, không chỉ trong việc bổ nhiệm các bộ trưởng chính phủ và các phó thủ tướng mà còn về hoạt động của cơ quan này và việc thực thi chính sách của chính phủ.

Nhóm soạn thảo đề xuất sửa đổi hiến pháp gồm 75 chính khách, nhà làm luật, học giả và người nổi tiếng. Ông Andrey Klishas, đồng chủ tịch nhóm soạn thảo, cho hãng tin TASS biết ông Putin không loại trừ khả năng sẽ có thêm đề xuất sửa đổi hiến pháp được đưa ra xem xét.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dang-sau-con-dia-chan-chinh-tri-o-nga-20200117234002837.htm