Đằng sau chuyện Đại sứ Trung Quốc đi trên lưng hàng loạt dân Kiribati

Trung Quốc hôm qua lên án những chỉ trích đối với hành động của đại sứ nước này ở Kiribati khi giẫm lên lưng những người dân đảo đang phủ phục dưới đất là chuyện không chấp nhận được.

Bức ảnh được đưa lên mạng cho thấy đại sứ Trung Quốc đang đi trên lưng hàng người đang nằm sấp.

Bức ảnh được đưa lên mạng cho thấy đại sứ Trung Quốc đang đi trên lưng hàng người đang nằm sấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Đại sứ Tang Songgen khi đó đang tham gia một lễ chào đón truyền thống “theo lời mời chân tình của chính quyền và người dân địa phương, và vẫn luôn tôn trọng văn hóa và truyền thống của người Kiribati”.

Trước đó, một bức ảnh được đưa lên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông mặc áo sơ mi trắng và quần xám giẫm lên lưng khoảng 30 người đang xếp hàng nằm rạp dưới đất. Ông Tang nói trên mạng xã hội rằng ông có một chuyến thăm đến Kiribati trong tháng này, sau khi nhận nhiệm vụ ở đó từ cuối năm ngoái.

Bức ảnh gây ra nhiều tranh cãi rằng Trung Quốc đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực mà Mỹ và đồng minh Úc lâu nay vẫn có vai trò lớn. Bộ Ngoại giao Kiribati chưa đưa ra phát biểu nào.

Tùy viên Quốc phòng Mỹ ở nước láng giềng Fiji nhân dịp này đã chất vấn hành động của ông Tang.

“Tôi đơn giản là không tưởng tượng được bất kỳ bối cảnh nào mà hành động của đại sứ của bất kỳ nước nào khi bước trên lưng trẻ em (hoặc người lớn) là việc có thể chấp nhận được”, ông Constantine Panayiotou viết trên Twitter.

Tại Đài Loan, sau khi mất đồng minh ngoại giao Kiribati vào tay Trung Quốc từ năm ngoái, cơ quan phụ trách ngoại giao của hòn đảo nói rằng họ bị sốc như bất kỳ ai trong bức hình.

“Đây không phải Kiribati mà chúng tôi biết, và chúng tôi không biết rằng Kiribati có nghi lễ đón tiếp kiểu này. Chúng tôi không đối xử với các đồng minh và người dân của họ như vậy”, người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Loan Joanne Ou nói.

Tờ Tờ báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói rằng việc “suy diễn sai” bức ảnh là nhằm làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc.

PGS Katerina Teaiwa, công tác tại ĐHQG Úc và có bố là người Kiribati, nói rằng bức ảnh cho thấy một nghi lễ tiếp đón địa phương.

Dù hành động của Đại sứ Tang có phù hợp hay không, cuộc tranh luận phản ánh một thực tế mới ở quốc đảo thuộc Thái Bình Dương: họ đột nhiên được chú ý trong những cạnh tranh địa chính trị thế giới.

Trung Quốc và Mỹ đang tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này bằng sự quan tâm và viện trợ.
“Những hòn đảo của chúng tôi luôn là chiến trường địa chính trị cho những nước khác. Với thực tế đó, thật khó chịu khi những người dân đảo ở Thái Bình Dương không được coi trọng hay lắng nghe”, TS Teaiwa viết.

Việc bức ảnh gây sốt không thể tách khỏi bối cảnh khu vực và toàn cầu.

Kiribati, quốc gia nằm gần xích đạo, từng là thuộc địa của Anh. Được tạo thành từ 33 hòn đảo trải dài trên 1,4 triệu dặm vuông, Kiribati là một trong nhiều quốc gia Thái Bình Dương đang đóng vai trò ngày càng quan trọng với Bắc Kinh và Washington khi cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc tăng nhiệt.

Kiribati là quốc gia gần đảo Hawaii của Mỹ nhất. Hàng trăm hòn đảo có dân cư thưa thớt trên Thái Bình Dương này nằm trải dài trên khu vực tương đương 15% bề mặt địa cầu, giống như những quân cờ rải rác nằm giữa Trung Quốc, Mỹ và Úc.

“Vì mỗi đảo có diện tích nhỏ, chúng thực sự có tầm quan trọng chiến lược”, ông Johnathan Pryke, giám đốc chương trình nghiên cứu về các đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy ở Sydney, đánh giá.

“Trong Thế chiến 2, những đảo nhỏ nằm giữa đại dương này có tầm quan trọng chiến lược không thể đo được, và ý nghĩa đó cho đến nay không thay đổi nhiều”, ông Pryke nói.

Trung Quốc đang nỗ lực tìm vị trí ở khu vực này. Tháng trước, Papua New Guinea cùng các nước như Iran và Venezuela bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp quốc ủng hộ Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong.

Hồi tháng 1, quần đảo Solomon, nơi diễn ra những trận chiến quan trọng trong Thế chiến 2, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để quay sang với Bắc Kinh. Vài ngày sau, Kiribati làm tương tự.

Sự thay đổi này lập tức được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh. Ông ca ngợi Kiribati và tổng thống nước này đã chọn “đứng về phe đúng của lịch sử” sau khi hai bên ký biên bản ghi nhớ để đưa quốc đảo này tham gia sáng kiến Vành đai Con đường và thiết lập quan hệ ngoại giao.

Không lâu sau đó, ông Tang trở thành đại sứ đầu tiên của Trung Quốc phụ trách Kiribati.

Bình Giang

Theo NYT, Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/dang-sau-chuyen-dai-su-trung-quoc-di-tren-lung-hang-loat-dan-kiribati-1709175.tpo