Đằng sau chiến tích lẫy lừng của các doanh nhân là hình bóng một người cha

Ngày 10-5-2019, đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử đã từ trần ở tuổi 97. Cụ không chỉ được biết đến là một doanh nhân luôn khát khao nuôi dưỡng 'dòng máu kinh doanh' khi đã ở tuổi thất thập mà cụ còn là người truyền đam mê, kinh nghiệm cho các con của mình để họ trở thành những doanh nhân thành đạt.

Sinh năm 1923, là người con trong một gia đình giàu có nhất vùng tại đất Chu Minh (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), nhờ sự hiếu học, thông minh, cụ Đỗ Thế Sử chăm chỉ học hành, được trọng dụng ở nhiều chức vụ chủ chốt tại địa phương. Ở tuổi niên thiếu, cụ đã giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia kháng chiến.

Cụ là người vận động mẹ của mình hiến ruộng đất cho chính quyền, sau đó lên đường tản cư kháng chiến. Khi giành chính quyền thời kỳ năm 1945, cụ là Đại biểu HĐND khóa đầu tiên của tỉnh Sơn Tây. Trong thời gian tham gia kháng chiến, dù bị Quốc dân Đảng bắt tù đày cụ vẫn một lòng trung kiên với Cách mạng.

Lâm vào hoàn cảnh vợ ốm đau, con đông, cụ viết đơn xin thôi việc khi đang giữ chức Tổng biên tập báo Sơn Tây về mở một HTX nhỏ chuyên ngành xén giấy, đóng sổ sách, tổ chức cho cả đàn con vừa học vừa lao động phụ giúp mình.

Biến cố ập đến khi người vợ đột ngột ngã bệnh rồi qua đời, bỏ lại cụ cùng 9 người con nhỏ dại. Bỗng dưng thành cảnh “cha góa, con côi”, nhìn đàn con thơ, đứa lớn nhất mới học lớp 10, đứa bé nhất cũng chỉ chập chững lên 2, làm sao để từng đứa nên người, thành đạt, ngoan ngoãn là điều cụ trăn trở.

Cụ vì con, ban ngày miệt mài lao động, tối về chong đèn dạy con học. Các con của cụ đều ngoan ngoãn, biết giúp cha làm công việc của hợp tác xã. Thế nhưng với cụ, dù lao động vẫn phải học giỏi xuất sắc, cụ nghiêm khắc với từng đứa con- học chỉ có điểm A không có điểm B. Đó cũng là nền tảng thành công của tất cả sau này, các con cụ đều là doanh nhân thành đạt.

Vật lộn nuôi con, đến khi người con út lên 17 tuổi, học ngoại ngữ để ra nước ngoài thì đi bước nữa vì nghĩ lấy một người để làm mẹ của các con mình. Sau đó, cụ sinh thêm con. Tổng cộng cụ có tất cả 11 người con cả trai cả gái. Trong đó, có nhiều người con của cụ là những doanh nhân nổi tiếng Việt Nam như: Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch HĐQT TPBank; Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank và Tổng Giám đốc Công ty CP Diana; Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; Ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty FTD; Bà Đỗ Xuân Mai, điều hành Công ty Green Global; Bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa...

Sau này, khi đã ở tuổi ngoài 80, cụ vẫn tiếp tục đi học tiếng Anh; học tiếng Trung ở tuổi 90. Cụ muốn mình là tấm gương đủ lớn cho con cháu noi theo, nương tựa. Đúng như ước nguyện của cụ, các cháu, chắt của cụ đã nối tiếp truyền thống gia đình và đều học hành thành đạt, làm doanh nhân khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người đang cùng thế hệ cha anh dẫn dắt doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Và còn rất nhiều những mầm non tài năng tương lai trong nhiều lĩnh vực đang được ươm trồng và dưỡng dục tại đại gia đình họ Đỗ.

Khi trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” (năm 2012) cho cụ Đỗ Thế Sử, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng - 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…”

Không chỉ được biết đến như giai thoại “Gà trống nuôi con thành tài”, cụ Đỗ Thế Sử còn ghi danh gia đình họ Đỗ bởi hình ảnh “Lão đại gia” và truyền thống đại gia đình doanh nhân “hổ phụ sinh hổ tử”. Đặc biệt, cụ còn là “cái bóng” không thể thiếu đứng sau sự thành công của rất nhiều người con doanh nhân.

Cụ Đỗ Thế Sử (bên trái) được Chủ tịch VCCI trao Kỷ niệm chương "Vì sự phát triển doanh nghiệp" khi ở tuổi 89 (ảnh tư liệu)

Cụ Đỗ Thế Sử (bên trái) được Chủ tịch VCCI trao Kỷ niệm chương "Vì sự phát triển doanh nghiệp" khi ở tuổi 89 (ảnh tư liệu)

Cụ luôn động viên các con, nền tảng của kinh doanh phải từ gene, khi các con cụ đã sẵn điều đó từ trong máu, chỉ cần khơi lên, tất yếu sẽ thành công. Cụ luôn cho rằng, gene kinh doanh của mình được di truyền từ mẹ-một người phụ nữ không được học hành nhưng thông minh, không biết chữ nhưng tính nhanh như cắt.

Để xây dựng một gia đình huyền thoại, điều cốt lõi cụ Sử để lại cho các con chính là chữ Tín-con chữ biểu hiện nhân cách người kinh doanh. Cụ vẫn dạy con rằng: “Dòng máu nhà mình là dòng máu kinh doanh và nó được lọc bằng chữ Tín”.

Với những điều cụ Sử đã làm suốt hơn nửa thế kỷ qua, có lẽ, nó không chỉ đơn thuần là “tề gia” như cụ nghĩ, mà sự dạy dỗ, bảo ban của cụ có ý nghĩa vô cùng lớn. Nhất là khi máu kinh doanh của gia đình đã tạo nên hàng loạt doanh nhân chân chính, góp phần quan trọng làm toàn diện kinh tế nước nhà và truyền tải nhiệt huyết cho bao con người đất Việt. Cụ Đỗ Thể Sử đã ghi vào sách đời như một tượng đài doanh nhân trăm tuổi đầy tài đức và nhân nghĩa lớn lao.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dang-sau-chien-tich-lay-lung-cua-cac-doanh-nhan-la-hinh-bong-mot-nguoi-cha-148086.html