Đằng sau chiến dịch chống tham nhũng tại Saudi Arabia

Thái tử kế vị Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã chỉ đạo một chiến dịch bắt giữ và điều tra hàng chục hoàng tử, tướng lĩnh, doanh nhân nhiều có ảnh hưởng và một số bộ trưởng trong chính phủ.

Với cuộc “thanh trừng” quy mô lớn, Thái tử Salman đã làm rung chuyển hệ thống cầm quyền đã tồn tại nhiều thập kỷ của Saudi Arabia. Giới phân tích đánh giá đây là hành động rất cứng rắn song đầy mạo hiểm.

Chống tham nhũng để củng cố quyền lực

Một trong số ba quan chức cấp cao cho biết, Hoàng tử Alwaleed bin Talal, cháu ruột của Quốc vương Saudi Arabia, chủ Cty đầu tư Kingdom Holding chuyên rót tiền vào các doanh nghiệp như Citigroup và Twitter, nằm trong danh sách 11 hoàng tử, 4 bộ trưởng và hàng chục cựu bộ trưởng bị câu lưu.

Hoàng tử Miteb bin Abdullah, chỉ huy trưởng Lực lượng Cảnh vệ Quốc gia, cũng là một trong số những nhân vật bị bắt giữ lần này. Các cáo buộc đối với Hoàng tử Alwaleed bao gồm tội rửa tiền, nhận hối lộ và bóp méo quyền lực; trong khi Hoàng tử Miteb bị tình nghi tham ô, thuê nhân công giả và cố tình trao các hợp đồng giá trị lớn cho những Cty mà ông sở hữu.

Một quan chức chính phủ có liên hệ với lực lượng an ninh nói rằng 11 hoàng tử và 38 nhân vật khác đã bị thẩm vấn. Văn phòng Tổng công tố Saudi Arabia không nêu chi tiết tên những người bị bắt giữ và điều tra, song nhấn mạnh "tất cả những người bị tình nghi đều có đủ quyền lợi và được đối xử như mọi công dân Saudi Arabia.

Tuyên bố này không nêu các chi tiết cụ thể về tiến trình điều tra song khẳng định chưa có phần tài sản nào bị phong tỏa và mọi đối tượng đều được xem là vô tội cho tới khi có các bằng chứng chứng minh.

Thông tin về các vụ bắt giữ và điều tra diễn ra sau khi Quốc vương Salman ngày 3-11 tuyên bố thành lập ủy ban chống tham nhũng với người đứng đầu là Thái tử Mohammed bin Salman, người con trai 32 tuổi được ông yêu mến.

Thái tử Mohammed bin Salman, người được chọn thay thế Thái tử bị phế truất Muhammad bin Nayef, đã từng bước củng cố quyền lực của mình và hiện đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực đưa nền kinh tế của quốc gia vùng Vịnh này vươn xa.

Ông hiện đang là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, và chịu trách nhiệm chính đối với các chính sách quân sự, đối ngoại, kinh tế và xã hội của Saudi Arabia. Chính điều này ngày càng khiến những người không hài lòng với sự “vụt sáng” nhanh chóng của Thái tử Salman thêm bất bình.

Ủy ban chống tham nhũng mới thành lập được trao quyền điều tra các vụ việc tình nghi, ra lệnh bắt hoặc cấm đi lại với các cá nhân cũng như thu hồi tài sản. Sắc lệnh của Quốc vương Salman có đoạn: “Đất nước không thể bền vững chừng nào tệ nạn tham nhũng chưa bị xử lý triệt để và những kẻ tham nhũng phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình.

Chính phủ Saudi Arabia nói rằng các vụ bắt giữ là một phần nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng tính minh bạch, trách nhiệm và năng lực quản lý của giới chức, những cải cách quan trọng cần thiết để thu hút đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ hơn và trấn an xã hội Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ qua liên tục bất bình vì tình trạng tham nhũng trong chính quyền và sử dụng sai nguồn ngân sách công.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích chiến dịch thanh trừng này không chỉ nhằm đối phó với nạn tham nhũng mà còn là để loại bỏ những nhân tố phản đối mục tiêu cải cách đầy tham vọng của Thái tử Salman, những mục tiêu được phần đông thanh niên Saudi Arabia hết sức ủng hộ nhưng lại không được lòng những thế hệ cao tuổi vốn ủng hộ truyền thống quyền lực dựa trên đồng thuận của hoàng gia.

Hãng tin AFP bình luận: “Chiến dịch thanh trừng này đánh dấu một cuộc tái cơ cấu chưa từng có tiền lệ tại Saudi Arabia khi Thái tử Mohammed một mặt phá bỏ mô hình cầm quyền dựa trên đồng thuận trong gia đình hoàng gia, mặt khác từng bước thâu tóm quyền lực”.

Cố vấn cấp cao John Hannah, hiện đang làm việc tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington, bình luận rằng, diễn biến này tại Saudi Arabia khá tương đồng với những gì diễn ra ở Trung Quốc trong thời gian gần đây khi Chủ tịch Tập Cận Bình dùng các cáo buộc tham nhũng làm "nền tảng để củng cố quyền lực và ảnh hưởng của mình”.

Ông Hannah cho rằng Thái tử Salman đã "tận dụng cuộc chiến chống tham nhũng để củng cố quyền lực và cải tổ chế độ theo hướng mà ông mong muốn" từng bước loại bỏ những nhân vật đối lập.

Các vụ bắt giữ bất ngờ này đã nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh của truyền thông thân chính phủ, ca ngợi đó là tín hiệu rõ ràng cho thấy Thái tử Salman đang hiện thực hóa lời hứa về cải cách đất nước, giảm dần sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ và tự do hóa nhiều khía cạnh của xã hội bảo thủ cực đoan này.

Việc nhiều hoàng tử và giới chức cấp cao bị bắt giữ là hành động phá vỡ truyền thống của gia đình hoàng gia Saudi Arabia, vốn luôn tìm cách che giấu những bất đồng và xung đột nội bộ để thể hiện sức mạnh và sự thống nhất trước nhiều phe phái và bộ tộc tại quốc gia này.

Diễn biến này cũng thể hiện rằng Thái tử Salman có được sự ủng hộ tuyệt đối của Quốc vương Salman trong việc tiến hành các cải cách chống tham nhũng trên quy mô lớn, nhằm vào cả các thành viên hoàng gia và giới kinh doanh nhiều quyền lực, bao lâu nay vẫn luôn nằm "ngoài vòng pháp luật”.

Thái tử Mohammed bin Salman. ẢNH TƯ LIỆU

Thái tử Salman mạo hiểm xóa bỏ "kim bài miễn tử"

Việc nhiều cái tên nổi bật trong giới doanh nghiệp bị câu lưu có thể sẽ tác động hết sức tiêu cực tới lòng tin của giới đầu tư, gây tổn hại tới các cải cách đầy tham vọng trong Tầm nhìn 2030 mà Thái tử Mohammed vạch ra.

Chỉ số chứng khoán của Saudi Arabia đã giảm nhẹ song sau đó lại tăng mạnh do một số nhà đầu tư dự đoán rằng những diễn biến trên chính trường này sẽ là nhân tố thúc đẩy cải cách trong dài hạn. Nhiều người dân thường Saudi Arabia đã rất hoan nghênh chiến dịch mà họ chờ đợi từ lâu này.

Giới chức Saudi Arabia cũng hoan nghênh chiến dịch này và xem đó là sáng kiến mạnh mẽ nhằm giải quyết tận gốc vấn nạn tham nhũng. Ông Madawi Al-Rasheed, tác giả nhiều cuốn sách về Saudi Arabia và là một trong những người có quan điểm phản đối giới cầm quyền tại quốc gia này, cho rằng dư luận chắc chắn sẽ rất hoan nghênh vụ bắt giữ những nhân vật cộm cán, nhất là trong bối cảnh giá dầu sụt giảm khiến nền kinh tế Saudi Arabia không khỏi chao đảo, song những diễn biến này càng làm gia tăng “e ngại và lo sợ”.

Hàng chục tác giả, trí thức và tăng lữ đã bị câu lưu do bị nghi là người chỉ trích Thái tử. Theo ông Al-Rasheed, những người bị bắt đầu tiên là những người “đơn giản chỉ không hoan nghênh những gì ông ấy làm khi bắt đầu chính thức trở thành Thái tử kế vị”.

Những người ủng hộ Thái tử Mohammed ca ngợi ông là “nhà cách mạng” khi ông thúc đẩy các cải cách xã hội và kinh tế để hiện đại hóa đất nước và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bớt lệ thuộc vào dầu mỏ.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông diễn ra sau hàng loạt động thái cương quyết như ban hành sắc lệnh cho phép phụ nữ tự lái xe (có hiệu lực vào tháng 6-2018 tới) và hạn chế quyền lực của lực lượng cảnh sát tôn giáo.

Những biện pháp mạnh tay của Thái tử Mohammed đã khiến giới doanh nghiệp cảm thấy bất an trong bối cảnh Saudi Arabia đang rất cần thu hút các nguồn đầu tư để đối phó với tình trạng giá dầu sụt giảm kéo dài.

Hãng nghiên cứu Capital Economics cho rằng những vụ bắt giữ, trong đó có cả GĐ kênh truyền hình vệ tinh MBC Waleed al-Ibrahim, ông trùm xây dựng Bakr Bin Laden và tỷ phú Saleh Kamal, có thể gây ra những tổn hại đối với nền kinh tế trong ngắn hạn bởi làn sóng phản đối nhằm vào các dự định của Thái tử, đe dọa động lực cải cách mà ông thúc đẩy.

Trong khi đó, tập đoàn tài chính Mirabaud Securities có trụ sở tại Geneva cảnh báo rằng cuộc thanh trừng lần này, liên lụy tới cả Hoàng tử Al-Waleed, người đã đầu tư hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp trên khắp thế giới, có thể khiến nhanh chóng gây xáo trộn và bất ổn trong khu vực tư nhân, và thậm chí càng kích động dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng cuộc thanh trừng này có thể làm bùng phát làn sóng phản đối, nhất là khi Thái tử Salman tìm cách củng cố quyền lực đối với lực lượng an ninh.

Theo bà Kinninmont, tại Saudi Arabia người ta có rất ít cách để thể hiện quan điểm trái chiều và chỉ trích công khai, bởi vậy, chắc chắn “những sự phản đối này sẽ diễn ra một cách âm thầm”.

Trong chính nội bộ gia đình hoàng gia Saudi Arabia cũng đang có những ý kiến trái chiều, giữa một bên là những người ủng hộ Thái tử và bên kia là những người cảm thấy lo ngại.

Một số thành viên hoàng tộc đang nắm giữ các vị trí trong chính quyền đã nhanh chóng thể hiện sự ủng hộ đối với chiến dịch thanh trừng. Một số khác, lo ngại về các diễn biến này, đã lặng lẽ tìm cách ra nước ngoài từ vài tháng trước.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng những vụ bắt giữ phát đi thông điệp rằng không ai có “kim bài miễn tử” và thoát khỏi tầm ngắm của Thái tử Salman.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/dang-sau-chien-dich-chong-tham-nhung-tai-saudi-arabia-106909.html