Đằng sau cái chết của Jamal Khashoggi

Saudi Arabia chính thức xác nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã thiệt mạng bởi một cuộc ẩu đả bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau tuyên bố này, những nghi ngờ xung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi càng lớn hơn liên quan tới âm mưu của các quốc gia đứng đằng sau, cũng như cuộc đời và những hoạt động phức tạp của nhà báo này.

Nghi án... nắm đấm?

Trong tuyên bố chính thức đầu tiên đưa ra cùng ngày, công tố viên của Saudi Arabia xác nhận, có một cuộc ẩu đả đã xảy ra giữa ông Khashoggi và những người đã gặp ông trong lãnh sự quán. Một tuyên bố trên truyền hình nhà nước Saudi Arabia cho biết, những cuộc trao đổi giữa nhà báo Jamal Khashoggi và các quan chức trong lãnh sự đã nhanh chóng trở thành đụng độ bạo lực dẫn tới việc nhà báo này tử vong. “Hiện, cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và 18 công dân Saudi Arabia đã bị bắt giữ”.

Sự thừa nhận của Saudi Arabia về cái chết của ông Khashoggi diễn ra khoảng 2 tuần sau khi các đồng minh phương Tây gia tăng sức ép, yêu cầu nước này đưa ra lời giải thích chính thức về vụ ông Khashoggi mất tích. Truyền thông nhà nước Saudi Arabia cho biết, Quốc vương Salman đã ra lệnh sa thải 5 quan chức cấp cao liên quan đến vụ việc, trong đó có cả Cố vấn của Tòa án Hoàng gia, ông Saud al-Qahtani, người được coi là cánh tay phải của Thái tử Mohammed bin Salman và ông Ahmed Asiri - Phó Giám đốc Cơ quan tình báo.

Theo giải thích của Saudi Arabia, các cuộc trao đổi giữa Khashoggi và những người tiếp ông khi ông đến lãnh sự quán đã dẫn đến tranh cãi và ẩu đả. Những người chịu trách nhiệm sau đó đã tìm cách bưng bít cái chết của nhà báo này. Phía Saudi Arabia cũng khẳng định, một ủy ban do Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu sẽ tái cơ cấu lãnh đạo của cơ quan tình báo nước này và có 1 tháng để công bố rõ ràng về vụ việc. Ủy ban này sẽ gồm các quan chức an ninh, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Saudi Arabia cùng phối hợp hành động.

Hình ảnh một nghi phạm liên quan được chụp lại. Ảnh: Eyes on Europe & Middle East.

Diễn biến liên quan tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi ngày càng phức tạp. Nguyên nhân dường như do các bên có liên quan đều tìm cách bưng bít thông tin ở các mức độ khác nhau. Saudi Arabia trước khi thừa nhận ông Khashoggi thiệt mạng tại lãnh sự quán nước này đã phải mất gần 2 tuần mới để cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ vào Lãnh sự quán Saudi Arabia, nơi nhà báo Khashoggi biến mất và nghi bị tra tấn, sát hại. Họ đã khiến các điều tra viên chờ thêm một ngày nữa mới cho vào Lãnh sự Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc không có cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận cùng với việc giới chức cấp cao Saudi Arabia không giải thích chuyện gì xảy ra đã khiến dư luận thêm nghi ngờ rằng có một vụ ám sát, phân thây do cấp cao nhất ra lệnh. Và dấu hiệu quan trọng nhất của một âm mưu bưng bít thông tin là việc từ chối cho tiếp cận hiện trường.

Trong khi đó, với Thổ Nhĩ Kỳ, việc nước này cố ý rò rỉ dần dần bằng chứng với báo chí cho thấy nước này dường như cũng có tính toán riêng. Điều giới chức Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm là sử dụng thông tin họ có để gây áp lực với Saudi Arabia và khiến Mỹ phải vào cuộc. Hộ chiếu, hình ảnh máy quay giám sát, đoạn ghi âm, các cuộc gọi điện... có thể đã nằm trong tay cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài giờ xảy ra vụ việc.

Tuy nhiên, các bằng chứng này không được giữ lại để sau này công bố một cách toàn diện, công khai. Các bằng chứng cũng không được đưa ra để giải thích về sự biến mất của ông Khashoggi. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã rò rỉ thông tin cho báo chí và các đối tác nước ngoài. Theo tờ Daily Beast, những thông tin rò rỉ từ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy có một âm mưu bưng bít còn lớn hơn nhiều.

Nước liên quan tiếp theo là Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bay tới Saudi Arabia để bàn vụ nhà báo mất tích với Thái tử Mohammad bin Salman. Theo CNN, tình tiết kỳ lạ là Tổng thống Donald Trump gọi điện cho Thái tử Salman trong khi ông Pompeo ở đó có thể truyền đạt lại lời bác bỏ liên quan của phía Saudi Arabia. Rõ ràng, vụ Khashoggi ở góc độ nào thì cũng là một “cú sốc” cho các bên với những tính toán vụng về.

Thế lực nào “chống lưng”?

Nhìn vào thực tế thấy rõ, Saudi Arabia là nước có ngân sách quân sự cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng cuộc chiến khốc liệt ở Yemen mà Saudi Arabia tiến hành nhắm vào phe nổi dậy Hồi giáo hệ Shia vốn đã rệu rã, nay bước sang năm thứ tư mà Riyadh vẫn chưa có cơ hội chiến thắng. Vụ Thủ tướng Liban Saad Hariri bị bắt cóc ở Riyadh cũng chỉ được giải quyết nhờ sự can thiệp của Tổng thống Pháp. Rõ ràng, leo thang khiến Saudi Arabia mất nhiều hơn được.

Trong khi đó, vụ Khashoggi lại chính là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ “lật ngược tình thế” khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan coi đây là một cơ hội hoàn hảo. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với một thảm họa kinh tế rộng lớn vào thời điểm mà mối quan hệ của nước này với Mỹ, Saudi Arabia và hầu hết các nguồn trợ giúp tiềm năng khác đều đang gặp khủng hoảng.

Ngoài việc dự tính về một “cơn địa chấn” nợ nần, ông Erdogan cũng đã nhìn thấy khát vọng biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc khu vực lớn bị xói mòn bởi một loạt diễn biến ở Trung Đông. Vụ mưu sát Khashoggi ở Istanbul bất ngờ tạo ra một cơ hội xoay chuyển tình thế, hoặc ít nhất cũng giảm bớt sự tồi tệ của cuộc khủng hoảng.

Một thắng lợi trực diện đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ là việc Saudi Arabia có thể chấp nhận yêu cầu của Tổng thống Erdogan về việc ngừng ủng hộ các phiến quân người Kurd tại Syria mà Ankara xem là những kẻ khủng bố - một hành động có thể củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Syria thời hậu chiến giữa Ankara, Moscow và Tehran.

Saudi Arabia cũng có thể sẽ có những hỗ trợ về mặt kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ sau sự kiện này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đang toan tính một sự mạo hiểm lớn hơn.

Cuộc đời phức tạp của nhà báo Khashoggi

Vậy Khashoggi là ai mà lại được nhiều quốc gia có tiềm lực quan tâm tới như vậy? Hãy cùng nhìn vào bài báo cuối cùng của Khashoggi cũng như cuộc đời và những mối quan hệ phức tạp của nhà báo nổi tiếng này sẽ thấy tầm ảnh hưởng.

Hôm 17-10 báo The Washington Post công bố bài báo được cho là cuối của nhà báo Jamal Khashoggi, trong đó ông cảnh báo rằng các chính phủ ở Trung Đông "được quyền tự do kiểm soát để tiếp tục bịt miệng truyền thông ở mức độ ngày một tăng".

Trong mục ý kiến toàn cầu của The Washington Post, biên tập viên Karen Attiah nói bà đã nhận được bài viết này từ phiên dịch và là trợ lý của Khashoggi một ngày trước khi ông được thông báo mất tích. Khashoggi bắt đầu viết cho mục ý kiến toàn cầu từ tháng 9-2017, những bài viết của ông thường chỉ trích Thái tử và sự điều hành của Quốc vương Saudi Arabia.

Jamal Khashoggi (người cầm súng B40, đứng giữa) từng phỏng vấn và thuyết phục bin Laden từ bỏ các hoạt động bạo lực nhưng bất thành. Ảnh: The Arab Weekly.

Trong bài viết với tiêu đề “Điều thế giới Arab cần nhất là quyền tự do bày tỏ ý kiến", Khashoggi đã thuật lại việc cầm tù một nhà văn nổi tiếng, người đã phát biểu chống lại Chính phủ Saudi Arabia và viện dẫn một vụ việc, trong đó chính quyền Ai Cập chiếm quyền kiểm soát một tờ báo.

Trong bài báo này, Khashoggi cũng đề cập đến thực tế các chính phủ ở khu vực Trung Đông ngăn cản việc tiếp cận internet để kiểm soát chặt chẽ thông tin mà công dân của họ có thể tiếp cận.

Attiah nói rõ báo The Washington Post ban đầu xuất bản bài viết này với hy vọng Khashoggi trở lại. Nhưng, bà viết, “Bây giờ tôi phải chấp nhận: Điều đó sẽ không xảy ra".

Vậy nhà báo Jamal Khashoggi là ai lại biết nhiều thông tin và có ảnh hưởng lớn như vậy? Tuần báo The Arab Weekly cho biết, nhà báo Jamal Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia và sinh sống tại Mỹ, bị mất tích từ ngày 2-10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ The Arab Weekly dẫn bài viết của Lawrence Wright, tác giả cuốn sách có tựa đề “The Looming Tower: Al-Qaeda and the Road to 11-9”, có lẽ không thể tưởng tượng được rằng một trong những nhân vật mà ông đề cập trong cuốn sách này lại đang là tâm điểm của những tranh cãi chính trị và ngoại giao hiện nay, thậm chí không hề “kém cạnh” so với nhân vật chính Osama bin Laden trong cuốn sách của ông.

Nhà báo Jamal Khashoggi sinh ngày 13-10-1958 là một nhà báo nổi tiếng người Saudi Arabia và là cựu Tổng Giám đốc và Tổng Biên tập của Al-Arab News Channel. Ông từng đóng góp một số bài viết cho tờ báo nổi tiếng của Mỹ là The Washington Post. Sự nghiệp làm báo của Jamal Khashoggi là một câu chuyện dài và phức tạp. Ông đi từ một phóng viên từng phỏng vấn Osama bin Laden thời trẻ vào những năm 1980 và dần trở thành nhà báo hàng đầu tại Saudi Arabia nhưng cuối cùng phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Khashoggi bắt đầu sự nghiệp báo chí khi gắn bó với tờ Saudi Gazette và sau đó là tờ Okaz từ năm 1985 đến 1987. Ông tiếp tục gắn bó với vai trò phóng viên cho các tờ báo Arab bao gồm Al Sharq Al Awsat, Al Majalla và Al Muslimoon từ những năm 1987 đến 1990.

Ông Khashoggi cũng từng nắm giữ chức Tổng Biên tập tại nhiều tờ báo như Al Watan. Tuy nhiên, Khashoggi bị sa thải khỏi vị trí này vào năm 2003. Năm 2007, ông trở lại với chức vụ này nhưng lại buộc phải từ chức vào năm 2010. Tờ Al Watan thông báo rằng, Khashoggi đã từ chức Tổng Biên tập "để tập trung giải quyết các vấn đề cá nhân".

Theo nhiều nguồn tin, ông buộc phải từ chức do các quan chức Saudi Arabia không hài lòng với các bài báo được công bố trên tờ báo chỉ trích các quy tắc Hồi giáo khắc nghiệt của vương quốc. Khashoggi cũng từng là cố vấn cho các quan chức cấp cao của Chính phủ Saudi Arabia, từng làm việc cho các hãng tin tức hàng đầu trong nước và được coi là rất thân thiết với giới cầm quyền ở Riyadh.

Nhưng kể từ năm 2017, mối quan hệ giữa Khashoggi và chính quyền Saudi Arabia dần xấu đi. Khashoggi phản bác các chính sách gây tranh cãi của Thái tử Mohammed bin Salman khi vị Thái tử đang cố gắng củng cố quyền lực của mình, bao gồm cả việc bắt giữ các nhà tài phiệt quyền lực và thậm chí là các thành viên hoàng gia.

Gia đình Hoàng gia Saudi Arabia cũng ra lệnh cấm xuất bản các bài viết của Khashoggi và cấm ông xuất hiện trên truyền hình sau khi ông có những bài viết chỉ trích Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Bất đồng lên cao đến nỗi Khashoggi quyết định rời đất nước để tới Mỹ.

Sang Mỹ, ông bắt đầu viết cho tờ Washington Post vào tháng 9-2017, có những bài viết chỉ trích chính quyền và Thái tử Saudi Arabia gay gắt. Trong đó, ông chỉ trích cuộc phong tỏa của Saudi Arabia chống lại Qatar, tranh chấp với Lebanon và Canada. Tuy vậy, Nhà báo Khashoggi vẫn ủng hộ một số cải cách của Thái tử Mohammed bin Salman như cho phép phụ nữ lái xe, mở rạp chiếu phim...

Quãng thời gian với trùm khủng bố Osama bin Laden

Jamal Khashoggi còn kết bạn cả với trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden trong những năm 1980 và từng nhiều lần phỏng vấn Bin Laden. Ông này thường gặp Bin Laden ở Tora Bora và một lần nữa ở Sudan vào năm 1995. Trong thời gian này, ông làm việc cho tình báo Saudi Arabia và nhiều lần cố gắng thuyết phục Bin Laden làm hòa với gia đình hoàng gia Saudi Arabia.

Được biết, Khashoggi đã từng thuyết phục Osama Bin Laden từ bỏ các hoạt động bạo lực nhưng bất thành. Sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 tại Mỹ, Khashoggi tự cách ly với Bin Laden.

Sau khi rời Saudi Arabia, Khashoggi được cấp thẻ xanh cư trú của Mỹ nhưng chưa được cấp quyền công dân. Trong những tháng trước khi qua đời, Khashoggi tâm sự với các đồng nghiệp rằng, ông cảm thấy lo sợ cho tính mạng của mình. Một chuyên gia Arab chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới những phần tử thánh chiến yêu cầu giấu tên cho biết: “Jamal Khashoggi chỉ là một phần của “trò chơi” do CIA điều khiển từ đầu đến cuối”.

Nguồn tin này tiết lộ: “Jamal Khashoggi từ đầu tới cuối rốt cuộc là một nhân viên tình báo đội lốt nhà báo. Chứ không phải chỉ làm tình báo một thời gian. Nếu ông ấy không còn sống, ông ấy chính là nạn nhân của một trò chơi nơi mà các cơ quan báo chí và tình báo luôn có “sự hòa nhập lẫn nhau” và điều mà ông ta không bao giờ có thể tưởng tượng được, sẽ có ngày nó lại làm hại chính mình”.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/dang-sau-cai-chet-cua-jamal-khashoggi-516547/