Đằng sau các cuộc tập trận của Ấn Độ

Ấn Độ đang có xu hướng đẩy mạnh 'ngoại giao quốc phòng' bằng các hoạt động diễn tập quân sự, thể hiện chiến lược đa dạng hóa hợp tác với tất cả các nước có lợi ích ở khu vực Nam Á, Ấn Độ Dương và xa hơn. Tần suất cũng như quy mô ngày càng tăng của các hoạt động này cho thấy chính sách của Ấn Độ là một cách 'lợi cả đôi đường', vừa tăng cường vị thế chính trị-quân sự, vừa xây dựng lòng tin với các nước trong khu vực.

Chỉ một tuần sau khi cuộc tập trận “Tiger Triumph” với Mỹ kết thúc, Ấn Độ tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tiến hành một loạt cuộc diễn tập quân sự khác với các đối tác chiến lược, đặc biệt với các nước láng giềng. Trong giai đoạn từ tháng 12-2019 đến 2-2020, Ấn Độ dự kiến thực hiện một loạt hoạt động quân sự lớn chưa từng có, bao gồm cuộc tập trận “Indra 2019” với Nga. Đây là cuộc tập trận 3 lực lượng hải, lục, không quân, có quy mô lớn và yêu cầu phức tạp.

“Indra” và “Tiger Triumph” là hai hoạt động diễn tập với nước ngoài mà Ấn Độ triển khai cả 3 lực lượng, tuy nhiên diễn tập “Tiger Triumph” chung với Mỹ chỉ xoay quanh các hạng mục cứu trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong khi đó, “Indra” có mục đích chính là huấn luyện tác chiến, với sự tham gia của các đơn vị đặc nhiệm, tăng-thiết giáp, không quân. Ngoài “Indra” và “Tiger Triumph” là những hoạt động diễn tập 3 lực lượng, các lực lượng riêng biệt của quân đội nước này đã tiến hành hàng chục cuộc diễn tập với các nước khác chỉ trong 3 năm trở lại đây.

 Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc trong cuộc tập trận “Hand in Hand” năm 2018 tại Thành Đô (Trung Quốc). Ảnh: tribuneindia.com.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc trong cuộc tập trận “Hand in Hand” năm 2018 tại Thành Đô (Trung Quốc). Ảnh: tribuneindia.com.

Gần như đồng thời với “Indra-2019”, Ấn Độ cũng tham gia vào cuộc diễn tập chống khủng bố “Hand in Hand” (Tay trong tay) với Trung Quốc. Ngoài ra, liền sau đó là các cuộc diễn tập với Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar, đều là những nước láng giềng với Ấn Độ ở khu vực vịnh Bengal, Đông Ấn Độ Dương.

Diễn tập quân sự, cũng như nhiều hoạt động củng cố hợp tác quốc phòng khác, như cử tàu hải quân đến thăm, đối thoại, cung cấp tín dụng… được New Delhi tích cực triển khai và ngày càng có xu hướng mở rộng về phía Đông, tới Thái Bình Dương. Quân đội và lực lượng Gìn giữ hòa bình Ấn Độ đồng tổ chức nhiều cuộc diễn tập với các nước Đông Nam Á và xa hơn là tới Hàn Quốc, Nhật Bản, quần đảo Hawaii.

Ấn Độ hiện là nước duy nhất đã tham gia tập trận song phương với cả 5 quốc gia thường trực trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Về đối ngoại, lực lượng quân sự quy mô của nước này là một công cụ chính trị quan trọng của New Delhi kể từ khi giành được độc lập khỏi Anh năm 1947.

Hiện nay, với việc nằm sát những “điểm nóng” xung đột, như vùng Vịnh, Afghanistan, cùng sự cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ đang ở vào tình thế bắt buộc phải đóng vai trò lớn hơn về quân sự để duy trì chính sách “không liên kết” của mình.

Mặc dù tình hình quốc tế hiện tại có xu hướng “thêm bạn, bớt thù”, nhưng với Ấn Độ, những tranh chấp với các nước láng giềng vẫn hiện hữu và còn kéo dài, điển hình là với Pakistan và Trung Quốc. Việc tăng cường tập trận với các nước và hợp tác quân sự dựa trên nguyên tắc không nhằm vào nước khác là cách thức giúp thể hiện sức mạnh quân sự, giúp New Delhi ghi dấu ấn đậm nét hơn về mặt ngoại giao.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của chính phủ Ấn Độ cho biết, Ấn Độ cũng như các nước trong khu vực đều đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, phiến quân và nạn cướp biển. Do đó, hoạt động tập trận song phương giúp tăng cường khả năng phối hợp hoạt động, hợp tác chiến lược và xây dựng lòng tin giữa các nước.

Về xây dựng lòng tin, cuộc tập trận “Hand in Hand” Ấn Độ-Trung Quốc sắp tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ song phương, vốn có tranh chấp biên giới kể từ khi hai nước mới thành lập. Năm 2017, hai nước đã trải qua 72 ngày căng thẳng tại cao nguyên Doklam trên dãy Himalaya, dẫn đến tạm ngừng tập trận “Hand in Hand” vào năm đó. Sự nối lại của hoạt động này là một tín hiệu tích cực về việc hai nước gác lại bất đồng, ưu tiên xây dựng hòa bình, ổn định ở khu vực.

Thời gian tới, không chỉ dừng lại ở tập trận song phương, New Delhi còn tiến tới làm “chủ nhà” cho các hoạt động hợp tác quân sự đa phương quy mô lớn. Ngày 28-11 vừa qua, giới chức Ấn Độ xác nhận cuộc tập trận hải quân “MILAN”, diễn ra vào tháng 3-2020 tới sẽ có hơn một chục tàu chiến nước ngoài và 20 đoàn quan sát viên các nước tham dự.

Đây sẽ là hoạt động tập trận đa phương lớn nhất mà Ấn Độ đứng ra tổ chức, có tính quốc tế và quy mô các nước tham dự gần ngang bằng với RIMPAC, cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới của Mỹ. Động thái này sẽ góp phần cho thấy Ấn Độ có thể đóng vai trò “đầu tàu” về hợp tác quân sự trên trường quốc tế.

MINH TRÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dang-sau-cac-cuoc-tap-tran-cua-an-do-603974