Đằng sau các chỉ tiêu và việc đạt chỉ tiêu

Nếu chỉ tính đến thành tích đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao, trong khá nhiều trường hợp điều này không có ý nghĩa lắm.

Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm 2018. Ảnh: THÀNH HOA

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ sáng 30-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá kinh tế vĩ mô ổn định, kinh tế - xã hội tháng 8 tốt hơn tháng 7, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2018 tăng 0,45% so với tháng trước. CPI bình quân tám tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Thủ tướng nhận định rằng 12/12 chỉ tiêu trong năm 2018 được Quốc hội giao đều có thể đạt hoặc vượt.

Trên thực tế, rất ít năm Chính phủ không đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Thường thì khoảng sáu tháng cuối năm hoặc quí 4, Chính phủ cố gắng phấn đấu nốt những chỉ tiêu rủi ro chưa đạt mức Quốc hội giao. Năm nay, Chính phủ có những quyết định căn cơ hơn, không chỉ cho mấy tháng cuối năm mà cho cả năm 2019. Chẳng hạn, Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm 2018. Hay mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thuế báo cáo về việc xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Đây là những hành động đúng đắn và quan trọng, vừa ổn định về giá cả vừa đảm bảo về tăng trưởng.

Bởi lẽ, năng lượng gần như là một sản phẩm độc quyền, việc tăng giá năng lượng khiến chi phí trung gian của hầu hết các ngành tăng lên, khiến giá sản xuất của nền kinh tế tăng lên. Đến chu kỳ sản xuất sau, khi nền kinh tế sử dụng đầu vào tăng giá, thì chi phí trung gian tiếp tục tăng, khiến tổng giá trị tăng thêm và GDP giảm. Hơn nữa, khi nhìn vào năng suất lao động của nền kinh tế và các ngành kinh tế, có một điều khiến người ta không khỏi băn khoăn, đó là năng suất lao động của ngành điện cao hơn năng suất lao động bình quân của nền kinh tế khoảng gần 20 lần. Điều này chỉ có thể lý giải mỗi lần tăng giá điện đều đi vào giá trị gia tăng của ngành này, hoặc vào thu nhập của người lao động, hoặc vào thặng dư, mặc dù ngành điện mỗi lần tăng giá đều lấy lý do bù lỗ?!

Nhưng thực ra, nếu chỉ tính đến thành tích đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao, trong khá nhiều trường hợp điều này không có ý nghĩa lắm. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP trong một số năm gần đây phụ thuộc vào tăng trưởng của nhóm ngành chế biến, chế tạo. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tám tháng đầu năm 2018, những nhóm sản phẩm tăng trưởng cao nhất gồm sắt, thép thô (tăng 37,6%); linh kiện điện thoại (tăng 36,6%); alumin (tăng 25,2%), ti vi (tăng 22%)... Đây là những sản phẩm mà phía Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị chỉ là phần gia công, lắp ráp; tăng trưởng về giá trị sản xuất thực ra không liên quan gì đến tăng trưởng giá trị tăng thêm, tuy trong nhiều năm nay tăng trưởng về giá trị sản xuất và tăng trưởng về giá trị tăng thêm gần tương đương nhau, thậm chí có những năm tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm bằng nhau. Những số liệu kiểu như vậy thực ra không phản ánh thực sự về tăng trưởng.

Hay về việc thu, chi ngân sách. Mặc dù tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-8-2018 ước tính đạt 814.200 tỉ đồng, bằng 61,7% dự toán năm, nhưng chi ngân sách cũng đạt 820.200 tỉ đồng, trong đó chi thường xuyên cũng đạt 70% tổng chi. Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 trên trang web của Bộ Tài chính, chi thường xuyên năm 2018 chiếm 72% tổng chi ngân sách và bội chi tính theo phương pháp mới (không bao gồm trả nợ gốc) so với GDP (giả thiết GDP tăng trưởng 6,8%) là 3,7%. Nhưng nếu tính theo phương pháp cũ trước đây (bao gồm cả trả nợ gốc) thì tỷ lệ bội chi so với GDP là 6,6%. Mặc dù phương pháp mới là đúng với chuẩn mực quốc tế nhưng khi Quốc hội đưa ra tỷ lệ bội chi so với GDP là đang trong lúc tính tỷ lệ này theo phương pháp cũ.

Bên cạnh đó, cơ cấu thu ngân sách cho thấy tổng thu ngân sách của khu vực FDI chiếm 18% trong tổng thu ngân sách của các khu vực kinh tế, nhưng về bản chất trong thu từ khu vực FDI thì chỉ có thuế thu nhập doanh nghiệp mới thực sự là thu của các doanh nghiệp FDI đóng góp. Các khoản thuế gián thu như thuế đất, thuế môi trường, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… là người tiêu dùng Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua việc sử dụng sản phẩm của khu vực FDI, nên không thể tính “công” cho khu vực FDI. Như vậy, về bản chất, khu vực FDI chỉ chiếm khoảng 5% tổng thu ngân sách, thấp hơn thuế thu nhập cá nhân (8%).

Mạc Bùi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278082/dang-sau-cac-chi-tieu-va-viec-dat-chi-tieu.html