Đằng sau bất ổn chính trị ở Malaysia

Với việc từ chức của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, giới quan sát dự đoán đây sẽ là chương mới trong quan hệ đầy 'sóng gió' giữa chính trị gia 95 tuổi và nhân vật từng là đồng minh lẫn đối thủ trong nhiều thập kỷ- Anwar Ibrahim.

Thủ tướng Mahathir (phải) có mối quan hệ trúc trắc với ông Anwar. Ảnh: Free Malaysia Today

Quốc vương Abdullah Sultan Ahmad hôm 24-2 đã chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Mahathir, đồng thời chỉ định chính khách kỳ cựu này tiếp tục vai trò thủ tướng tạm quyền đến khi quốc gia Đông Nam Á có thủ tướng mới.

Thông báo từ chức được đưa ra trong bối cảnh ông Mahathir và lực lượng ủng hộ đứng trước áp lực ấn định ngày chuyển giao quyền lực cho cựu Phó Thủ tướng Anwar vào tháng 11 tới như đã hứa.

Liên minh các tổ chức xã hội dân sự Malaysia mô tả diễn biến trên chính trường hiện nay là “sự phản bội” cử tri và làm gián đoạn tiến trình cải cách quốc gia. Năm 2018, ông Mahathir ra tranh cử trong bối cảnh phe đối lập với nòng cốt là đảng Công lý của Nhân dân (PKR) đang yếu thế còn lãnh đạo của họ Anwar vốn được xem là đối thủ đáng gờm nhất của Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak lại đang ngồi tù do cáo buộc quan hệ tình dục đồng giới. Với tuyên bố không ngại “gác lại quá khứ” để hợp sức đánh bại Thủ tướng Najib, ông Mahathir sau đó đắc cử và cam kết làm mọi cách để ông Anwar sau khi được thả sẽ có được lệnh ân xá từ Hoàng gia Malaysia để tham gia chính trị, mở đường cho việc kế nhiệm ông trong hai năm tiếp theo.

Sự ủng hộ của ông Mahathir đối với ông Anwar khiến nhiều người bất ngờ bởi quan hệ hai bên từng chuyển từ bạn thành thù rồi trở lại là đồng minh. Trong quá khứ, ông Anwar từng được Thủ tướng Mahathir (giai đoạn 1981-2003) cất nhắc vào vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Song, ông cũng bị chính cấp trên sa thải, sau đó bị bỏ tù vì các cáo buộc tham nhũng và quan hệ tình dục đồng tính mà ông nói là “dàn dựng vì động cơ chính trị”. Dưới thời Thủ tướng Najib, ông Anwar bị bắt bỏ tù lần hai vào năm 2015 sau cáo buộc quan hệ bất chính với một trợ lý nam mà ông khẳng định là âm mưu nhằm ngăn ông trở lại chính trường.

Đến năm 2016, Mahathir gặp lại Anwar lần đầu sau 18 năm khi ông Mahathir thành lập đảng mới Bersatu nhằm đánh bại Thủ tướng Najib và đảng UMNO – chính đảng lớn trong liên minh cầm quyền Mặt trận Quốc gia (BN). Hai bên gác lại cạnh tranh khi ông Mahathir bắt tay với PKR lúc bấy giờ do vợ ông Anwar dẫn dắt. Đây cũng là tiền đề làm nên chiến thắng lịch sử năm 2018, chấm dứt 60 năm cầm quyền của BN. Nhưng thay vì nhường ghế như đã hứa, các nguồn tin cho biết đảng của ông Mahathir và một số nhân vật trong PKR phát tín hiệu ủng hộ chính trị gia 95 tuổi tiếp tục nắm quyền.

Tuy Thủ tướng Mahathir không đưa ra lý do từ chức, giới quan sát cho biết nguồn cơn có thể xuất phát từ căng thẳng kéo dài trong liên minh cầm quyền cũng như mối quan hệ đối tác khó có thể xảy ra với ông Anwar.

Hôm qua, Quốc vương Malaysia bắt đầu tổ chức tham vấn riêng rẽ tất cả 221 thành viên Hạ viện nước này, trừ Thủ tướng tạm quyền Mahathir, để xác định nghị sĩ nào nhận được đủ sự ủng hộ để có thể trở thành tân thủ tướng.

Theo dự báo của giới phân tích, trong trường hợp không ai được đa số nghị sĩ ủng hộ, Quốc vương sẽ kêu gọi tiến hành bầu cử sớm. Nhiều người cho rằng ông Mahathir hiện đang ở vị thế mạnh hơn so với năm 2018 khi nhiều thành viên Hạ viện và nội các ủng hộ ông tiếp tục dẫn dắt Malaysia.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dang-sau-bat-on-chinh-tri-o-malaysia-a118592.html