Dâng sao, hạn đâu có được giải

Người dân ngang qua cầu vượt Ngã Tư Sở những ngày đầu năm luôn chứng kiến cảnh tắc nghẽn, do nghìn người tràn ra đường vây kín tổ đình Phúc Khánh dâng sao giải hạn. Dù các nhà nghiên cứu và chuyên gia lên tiếng về tục dâng sao giải hạn sai lầm hiện nay, nhưng sự cuồng tín của người dân không hề giảm.

Biển người đi lễ cầu an đầu năm mới ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tuấn

Biển người đi lễ cầu an đầu năm mới ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tính tiền như siêu thị

Tổ đình Phúc Khánh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội là một trong những nơi có hàng nghìn người đăng ký dâng sao giải hạn mỗi năm. Tối mùng 8 tháng Giêng, lực lượng an ninh và chính quyền địa phương góp sức giữ gìn trật tự cho biển người vây quanh khu vực hành lễ.

Tối mồng 8 là khóa lễ dành cho người có sao La Hầu chiếu mạng. Sáng mồng 8, nhà chùa làm lễ Thượng Nguyên. Chỉ cần bước vào sân, khách thập phương thấy tấm biển to in rõ ràng ngày giờ các khóa lễ: 7h tối 14 tháng Giêng là đại lễ cầu an cả năm cho mọi gia đình. 7h tối rằm tháng Giêng có khóa lễ sao Thái Bạch, lễ sao Kế Đô tối 18 tháng Giêng.

Một nhà nghiên cứu phong thủy ngao ngán khi nói về nhu cầu dâng sao giải hạn: người dân thì cuồng tín, nhà chùa bị cuốn vào “chuyện làm ăn”. Trên nhiều chiếc cột tổ đình Phúc Khánh đều dán bảng tính sao năm Đinh Dậu từ trẻ sơ sinh tới cụ 90 in to rõ ràng các thông số năm sinh âm lịch, dương lịch, tuổi và sao chiếu mạng cho nam, nữ. Các sao được xem là điềm lành, ít gây tai ách như Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hán không in đậm, riêng các sao theo quan niệm vận hạn La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô được in các màu hồng, xanh lá cây, xanh da trời. Khoảng gần chục chiếc bàn là nơi dành cho khách đến đăng ký lễ sao.

Mỗi bàn phát phiếu đăng ký lễ cầu an và lễ sao đều có người chấp tác, vừa canh sổ công đức và đưa tờ đăng ký. Phiếu này giống hóa đơn bán lẻ hàng hóa ở nhiều cửa hàng trong đó ghi tên tín chủ, tuổi và ba sao hạn La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô, các sao còn lại không cần ghi. Chiều muộn 5/2, chị Nguyễn Thị Thắm (Tây Sơn, Đống Đa) hỏi bà vãi liệu đăng ký còn kịp không, bà này trấn an “thoải mái”. Bà nói thêm nhà chùa Phúc Khánh tháng nào cũng dâng sớ giải hạn, nên các tín chủ có lỡ các khóa giải hạn tháng Giêng cũng không sao. Đăng ký xong khách xếp hàng trong nhà Tổ, cạnh gian thờ là dãy bàn tính tiền sao. Người thu tiền đếm số người và tính tiền, mỗi người 150 nghìn đồng. Chưa kể nếu kèm thêm cầu an giá 150 nghìn đồng/nhà. Giá dâng sao ở đây thuộc loại cao nhất Hà Nội, bởi chùa Quán Sứ tính gọn 500 nghìn đồng/nhà, có những ngôi chùa ít nổi tiếng hơn chỉ lấy 300-400 nghìn đồng/nhà.

Dâng sao ở chùa là sai lầm

“Dâng sao giải hạn chả dính gì đến nhà chùa, nó thuộc về chiêm tinh học phải đi liền với đền, quán. Đi lên chùa dâng sao giải hạn thì chẳng ăn cái giải gì đâu”, PGS.TS Trần Lâm Biền nói. Ông cho rằng hiện nay xã hội lao theo dâng sao giải hạn tràn lan trên chùa là bởi họ không hiểu đúng tinh thần Phật giáo. “Bản chất của đạo Phật là vô thần, từ bi, thoát tục, diệt dục. Giáo lý nhà Phật hướng con người ta giải thoát bằng trí tuệ “không có chuyện xúi con người ta hối lộ thần linh để cầu an lành”. Tuy vậy có thực tế là khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam có sự nhượng bộ nhất định với tập tục người Việt, theo đó phải đảm đương thêm chức năng từ thuật chiêm tinh, bói quẻ cho đến thuật phù thủy, giải hạn là một chức năng.

Hỏi chị Nguyễn Thu Hà (quận Đống Đa) biết Phúc Khánh đông đúc sao vẫn đăng ký dâng sao giải hạn, chị đáp theo thói quen năm nào cũng đăng ký ở đó, nếu ra lễ được thì tốt, còn không thì thôi “đã có nhà chùa lo”. Chị Lê Thị Nhung (Cầu Giấy) dù thích tìm hiểu về đạo Phật, biết rõ giáo lý nhà Phật không có dâng sao giải hạn nhưng chẳng năm nào quên giải hạn cho gia đình, kể cả cô con gái 5 tuổi. “Cả xã hội theo chẳng lẽ mình không theo, nhưng tôi không chen vào mấy nơi đông đúc, chỉ lễ ngay chùa gần nhà”, chị nói. Muốn giải hạn đúng cách phải tìm tới thầy phong thủy, còn dâng sao tại gia thì sao? “Nếu làm ở nhà thì được quá đi chứ, bởi chẳng gì hơn tâm thành”, PGS.TS Trần Lâm Biền nói. Ông vẫn nhấn mạnh nếu nhà chùa muốn làm tốt giải hạn sao phải bỏ hết tượng phật và bồ tát và thay bằng tượng phù thủy, đạo sĩ mới được.

Một nhà nghiên cứu nhấn mạnh “không có chuyện dâng sao giải hạn để tránh tội lỗi, bởi tạo nhân nào phải nhận lấy quả tương ứng. Nhà Phật lấy trí tuệ, thiện tâm để dẫn đến điều lành, chả cần dâng sao giải hạn”. “Dâng sao giải hạn không phải tín ngưỡng, tôn giáo, nó thuộc về mê tín dị đoan, là hành động, nghi thức gắn với đạo giáo”, PGS Biền nói. Nói thêm về tình trạng các chùa “làm dịch vụ” dâng sao giải hạn, ông cho rằng đó là cách làm kinh tế nơi cửa chùa, “biến cửa chùa thành cửa hàng, doanh nghiệp”. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính nhu cầu giải hạn, cầu xin của người dân bùng nổ dẫn tới tập tục như giải hạn thành mức tệ đoan, cuồng tín.

Một chuyên gia phong thủy khi tỏ quan điểm không ủng hộ việc dâng sao giải hạn trên chùa tràn lan, ông bày cách cho người dân có thể tự dâng sao giải hạn tại nhà: Hằng tháng vào đúng ngày sao chiếu mạng giáng trần chuẩn bị đèn (nến), bày mâm lễ hương hoa theo đúng hướng để làm lễ. Chẳng hạn, sao La Hầu vào ngày mồng 8 âm lịch ứng với hướng Bắc, sao Vân Hán vào ngày 29 âm lịch và ứng với hướng Nam, sao Thái Bạch ngày 15 âm lịch và ứng với hướng Tây.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/dang-sao-han-dau-co-duoc-giai-1117917.tpo