'Đảng, Quốc hội, Chính phủ có sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi'

Đó là lời khẳng định của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2016-2020 của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV đã dành 3 ngày (từ ngày 3 đến ngày 5-11).

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh giúp nhân dân địa phương xây dựng NTM. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh giúp nhân dân địa phương xây dựng NTM. Ảnh: Viết Hà

Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu cho ý kiến về hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và nhấn mạnh, các chương trình MTQG là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tập trung nguồn lực giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới và hải đảo.

Theo đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn đại biểu QH tỉnh Tuyên Quang), thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay, số xã đạt chuẩn NTM đạt 60,23%, vượt mục tiêu 10,23%; trong đó, 10 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 152/664 đơn vị cấp huyện thuộc 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn NTM. Nhiều tiêu chí quan trọng như lao động có việc làm, thu nhập, giáo dục... đã đạt được những kết quả rất khả quan. Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, miền núi có sự chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện rõ nét, lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS ngày càng bền vững. “Mặc dù trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng tổng nguồn lực huy động thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 2.965.199 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 21,3%. Nhờ đó, trong giai đoạn này, số hộ nghèo giảm nhanh; tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 3,75% cuối năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm” - Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.

“Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định, Chương trình MTQG xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với lòng dân, đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong việc huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình MTQG với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” - Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.

Bên cạnh những thành quả lớn mà các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 mang lại, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, thực trạng khó khăn trong đời sống đồng bào DTTS và bất cập của chính sách giảm nghèo bền vững để tiếp tục thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2020-2025 đạt hiệu quả cao, đưa vùng nông thôn, miền núi, vùng DTTS phát triển bền vững.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn đại biểu QH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn chưa thật sự phù hợp với điều kiện, đặc thù về địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất. Một số chính sách giảm nghèo chưa được các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực, mức hỗ trợ thấp, ảnh hưởng tới việc hoàn thành mục tiêu cụ thể của chương trình. Nguồn vốn tín dụng tăng khá lớn, từ 144.657 tỷ đồng năm 2015 lên 263.950 tỷ đồng năm 2019, nhưng một số chương trình tín dụng có thời hạn ngắn, mức cho vay thấp so với yêu cầu thực tế; mục tiêu, nội dung, đối tượng thụ hưởng của nhiều chương trình, tiểu dự án còn trùng lặp với nhiệm vụ chi thường xuyên, gây lãng phí nguồn lực, chưa đảm bảo tính công bằng...

Từ những thành quả, cũng như hạn chế trong thực hiện các chương trình MTQG, các đại biểu đề nghị, tiếp tục đầu tư cho Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chuong trnh MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, QH, Chính phủ cần ban hành quy chuẩn nghèo để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực thực tế; xác định tiêu chí hộ nghèo một cách thực chất, công khai, minh bạch để đảm bảo cân đối nguồn lực, thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững.

“Lồng ghép các Chương trình MTQG xây dựng NTM, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững vào Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 để có chủ trương đầu tư đồng bộ, hiệu quả hơn. Rà soát, bãi bỏ một số chính sách mang tính hỗ trợ, bao cấp, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, hoàn thiện chính sách kết nối phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn với vùng phát triển; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; chính sách giảm nghèo gắn với quốc phòng và an ninh” - Đại biểu Võ Đình Tín đề nghị.

Mặt khác, để nâng cao hiệu quả, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và bền vững vùng DTTS, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, các đại biểu đề nghị Chính phủ nên thực hiện 2 chương trình MTQG là Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn đại biểu QH tỉnh Cao Bằng), QH đã phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chính phủ đã đề xuất triển khai thực hiện đồng thời 3 chương trình MTTQ thúc đẩy các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đông đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, khi thực hiện đồng thời Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, Chương trình MTQG xây dựng NTM có trùng lắp một số nội dung chính sách của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nên chăng chỉ triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để dành nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Để làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, những bất cập của chính sách giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi là đúng với thực tế. Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của QH đã tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Theo tinh thần đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, hoàn thành xây dựng Đề án tổng thể, xây dựng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trình với QH. Đây là một quyết sách mang tính lịch sử, Chính phủ đã sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi; Ủy ban Dân tộc xây dựng 3 tiêu chí: Tiêu chí phân định vùng DTTS, miền núi theo trình độ phát triển; tiêu chí phân định nhóm DTTS còn nhiều khó khăn và nhóm DTTS có khó khăn đặc thù, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

“Đây là một sự quan tâm rất đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào DTTS, miền núi. Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, dự toán kinh phí ngân sách của giai đoạn 2021-2025 trình với QH và nguồn vốn đã được Chính phủ bố trí gần 104.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025. Với sự quyết liệt, chuẩn bị chu đáo, công khai, minh bạch, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ giải quyết căn cơ những khó khăn, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, miền núi” - Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dang-quoc-hoi-chinh-phu-co-su-quan-tam-dac-biet-doi-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-mien-nui-post434892.html