Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn

Trong báo cáo về văn kiện Đại hội XIII do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình bày và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, đều đề cập đến 2 vấn đề 'Kiểm soát quyền lực và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng'.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng các đại biểu đoàn TPHCM tại Đại hội XIII của Đảng trong ngày 29-1. Ảnh VIẾT CHUNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng các đại biểu đoàn TPHCM tại Đại hội XIII của Đảng trong ngày 29-1. Ảnh VIẾT CHUNG

Kiềng ba chân giám sát quyền lực

Hai vấn đề này có thể nói là khâu quan trọng trong xây dựng Đảng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất và có tính nhân quả. Vì có kiểm soát được quyền lực trong Đảng thì sự cầm quyền của Đảng mới được nâng cao. Đảng lúc đó sẽ cầm quyền thật sự dân chủ, khoa học, trong sạch và thắng lợi, thành công.

Tham nhũng là một hệ quả tất yếu của công tác quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra sơ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng và tệ nạn có điều kiện phát triển. Tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Nhà nước. Tham nhũng cũng là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Có thể nói, tham nhũng là căn bệnh hiểm nghèo gắn liền với mọi nhà nước, bởi lẽ chừng nào còn nhà nước thì còn quyền lực, mà còn quyền lực thì dễ xuất hiện những người dùng sai quyền lực.

Cuộc đấu tranh loại bỏ những người sử dụng sai quyền lực ra khỏi Đảng và bộ máy nhà nước là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục, bền bỉ và kiên định của mọi đảng cầm quyền, mọi nhà nước. Ở Đảng ta, trong nhiệm kỳ XII có hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật. Trong đó, Bộ Chính trị đã kỷ luật 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên Trung ương Đảng, 2 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Thứ trưởng Bộ Công an. Ban Bí thư thi hành kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên, trong đó có 12 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng... Con số vừa nêu thể hiện rõ quyết tâm chống tiêu cực không có vùng cấm của Đảng ta, nhưng qua đó cũng để lại nhiều suy ngẫm. Giá như việc kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn thì những con số này sẽ không cao như vậy. Cho nên suy cho cùng, kỷ luật cũng là sự mất mát về phương diện tài chính, niềm tin và con người.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng. Theo tôi, các giải pháp phải tạo dựng cho được văn hóa “không muốn - không dám - không thể” tham nhũng. Trong đó, “không muốn” thuộc phạm trù đạo đức lối sống và cần được bổ trợ bởi môi trường sống, dư luận xã hội cùng điều kiện vật chất khả dĩ để đảng viên, công chức có thể sống thanh cao. “Không dám” thì đòi hỏi một môi trường pháp luật nghiêm minh, pháp chế mạnh và xã hội thượng tôn pháp luật, không ai đứng trên pháp luật. Còn “không thể” là đòi hỏi phải tạo lập một nền hành chính “trong suốt” để mọi người có thể dễ dàng giám sát và đồng thời đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội phải minh bạch, có tính giải trình cao.

Bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ

“Đảng cầm quyền” là khái niệm dùng trong khoa học chính trị, chỉ một đảng chính trị đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ và lãnh đạo chính quyền để điều hành, quản lý đất nước nhằm thực hiện lợi ích của giai cấp mình. Khái niệm “Đảng cầm quyền” lần đầu tiên được V.I. Lênin nêu ra. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng đề cập đến vai trò cầm quyền của Đảng như: Đảng giành được chính quyền, Đảng nắm chính quyền, Đảng lãnh đạo chính quyền, Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Trong Điều lệ Đảng được Đại hội X của Đảng thông qua cũng khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”.

Cầm quyền là phải xây dựng được bộ máy Nhà nước cách mạng, quản lý xã hội bằng pháp luật, có thực lực mạnh, đảm bảo chống được thù trong giặc ngoài, bảo vệ được thành quả cách mạng, cải tạo được trật tự xã hội cũ, xây dựng được trật tự xã hội mới.

Khẳng định mạnh mẽ và kiên định chế độ dân chủ do một Đảng Cộng sản cầm quyền, Đảng ta cũng không bao giờ quên lời di huấn của V.I. Lênin về các nguy cơ của một đảng cầm quyền. Trong đó, sâu xa nhất là nguy cơ mất dân chủ, vi phạm quyền làm chủ chân chính của nhân dân. Trong xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, để họ có đủ cả đức và tài, “hồng” và “chuyên”, trong đó lấy đạo đức làm gốc. Người chỉ rõ, nếu không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không thể làm cho “dân tin, dân phục, dân yêu”.

Đảng ta tuyên bố long trọng cầm quyền trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Thực tiễn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Kết quả ấy đã được đúc kết, như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu tại phiên khai Đại hội XIII của Đảng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Sắp tới đây, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước vững bước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới càng đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao sức chiến đấu, kiểm soát cho được quyền lực và nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ trí tuệ của một đảng cầm quyền. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để luôn xứng đáng là một đảng trong sạch, một đảng khoa học trí tuệ, một đảng thực hành dân chủ thực sự gần dân, hiểu dân và là một đảng vững mạnh, luôn luôn đồng hành, sống mãi trong lòng dân tộc.

DIỆP VĂN SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dang-phai-thuong-xuyen-tu-doi-moi-tu-chinh-don-711557.html