Đảng phải thể hiện được mỗi kỳ đại hội là một bước tiến

Mỗi lần Đại hội, Đảng không chỉ vạch ra đường lối đúng đắn mà phải có một đội ngũ đủ khả năng thực hiện đường lối đúng đắn đó.

Đại hội Đảng là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu một chặng đường gắn liền với đời sống của toàn xã hội, thậm chí trong chừng mực nào đó có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của xã hội. Trong một xã hội mà người dân dành khá nhiều quan tâm tới vấn đề chính trị, có thể hiểu, mối quan tâm ấy không chỉ thể hiện trách nhiệm của công dân mà còn thể hiện sự lo lắng của người dân đối với sự thăng trầm của Đảng, bởi người dân ý thức được rằng “sức khỏe” của Đảng sẽ tác động trực tiếp tới đời sống của họ. Nếu Đảng “khỏe” thì người dân được hưởng. Nếu Đảng “yếu” thì người dân phải chịu.

Là người ngoài Đảng, cũng như những quần chúng khác, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Nai, quan tâm nhất đối với một đại hội là đường lối và nhân sự.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Trần Khánh)

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Trần Khánh)

“Đảng phải có một năng lực tự thay đổi mình để theo kịp thời đại”

PV: Ông quan tâm tới vấn đề gì trong đường lối của Đảng đã nêu trong Dự thảo văn kiện Đại hội 13?

Ông Dương Trung Quốc: Trải qua tiến trình lịch sử, có thể nói, quan trọng nhất là chúng ta có mục tiêu rõ ràng, trên con đường đi tới mục tiêu đó, chúng ta ý thức được sẽ có vấp váp, sẽ có khó khăn nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta xác định phải khắc phục được những khó khăn, vấp váp đó, nhận ra và sửa chữa nó.

Đường lối hay con đường phát triển không phải là con đường có sẵn, mục tiêu có sẵn nhưng con đường đi là do chúng ta tự vạch ra. Do vậy, con đường đó có thể không bằng phẳng, sẽ có khúc khuỷu, quanh co, khiến chúng ta vấp váp, nhưng quan trọng là đứng trước những khó khăn đó, thái độ chúng ta thế nào? Trong đó, thái độ của quần chúng đóng vai trò quan trọng nhất, vì Đảng lãnh đạo toàn dân, lựa chọn con đường phát triển của mình, đúng sai cùng phải chịu trách nhiệm.

Vì thế, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là Đảng phải có một năng lực tự thay đổi mình để theo kịp với sự thay đổi của thời đại nhưng không đi chệch con đường dẫn tới mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng chúng ta đặt ra là Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản nhưng theo tôi, những mục tiêu ấy vẫn phải gắn với thực tiễn như tư duy của Bác Hồ, đó là cơm ăn, áo mặc, học hành… Đó là những chuyện rất cụ thể. Nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh là rất quan trọng, nhưng trong thời đại hội nhập hiện nay, có thể nói, đây là con đường đầy thử thách đòi hỏi sự năng động để theo kịp thời đại và đặt mục tiêu lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Lợi ích quốc gia phải không khác với mục tiêu chính trị, mục tiêu lý tưởng của Đảng, cũng như ta hay nói ý Đảng với lòng dân, nhưng không phải lúc nào ý Đảng với lòng dân cũng có thể là một, mục tiêu phấn đấu là phải đến với nhau, có nghĩa Đảng đưa ra, mọi người đi theo và Đảng cũng phải lắng nghe tiếng nói của người dân, thậm chí lựa theo người dân.

Cũng như người dân, những quần chúng đứng ngoài Đảng, chúng tôi mong muốn mỗi lần Đại hội Đảng, không chỉ vạch ra đường lối đúng đắn mà phải có một đội ngũ đủ khả năng thực hiện với tư cách là người lãnh đạo để thực hiện đường lối đúng đắn đó.

PV: Vậy theo ông, đường lối Đảng vạch ra trong Dự thảo văn kiện đã đến gần với người dân chưa?

Ông Dương Trung Quốc: Ở vị trí một người làm Sử, nhìn cả một chặng đường dài, nếu không tư duy theo biện chứng của lịch sử thì không bao giờ thỏa mãn được. Biện chứng lịch sử là thực tiễn phải vận động và anh phải vận động theo, anh có thể dẫn dắt nó, có thể định hướng cho nó nhưng đó là một quá trình không đơn giản. Chúng ta đã đặt mục tiêu đến 2020 trở thành nước công nghiệp nhưng giờ chúng ta không nhắc lại quan điểm đó nữa vì giờ đã thay đổi, thay đổi về khái niệm công nghiệp đã khác ngày xưa, nhất là một thế giới đang gặp nhiều biến động như thế này, điều đó là biện chứng của đời sống. Thế nên Đảng luôn định hướng tích cực cho lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trong đó có từng người dân, còn người dân chia sẻ với những khó khăn trên con đường ấy để cùng nhau vượt qua.

Có lẽ đại dịch Covid vừa rồi là bài học lớn nhất, nó ập đến không ai biết trước, thế giới cũng bất ngờ. Nhưng khi chúng ta phát huy được mặt mạnh, tập hợp được quần chúng, lúc đó thực sự giữa người lãnh đạo và người dân có sự chia sẻ với nhau, tự nhiên chúng ta đã bước đầu vượt qua.

Vấn đề xây dựng CNXH cũng vậy, gần đây cũng có vài ý kiến đặt ra câu chuyện CNXH là gì, bao giờ thì đạt được. Câu chuyện này phải là sự hợp lực của toàn dân, Đảng phải trở thành người tiếp thu được lòng dân và biến nó thành đường hướng, đặc biệt là phương pháp lãnh đạo.

Đảng phải thể hiện được, mỗi kỳ đại hội là một bước tiến (Ảnh: Ngọc Thành)

Có dân chủ trong Đảng sẽ chọn ra được người tài

PV: Vậy theo ông, Đảng đã tiếp thu được lòng dân chưa?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng, trong công cuộc đổi mới, chúng ta đã đưa ra nguyên lý quan trọng nhất đó là phải nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh nó, nhìn thẳng vào đó sẽ thấy cái đúng cái sai, cái mạnh cái yếu và cùng với người dân chia sẻ, khắc phục. Cho nên, mối quan hệ quan trọng nhất là Đảng với dân. Người lãnh đạo cao nhất cũng như người dân đều nhất trí vấn đề đó nhưng làm thế nào để đạt được điều đó là không đơn giản vì nó gắn với con người là một thực thể, ở đó có lợi ích, nên làm sao tìm được lợi ích chung, mẫu số chung hay là sự đồng thuận, là điều cực kỳ quan trọng.

Phải nói rằng, trong những năm tháng vừa rồi, Đảng ta đã nhìn thấy vấn đề, nỗ lực giải quyết vấn đề ấy nhưng vẫn chưa giải quyết được căn bản, vẫn còn khoảng cách giữa người dân với lãnh đạo, khoảng cách đó cần phải thu hẹp dần, trên cơ sở trước hết lãnh đạo phải là người tiên phong, gương mẫu trên con đường ấy. Bác Hồ kịch liệt công kích từ ngày đầu lập nước đó là tính quan cách, quan liêu, là yếu tố không dễ loại bỏ. Về đường lối, người dân chia sẻ với lãnh đạo là phải chống tham nhũng, phải gần dân, nghe người dân nhưng thực tiễn đời sống có diễn ra như thế hay không là một thử thách. Chúng ta không quá lý tưởng hóa nếu nhìn ra cả một thế giới rộng lớn đầy biến động nhưng chúng ta cũng phải nghĩ đến chuyện muốn thành công, muốn Đại hội Đảng trở thành niềm hy vọng của người dân thì Đảng phải tự thay đổi mình. Công cụ thay đổi quan trọng nhất vẫn là nguyên lý dân chủ. Dân chủ trong Đảng sẽ tập hợp được trí tuệ của Đảng; trong mối quan hệ giữa Đảng với dân sẽ tập hợp được trí tuệ của dân, có dân chủ trong Đảng sẽ chọn ra được người tài. Đó là nguyên lý.

Tôi cho rằng, Đại hội Đảng sắp tới, người dân có thể hy vọng cũng có thể nghi ngại, điều đó là khó tránh, nhưng Đảng phải thể hiện được bằng thực tiễn mỗi kỳ đại hội là một bước tiến, một bước khắc phục những yếu kém của quá khứ. Từ đó người dân sẽ tin tưởng.

Đó cũng là thách thức lớn của Đảng. Bởi Đảng cũng là con người, chứ không phải khái niệm chung chung. Khi viết lịch sử, tôi rất muốn lịch sử phải có nhân xưng, phải có con người cụ thể, người tốt có, người xấu cũng có, có cả anh hùng, có kẻ phản bội. Đảng viên không hẳn đã tốt, nhưng đảng viên thì phải phấn đấu, hoàn thiện mình hơn quần chúng. Phấn đấu làm đảng viên tốt khó hơn rất nhiều sự phấn đấu của người dân bình thường. Với ý thức như thế, tôi cho rằng, điều đó sẽ giúp tăng cường sức mạnh của Đảng.

"Đảng viên xứng đáng phải đúng như thời kỳ cách mạng 1945, 5.000 đảng viên dẫn dắt được cả 25 triệu dân" (Ảnh: Trần Khánh)

PV: Ông quan tâm đến điều gì ở vấn đề nhân sự đại hội nhiệm kỳ mới?

Ông Dương Trung Quốc: Chúng ta là một quốc gia hiện đại phát triển, cán bộ cũng là công chức, trước hết phải làm đúng trách nhiệm của mình trên cơ sở luật pháp. Về con người, đảng viên là người có lý tưởng cao đẹp cho dân tộc, cho nhân dân thì phải thể hiện được điều đó. Các cụ ta đã nói, Bác Hồ cũng nói, đừng ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau. Gian khổ thì ra mặt trận, đứng hàng đầu, điều đó đã được thể hiện trong thời kỳ chiến tranh cách mạng nhưng trong hòa bình đâu có thấy, đôi khi ngược lại.

Người dân luôn soi vào đảng viên, đảng viên xứng đáng phải đúng như thời kỳ cách mạng 1945, 5.000 đảng viên dẫn dắt được cả 25 triệu dân, ngược lại, đảng viên thoái hóa biến chất chỉ làm nản lòng người dân, lòng tin trong dân không còn nữa thì đảng cũng mất đi sức mạnh của mình.

Việc tìm người đủ khả năng gánh vác đất nước theo tôi không nên nghĩ đơn giản. Quan trọng là tạo được cơ chế dân chủ, minh bạch, không có bất cứ khuất tất ở đâu cả. Còn người dân có thể có nhiều cách suy nghĩ, lựa chọn khác nhau nhưng dù sao thì vẫn có một tiêu chuẩn chung.

Xung quanh tôi, có không ít đảng viên tôi quý trọng, ngược lại cũng không ít đảng viên, kể cả cấp cao, làm tôi thấy thất vọng.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Thanh Hà/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dang/dang-phai-the-hien-duoc-moi-ky-dai-hoi-la-mot-buoc-tien-1070323.vov