Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đảm bảo ổn định đời sống, đăng ký cư trú đối với người dân di cư tự do

Sáng 21-10, Quốc hội làm việc theo hình thức trực tuyến thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Ông Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: Tiến Trung

Ông Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: Tiến Trung

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, qua việc lấy ý kiến có nhiều đại biểu đề nghị cần có quy định để quản lý những người không có nơi cư trú ổn định; bổ sung quy định để đăng ký, quản lý cư trú đối với người dân di cư tự do, nhất là đối với người dân tộc thiểu số du canh, du cư ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Một số ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách, bảo đảm an sinh xã hội đối với các đối tượng này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên thực tế vẫn có những người không có nơi cư trú ổn định, nhất là những người dân di cư tự do, sinh sống trong các vùng lõi, vùng đệm của rừng đặc dụng, rừng tự nhiên ở khu vực Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc; trong số họ có nhiều người không có giấy tờ nhân thân hoặc tài liệu chứng minh có chỗ ở hợp pháp nên không đủ điều kiện để thực hiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi đang sinh sống cũng như khi quay trở về nguyên quán.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, để thực hiện quyền cư trú và quản lý cư trú đối với người dân thuộc trường hợp này cần có các giải pháp tổng thể cả về kinh tế - xã hội và về pháp luật. Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm ổn định đời sống, trong đó có việc đăng ký cư trú đối với những người dân di cư tự do. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/2020/NQ-CP ngày 1-3-2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do, hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch, hoàn thành việc đăng ký hộ tịch, cư trú cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định.

Để đảm bảo quyền cư trú của công dân, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, Điều 19 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ cơ sở pháp lý và thủ tục để thực hiện việc ghi nhận, xử lý các thông tin cá nhân, thông tin về cư trú của các đối tượng nói trên nhằm mục đích quản lý chính xác hơn tình trạng cư trú của công dân, nhất là thông tin về “nơi ở hiện tại”, qua đó, góp phần giúp công tác quản lý cư trú được hiệu quả và sát thực tế hơn, tạo cơ sở để các địa phương bố trí nguồn lực, tổ chức công tác quy hoạch và thực hiện một số chế độ, chính sách cụ thể đối với nhóm đối tượng này.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31-12-2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), việc bỏ sổ hộ khẩu là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan. Do đó, cần phải được xem xét, cân nhắc, đánh giá toàn diện một cách thận trọng để tránh làm khó cho người dân. Có phương án kéo dài thời gian có hiệu lực đối với sổ hộ khẩu cho đến 31-12-2022. Phương án này không làm ảnh hưởng đến quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an trong việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú. Đồng thời, cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc xóa sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú là cần thiết nhưng về điều khoản chuyển tiếp thì cần phải cho phép người dân kéo dài thời gian để chứng minh thông tin cư trú khi giao dịch với cơ quan chức năng. Lý do là vì, Công an có thể đảm bảo được đến ngày 1-7-2021 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng các cơ quan Nhà nước khác sẽ không theo kịp như: Thuế, Hải quan, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội… "Nếu đến thời gian này, khi người dân đến giao dịch mà cơ quan chức năng chưa cập nhật kịp thời, lại đòi hỏi những giấy tờ như trên sẽ gây phiền hà cho người dân" - đại biểu Hòa băn khoăn.

Đối với quy định điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Theo đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam), mức diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ giao cho Hội đồng nhân dân quy định mức diện tích nhà ở tối thiểu cụ thể áp dụng ở từng địa phương để bảo đảm quyền cư trú của người dân.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dang-nha-nuoc-co-nhieu-chu-truong-chinh-sach-dam-bao-on-dinh-doi-song-dang-ky-cu-tru-doi-voi-nguoi-dan-di-cu-tu-do-post434325.html