Đáng nể tấm lòng người con xứ Quảng mang lại nụ cười trẻ thơ

Nhiều năm nay, hơn 500 ông bố, bà mẹ khắp dải đất miền Trung này vẫn quen gọi bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM bằng cái tên rất trìu mến: Người đi cho nụ cười!

Ông đã kịp hàn gắn những bờ môi ngọng ngiụ, thiếu dưới hở trên để mang đến nụ cười hồn nhiên cho bao đứa trẻ thiếu may mắn.

Câu chuyện nhân ái này được "viết" liên tục trong suốt 5 năm qua có sự chung tay, đồng hành từ chính tấm lòng của những người con xứ Quảng đang sinh sống, lập nghiệp ở phía Nam của Tổ Quốc.

Niềm vui bé mọn

Hơn 30 ông bố, bà mẹ từ Thanh Hóa đến Bình Định đã bồng bế con em đợi sẵn ở sảnh phòng khám hậu phẫu tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Những đứa trẻ vẫn còn ngủ ngon lành trên tay bố mẹ, thỉnh thoảng quẫy đạp vì cơn đau sau khi phẫu thuật vẫn chưa dứt. Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu bước ra đã xua tan mọi lo lắng, căng thẳng trên những khuôn mặt người lớn khắc khổ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, người phẫu thuật nụ cười cho hơn 500 trẻ em suốt thời gian qua

Khăn gói bồng con vượt hơn nửa ngàn cây số để vào Đà Nẵng, vẻ mệt mỏi của anh Nguyễn Văn Thiên (trú huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) nhanh chóng tan biến, khi bác sĩ Đẩu vỗ vai, khẽ động viên: “Sau đợt phẫu thuật này, cháu có thể tập nói được. Khoảng 10 ngày tới, khi vết thương đã lành, hãy cho cháu ngồi dậy tập ăn, uống nước, sẽ không còn cảnh thức ăn trôi tuột ra ngoài như trước nữa”.

Cưới nhau gần chục năm trời, hình ảnh đứa con trai đầu lòng mang đến cho anh nỗi khổ tâm, lo lắng hơn là cảm giác yên vui, hạnh phúc. Bờ môi phía trên của cháu bị dị tật, nguyên hàm trên bị hở, không thể bú sữa mẹ. Đói, cháu khóc thét suốt ngày đêm. Chốn miền quê khốn khó, kẻ ác miệng còn xúi rằng cháu bị con ma rừng bắt tội. Vốn đã nghèo túng, mái ấm bé mọn càng hiếm một tiếng cười, ngày dài trôi qua trong nặng nề và nỗi ám ảnh không dứt.

Tháng 12/2016, anh khăn Thiên gói bồng bế con vào để được khám, phẫu thuật miễn phí. Mọi chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt hơn 5 ngày bệnh viện đều được hỗ trợ. Sau 3 lần được phẫu thuật, bé Nhân, con trai anh đã hồi phục được khoảng 80%. “Vợ chồng đã quyết định đặt tên cho cháu là Nhân, mong sao sau này lớn lên con sẽ thành người tốt, chuyên làm điều thiện giúp đỡ người khác như chính bố mẹ và con đã từng được giúp đỡ khi khó khăn”, anh Thiên tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu hướng dẫn phụ huynh kỹ thuật bồng con để không ảnh hưởng đến sự phát triển của não bé

Chị Trần Thị Lệ (trú xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), rơi nước mắt khi đứa con trai có thể ngồi yên trên ghế, cầm bịch sữa để hút mà không đổ lấy một giọt ra bên ngoài. “Mọi người nhìn kìa, cu Khoa giờ giỏi quá”, tiếng chị vừa cất lên, những tràng pháo tay khuyến khích, đôi mắt hướng về cậu bé đang ngồi lắc lư trên chiếc ghế gỗ. Cái tên như vận vào đời, chị Lệ đã khóc cạn nước mắt vì đứa con trai bé bỏng chưa từng một ngày được bình yên. Bốn năm trước, lần đầu nhìn thấy mặt con, sự hoang mang, lo lắng hiện rõ trên đôi mắt của người mẹ trẻ. Liền sau đó là những tháng ngày sống trong nỗi thương con cùng vô vàn lời trách móc.

Sống chỉ để cười

Từ tháng 7/2013, chương trình phẫu thuật sứt môi, hở vòm miễn phí được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Smile Train (Hoa Kỳ), Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cùng Hội đồng hương Đà Nẵng - Quảng Nam tại TP.HCM. Người được xem là “cha đẻ” của chương trình nhân ái này là bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu. Vốn sinh ra ở vùng quê xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhưng vì hoàn cảnh, từ nhỏ, ông đã cùng gia đình vào miền Nam sinh sống. Gần 30 năm sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y dược TP.HCM và gắn bó với Bệnh viện Nhi đồng 1, ông trở thành một trong những bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật, tạo hình khuôn mặt, trực tiếp phẫu thuật cho hàng ngàn bệnh nhân, phần lớn là trẻ em. “Quá trình này thực sự lâu dài, từ điều chỉnh giọng nói, xương và những tác động tâm lý để các cháu tự tin bước vào đời”, ông chia sẻ.

Hành trình trở về quê hương của ông luôn mang theo những tấm lòng của người con xứ Quảng xa quê

Vấn đề chung của những đứa trẻ bị sứt môi, hở vòm, đó là nói không tròn vành, rõ chữ, ăn uống hết sức khổ sở. Những ông bố, bà mẹ phải bồng ngửa con mình, đút từng thìa cơm, mớm từng muỗng sữa để con không phải quấy khóc vì đói. Nhưng điều đáng lo ngại nhất, theo bác sĩ Đẩu, đó là tâm lí của đứa trẻ khi lớn lên. “Đứa trẻ khiếm khuyết bản thân khi lớn lên sẽ tác động tiêu cực đến tâm lí phát triển của cháu. Đó không chỉ là sự tự ti, mặc cảm, mà còn là sự nóng giận, bất cần, hung hãn. Điều trị bệnh lí cũng có nghĩa là xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn ngay từ sớm”, bác sĩ Đẩu nói.

Theo bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, chương trình hợp tác phẫu thuật sứt môi hở vòm còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển của bệnh viện, đặc biệt là trong lĩnh vực mắt, tai-mũi-họng và răng-hàm-mặt. Đã có gần 60 nhân viên y tế được bác sĩ Đẩu trực tiếp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Đây là nguồn nguồn nhân lực bền vững, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh lâu dài cho bệnh viện. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc điều hành tổ chức Smile Train tại Việt Nam chia sẻ thêm, chương trình này cũng là cầu nối xã hội, chủ động tìm kiếm, kết nối và chia sẻ với bất hạnh của trẻ em. Hiệu quả từ nguồn hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng của Smile Train suốt thời gian qua, theo ông Dũng, là nụ cười của trẻ em.

Lớn lên, học tập rồi lập nghiệp xa nhà nên tình yêu mảnh đất, con người Quảng Nam - Đà Nẵng đã thấm vào máu thịt của bác sĩ Đẩu. Suốt 10 năm qua, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM, ông đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Đầu năm 2016, ông lại kiêm luôn chức Chủ tịch các Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại các tỉnh phía Nam. Những lần trở lại của ông đều gắn liền với những chương trình như “Vì nụ cười trẻ thơ”, “Mang lại nụ cười xuân”... nhưng đều có chung một điểm, đó là đem lại nụ cười, thắp lên hy vọng cho hàng trăm gia đình. Đồng hành cùng những chương trình này là hàng trăm tấm lòng của những người con xa quê, đôi khi chỉ là gói bánh, hộp sữa, áo quần hay một ít tiền mặt.

Phẫu thuật dị tật sứt môi hở vòm là một quá trình khó khăn, lâu dài

NGUYÊN NGUYÊN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dang-ne-tam-long-nguoi-con-xu-quang-mang-lai-nu-cuoi-tre-tho-post230889.html