Đắng lòng vì… mỏ

có nhiều cảnh báo về hậu họa khai thác khoáng sản được đưa ra cho Hà Giang trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, được biết, chủ trương phát triển kinh tế ở tỉnh này vẫn coi khai thác khoáng sản là 1 trong 4 mũi nhọn sau du lịch, thủy điện và kinh tế cửa khẩu.

Mất nhiều hơn được!

Khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phá hủy môi trường một cách nhanh chóng (Ảnh Ngọc Hà)

Hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản hầu như đều xuất hiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Khai thác khoáng sản xuất hiện ở khắp các địa hình như: Núi đồi, ruộng đồng, sông suối.

Chỉ trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, trước “cơn sốt” về khoáng sản, Hà Giang đã bùng phát với các doanh nghiệp chuyên về mảng mục này. Để phục vụ cho “cơn đại khai khoáng” đã có 28 loại khoáng sản được “vạch mặt, chỉ tên” và 215 điểm mỏ bị “đưa vào tầm ngắm”.

Nhiều huyện, đã có tới vài chục điểm mỏ được cấp phép, trong đó phải kể đến là Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê...

Nhiều xã của các huyện có thế mạnh, liền lúc đã có tới 8 – 9 điểm mỏ được cấp phép như Minh Sơn (Bắc Mê), Ngọc Minh (Vị Xuyên), Tiên Kiều (Bắc Quang).

Hoạt động mỏ đã đem lại những thiệt hại lớn về kinh tế như bồi lấp ruộng đồng, phá hủy ô nhiễm sông suối và phá nát các đường quốc gia cũng như tỉnh lộ.

Trong số xã của các huyện đang gồng mình ngày đêm gánh nợ cho hậu họa khai thác khoáng sản này, Minh Sơn (Bắc Mê) luôn là tâm điểm gây chú ý.

Để có cái nhìn thực tế và mong muốn có sự cải thiện, cảnh báo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang và Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã chọn Minh Sơn làm nơi khảo sát. Chỉ trong một thời gian ngắn, kết quả tham vấn đã đưa ra những cảnh báo kinh hoàng!

Theo số liệu tham vấn và khảo sát, Minh Sơn là một xã vùng 3 khó khăn của huyện Bắc Mê cũng như tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên đây cũng được coi là miền đất có tài nguyên khoáng sản tương đối giàu, đặc biệt là các loại khoáng sản sắt, chì và kẽm.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 công ty được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tại 8 điểm mỏ, với tổng diện tích 465,36 ha. Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Minh Sơn được đánh giá là có đóng góp một phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần tạo ra việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, những hệ lụy của hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng người dân địa phương ở đây.

Bằng việc tiến hành khảo sát nghiên cứu thực địa, kết hợp phỏng vấn người dân địa phương, cán bộ đại diện cho các phòng, ban chuyên môn của xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê và đại diện các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản tại xã đã cho thấy một “lợi bất cập hại” cho khai thác khoáng sản tại Minh Sơn và từ đó có thể mở rộng ra trên nhiều địa phương của tỉnh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, để có điều kiện cho 5 doanh nghiệp khai khoáng này hoạt động thì đã có 465 ha rừng bị “quy hoạch”. Hoạt động khai khoáng trong thời gian này tại Minh Sơn đã làm hơn 30,3 ha đất rừng phòng hộ bị mất đi do phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang khai thác khoáng sản.

Trữ lượng rừng bị mất đi do phải chặt hạ cho khai trường tại mỏ sắt Sàng Thần gần 10 ha, tương đương 1.751m3 gỗ nhóm II đến nhóm VIII, là các loại gỗ như đinh, nghiến, trai, sồi, sến, dẻ, kháo, mỡ, trám… không còn trong danh sách!

Bất ổn an sinh

Trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều nơi trên địa bàn Hà Giang được cấp phép cho các doanh nghiệp vào khai thác khoáng sản (Ảnh Ngọc Hà)

Theo khảo sát đánh giá, từ khi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản, kết hợp với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã dẫn đến các loài chim, thú và các loại động vật rừng như sóc bay, chồn, cáo, lợn rừng, trăn, rắn; các loài chim như chào mào, chim gáy, sáo, cú, quạ, bìm bịp, gà rừng trên địa bàn đã ít gặp hơn so với trước đây.

Hoạt động khai thác khoáng sản đã làm suy giảm các loại cây thực phẩm và các loại cây thuốc quý trong rừng như nấm đất, thảo quả, óc chó, sa nhân, gừng, nghệ, lá khôi, kim tuyến và những cây làm men rượu.

Việc chặt hạ cây rừng đầu nguồn, cùng với việc sử dụng một lượng nước quá lớn từ nguồn nước suối Lũng Vầy (hơn 1.300m3/ngày đêm theo Báo cáo ĐTM) cho việc tuyển quặng đã làm suy giảm, cạn kiệt đáng kể nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Kéo theo hệ lụy này, 5 thôn như Lũng Vầy, Khuổi Kẹn, Nà Sáng, Bình Ba và Ngọc Trì vào mùa khô, người dân ở một số thôn, bản đã phải đi gánh nước từ những nơi khác về để sử dụng cho sinh hoạt.

Hiện nay, người dân sống dọc theo suối Lũng Vầy không thể sử dụng nước suối này cho sinh hoạt hoặc những hoạt động khác nữa, vì lý do nguồn nước bị nhiễm bẩn. Nếu tắm, giặt bằng nguồn nước này sẽ bị mắc bệnh ngứa da, viêm da.

Người dân địa phương cho biết, độ đục của nước suối Lũng Vầy hiện nay là quá lớn đã dẫn đến sự biến mất của một số loài động vật thủy sinh như tôm càng xanh, cua, cá, ếch, nhái, đặc biệt loại cá sứt mũi và cá anh vũ quý hiếm.

Bên cạnh đó, sản lượng các loài thủy sinh tự nhiên sống ở suối cũng bị giảm đi rất nhiều. Nếu như trước đây, người dân chỉ cần đi đánh bắt khoảng 1 giờ là có đủ thức ăn cho gia đình 4 người thì hiện nay không thể đánh bắt được nữa.

Mất mát và thiệt hại, khắc phục môi trường theo đánh giá còn là một thời gian dài chưa đoán định thì còn là sự chưa công bằng trong việc phân chia các lợi ích từ hoạt động khai thác khoáng sản đối với địa phương và người dân.

Ngoài lợi ích, môi trường thì nguy cơ về một cuộc sống không an toàn do hệ lụy của khai khoáng cũng là những cái mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu.

Theo người dân, hiện nay các hoạt động sản xuất mưu sinh của họ bị hạn chế rất nhiều như đi lại hết sức khó khăn, nguy hiểm do đường sá bị xuống cấp, hư hỏng nặng bởi xe chở quặng ngày đêm đi qua. Nước suối nhiều nơi không còn sử dụng được cho sinh hoạt nữa, ngay cả việc mưu sinh hàng ngày.

Phương Nguyên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/dang-long-vi-mo-46132