Đăng ký thường trú tại thành phố lớn: Bỏ hay giữ điều kiện riêng?

Trong phiên thẩm tra Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa qua, một lần nữa, đề xuất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương lại được cân nhắc nhiều chiều.

Tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương đang tạo sức ép lớn đối với hạ tầng đô thị. Ảnh: N.L

Sau khi thảo luận tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục tổng kết đầy đủ, toàn diện hơn về đề xuất mới.

Tạo tâm lý bị phân biệt đối xử

Thực hiện yêu cầu nói trên, Bộ Công an đã gấp rút hoàn thành đánh giá tác động về đăng ký, quản lý cư trú tại các thành phố lớn.

Thứ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Duy Ngọc nêu thực tế những năm qua, quy định về điều kiện riêng không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn rất cao.

Nhiều người dân không có hộ khẩu vẫn sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn, nhưng gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động cũng như thụ hưởng các dịch vụ xã hội.

Đáng chú ý là, nhiều người có cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của thành phố, nhưng lại không được hưởng đầy đủ các dịch vụ, phúc lợi xã hội như người có hộ khẩu thường trú tại thành phố, nên phần nào tạo tâm lý bị phân biệt đối xử, ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp. Do vậy, quan điểm của Chính phủ là quy định thống nhất trên toàn quốc: công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại đó.

Bộ Công an khẳng định, việc tăng thời hạn tạm trú đối với các quận nội thành chưa phải là giải pháp tối ưu để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân cư và giải quyết được vấn đề nhập cư ở các thành phố lớn.

Chưa có cơ sở để sửa đổi

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, việc bỏ điều kiện riêng cần được cân nhắc thận trọng. Khi kết cấu hạ tầng, khả năng đáp ứng dịch vụ thiết yếu ở các thành phố lớn còn có sự chênh lệch đáng kể, thì vẫn cần duy trì điều kiện đăng ký thường trú riêng.

“Nếu quy định như Dự thảo thì có bảo đảm được việc cung cấp các dịch vụ công như hiện nay không?”, đại biểu Leo Thị Lịch, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội băn khoăn.

Tương tự, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) bày tỏ: “Với trách nhiệm của một đại biểu của Thủ đô, tôi trăn trở rất nhiều với việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương”.

Theo bà Hoa, yêu cầu đặt ra là không chỉ thực hiện quyền tự do cư trú, mà phải bảo đảm an ninh xã hội, bảo đảm an toàn, chất lượng cuộc sống của người dân. Vì thế, đại biểu Hoa cho rằng, chưa có cơ sở để quyết định việc bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú.

Cũng sống ở Hà Nội, nhưng Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, quản lý dân cư phải thống nhất.

Theo ông Hồng, việc đặt điều kiện đối với nhập hộ khẩu ít nhiều tạo tâm lý kỳ thị trong một bộ phận người dân, chưa kể làm phức tạp thêm một số vấn đề về quản lý an ninh trật tự, tội phạm, an toàn giao thông.

Đại biểu Hồng cũng nhắc đến câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước khi yêu cầu muốn có hộ khẩu ở Hà Nội thì phải có nhà, mà muốn có nhà phải có hộ khẩu…, khi quy định về nhà ở hợp pháp còn chưa chặt chẽ.

"Do vậy, việc bỏ các điều kiện riêng có nhiều mặt tích cực", ông Hồng nói.

“Thóc đến đâu, bồ câu đến đó”

10 năm trước, khi Quốc hội thảo luận về Luật Thủ đô, với điều kiện "siết" nhập cư, một vị đại biểu phát biểu rằng, dân gian có câu: "Thóc đến đâu, bồ câu đến đó". Theo đó, ở đâu có việc làm, có cơm ăn, có áo mặc, con cái được học hành, an ninh trật tự được bảo đảm, thì nhiều người tìm đến.

Như vậy, thay vì dùng các biện pháp hành chính, Thủ đô nên dùng biện pháp kinh tế - xã hội khác, như thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh các vùng ngoại thành để thu hút người dân giãn ra.

Sau đó, Quốc hội khóa XII không thông qua Luật Thủ đô. Nhưng, Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2012, với nhiều điều kiện riêng về đăng ký thường trú.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dang-ky-thuong-tru-tai-thanh-pho-lon-bo-hay-giu-dieu-kien-rieng-d122069.html