Đăng ký, thống kê hộ tịch vẫn còn khó khăn, bất cập

Bộ Tư pháp và Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) vừa tổ chức Hội thảo về các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch, mhằm đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch (Chương trình CRVS).

Đăng ký và thống kê hộ tịch, không chỉ đơn thuần là một công việc mang tính kỹ thuật hay thủ tục. Hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hoạt động tốt là nguồn cung cấp dữ liệu dân số kịp thời, đầy đủ, liên tục và hiệu quả nhất, bao gồm cả các dữ liệu về sinh, tử và nguyên nhân tử vong. Số liệu thống kê hộ tịch chính xác và đầy đủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng các chính sách quốc gia và địa phương cũng như trong việc đo lường các kết quả phát triển.

Đồng thời, thống kê này cũng rất quan trọng đối với các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. 15 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sử dụng các chỉ số, được tính từ dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch chính xác và đầy đủ.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, đăng ký, quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền hợp pháp của công dân, đảm bảo thực hiện một số quyền con người cơ bản, thiết yếu như quyền được khai sinh, có họ, tên, xác định mối quan hệ cha-mẹ-con…, có ý nghĩa không nhỏ trong việc quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của quốc gia…

Hội thảo về các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch. Ảnh: UNFPA

Hội thảo về các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch. Ảnh: UNFPA

Theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, trong 3 năm qua, Bộ Tư pháp đã thường xuyên trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương; trả lời 888 công văn hướng dẫn nghiệp vụ; có văn bản trao đổi với các Bộ, ngành có liên quan đến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch. Đồng thời, các Sở Tư pháp cũng chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tình hình đăng ký hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, cấp xã…

Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng và phê duyệt đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” từ năm 2015. Đến nay, Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã được áp dụng tại 63/63 tỉnh thành, trong đó hơn 40 địa phương đã kết nối Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh/TP với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung để thực hiện liên thông thủ tục hành chính: đăng lý khai sinh- cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình CRVS vẫn còn có nhiều khó khăn. Cụ thể như nguồn số liệu sinh tử chỉ có một (sự kiện hộ tịch thực tế), nhưng lại có nhiều cơ quan có trách nhiệm thu thập số liệu thống kê và mỗi cơ quan lại thống kê theo cách thức khác nhau, chủ yếu phục vụ mục đích quản lý của ngành mình mà chưa có sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu. Nhiều địa phương không lấy được tổng số sinh, tử thực tế từ ngành y tế mà công chức tư pháp-hộ tịch phải trực tiếp thông kê dẫn đế tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử vẫn là một thách thức lớn.

Theo Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và nhiệm vụ được giao trong Chương trình CRVS, Bộ Y tế có trách nhiệm về xây dựng Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp và biểu mẫu Giấy báo tử. Tuy nhiên cho đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được thông tư này. Chính vì vậy, việc đăng ký khai tử tại các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng...

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFDA cho rằng: "Chúng ta chỉ còn mười năm để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau” đặt ra cho những người làm thống kê một yêu cầu cao về số liệu dân số chất lượng cao - tức là số liệu đáng tin cậy, kịp thời, được phân tổ, nhất quán và có thể so sánh được, là cần thiết để đánh giá tiến độ và giải quyết bất bình đẳng trong công cuộc phát triển bền vững.

UNFPA tại Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc chung tay với Chính phủ thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch để đảm bảo phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dang-ky-thong-ke-ho-tich-van-con-kho-khan-bat-cap-211948.html