Đăng ký tài sản: Tài sản tham nhũng hết chỗ 'ẩn nấp'

Khi đăng ký tài sản, người 20 -30 tuổi tự nhiên sở hữu cả khối tài sản hàng nghìn tỷ cũng phải giải trình, chứng minh, nếu không sẽ bị tịch thu.

Cần thiết

Phát biểu tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao ngày 12/1, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, để thu hồi được tài sản tham nhũng cần có nhiều biện pháp. Theo đó, ông Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản và coi đây là công cụ để tăng cường minh bạch về tài sản.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đồng tình với đề xuất trên, PGS,TS. Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp phân tích, đăng ký tài sản nghĩa là thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của tài sản đó, khi đó, nhà nước sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản đó cho công dân.

Ông Thảo lấy ví dụ một chiếc xe máy, hay ô tô, khi người mua thực hiện các thủ tục đăng ký mua bán, đóng thuế, nếu quá trình sử dụng bị mất, người sở hữu có thể trình báo tới các cơ quan công an và cơ quan công an phải có trách nhiệm điều tra, tìm lại chiếc xe cho công dân. Tuy nhiên, nếu chiếc xe đó không được đăng ký, nghĩa là không được xác nhận quyền sở hữu, như vậy, cơ quan chức năng cũng không có cơ sở để tìm lại cho người bị mất.

Tương tự với các loại tài sản có giá trị khác như tiền bạc, đất đai, đá quý... khi đăng ký tài sản cũng chính là đăng ký quyền bảo hộ, bảo vệ cho tài sản cũng như chủ sở hữu khối tài sản đó. Việc này mang lại lợi ích kép, vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho tài sản cũng như chủ sở hữu tài sản, đồng thời cũng góp phần rất lớn trong công tác quản lý, thu hồi tài sản tham nhũng.

"Trong công tác phòng chống tham nhũng, khi đã có quy định đăng ký tài sản, người đăng ký tài sản mới sẽ phải chứng minh được nguồn gốc, nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị điều tra hoặc bị tịch thu, xử lý", ông Thảo nhấn mạnh.

Nếu làm được như vậy, theo ông Thảo cũng không còn đất cho tài sản tham nhũng "ẩn nấp", kể cả theo các hình thức sang tên, chuyển nhượng, không còn tình trạng người 20 -30 tuổi giàu lên bất thường, tự nhiên sở hữu cả khối tài sản hàng nghìn tỷ mà không làm gì được.

Cần mở rộng diện phong tỏa tài sản, chặn cửa "tuồn" ra nước ngoài

Nói thêm về công tác phòng chống tham nhũng, ông Thảo nhận định trong những năm gần đây công tác phòng chống tham nhũng đã làm tốt hơn kể cả về số vụ việc cũng như quy mô mỗi vụ án bị đưa ra xử lý. Cùng với đó, các vụ án tham nhũng càng lớn, số tiền tham nhũng càng nhiều. Tuy nhiên, thực tế tỉ lệ thu hồi được tài sản tham nhũng hiện vẫn còn rất thấp, kể cả với những trường hợp đã kết án.

Nguyên nhân là do thủ tục tố tụng phức tạp, mất nhiều thời gian, từ lúc phát hiện ra vụ việc cho tới khi thực hiện các quy định tố tụng bị kéo dài quá lâu. Đây chính là khoảng thời gian mà đối tượng có sai phạm kịp thời tẩu tán tài sản tham nhũng.

"Do đó, với tội tham nhũng cần phải có biện pháp phong tỏa, bảo vệ tài sản có liên quan tới vụ án tham nhũng ngay từ thời điểm bắt đầu phát hiện ra vụ việc. Quá trình tố tụng chỉ là thời gian để chứng minh rõ hơn nguồn tài sản tham nhũng có được theo hình thức nào? Quy mô tham nhũng ra sao? Nếu chờ đợi đến khi kết tội mới có biện pháp phong tỏa, tịch thu tài sản là quá muộn", ông Thảo gợi ý.

Vì điều này, ông Thảo cũng đồng tình với VKSND khi cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng quy định tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội để việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả cao hơn.

Theo ông Thảo, việc này từng được đưa ra nhiều lần trước đó, tuy nhiên, do vướng phải các quy định về quyền sở hữu tài sản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật bảo hộ, do đó, không thực hiện được. Tuy nhiên, theo ông Thảo, quyền bảo hộ tài sản của công dân cần phải được hiểu cho đúng, đó là, tài sản của công dân muốn được pháp luật bảo hộ, tài sản đó phải hợp pháp. Pháp luật không bảo hộ cho những tài sản bất hợp pháp.

"Muốn chứng minh tài sản là hợp pháp, trước hết, tài sản đó phải chứng minh được nguồn gốc rõ ràng, tiền kiếm được từ những hoạt động làm ăn chính đáng, không buôn gian, bán lậu, không tham ô, tham nhũng. Nếu chứng minh được nguồn gốc rõ ràng của tài sản, tài sản đó là hợp pháp và sẽ được pháp luật bảo hộ.

Ngược lại, với những tài sản không chứng minh được nguồn gốc rõ ràng, tức là tài sản có nguồn gốc bất minh, hoặc có nguồn gốc từ những hoạt động làm ăn phi pháp, hoặc cũng có thể có được từ các hoạt động tham ô, tham nhũng, như vậy là tài sản không hợp pháp, cần phải tịch thu", vị chuyên gia chỉ rõ.

Theo ông Thảo, khi phân tích rõ như vậy, việc tịch thu tài sản tham nhũng có qua thủ tục kết tội hay không cũng không còn vướng nữa. Trong quá trình đang nghiên cứu xây dựng quy định mới, để dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng không thông qua thủ tục kết tội, các cơ quan chức năng có thể ban hành thông tư liên tịch hoặc có văn bản hướng dẫn chi tiết để vận dụng cho kịp thời.

Vị chuyên gia cũng nói thêm, đối với những vụ án tham nhũng mà cơ quan chức năng đang điều tra, việc phong tỏa tài sản không chỉ liên quan tới cá nhân tham gia trong vụ án mà phải phong tỏa tài sản ngay với cả những người thân ruột thịt như vợ, chồng, con cái, anh em họ hàng.

Bởi lẽ, trên thực tế, tài sản tham nhũng không mấy khi đứng tên người tham nhũng, mà thường là người thân, họ hàng, thậm chí là người ngoài xã hội đứng tên giúp. Cũng không hiếm trường hợp chồng tham nhũng cho vợ đứng tên tài sản, sau đó làm thủ tục ly hôn giả, coi như không liên quan tới nhau. Sau này khi bản án đã kết tội, có muốn thu hồi được tài sản cũng khó.

"Rõ ràng đó là quy định không chặt chẽ. Ở nước ngoài, một đối tượng công chức, cán bộ hay quan chức có hành vi tham nhũng, phạm vi tài sản bị phong tỏa sẽ bao gồm tất cả thân nhân như vợ, con, anh, chị em đối tượng đó kể cả trong tình trạng tồn tại hôn nhân hay không tồn tại hôn nhân. Luật phòng chống tham nhũng, thu hồi tham nhũng tại Việt Nam cũng phải sửa đổi theo hướng này cho chặt chẽ hơn", PGS Đinh Xuân Thảo góp ý.

Cùng với những đề xuất trên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, các biện pháp phòng, chống tham nhũng cần thực hiện đồng bộ, "quản chặt trong", "chốt chặn ngoài". Đi cùng với các biện pháp siết chặt dòng tiền, tài sản trong nước, cũng đồng thời có những giải pháp ngăn chặn việc tẩu tán tiền, tài sản tham nhũng ra nước ngoài. Đặc biệt là các hành vi tẩu tán thông qua các thủ đoạn như mua bất động sản, tài sản, chuyển cho người thân, đầu tư kinh doanh, lập doanh nghiệp, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp để chuyển trái phép ra nước ngoài, để biến đổi các khoản thu nhập nguồn gốc phi pháp thành "tiền sạch".

Theo ông Thảo, các quy định về phòng chống rửa tiền đã có đầy đủ, vấn đề nằm ở quá trình thực thi. Nêu ví dụ về hồ sơ Panama gây xôn xao thời gian qua, vị chuyên gia cho biết, nếu quyết tâm hoàn toàn có thể ngăn chặn và xử lý, thu hồi được tài sản từ những đối tượng có dấu hiệu vi phạm, có hành vi rửa tiền dựa trên những thông được công bố.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dang-ky-tai-san-tai-san-tham-nhung-het-cho-an-nap-3425920/