Đăng ký tài sản chống tham nhũng: Hiệu quả, thiết thực

Việc quản lý tài sản nếu thực hiện được sẽ là một kênh quan trọng, một biện pháp quan trọng góp phần vào cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng.

LTS:- Đó là quan điểm của TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp khi bàn thêm về đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản được đề cập tại phiên họp 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/1. Để rộng đường dư luận, Đất Việt xin đăng tải bài phân tích của ông về nội dung này.

Luật đăng ký tài sản giúp chống tham nhũng hiệu quả. Ảnh minh họa

Luật đăng ký tài sản giúp chống tham nhũng hiệu quả. Ảnh minh họa

Chống tham nhũng là một cuộc chiến có tính chất lâu dài, về bản chất đó là “chống giặc nội xâm”. Tham nhũng gắn với quyền lực như hình với bóng. Để thực hiện hành vi tham nhũng, những kẻ có quyền lực không từ một thủ đoạn nào, chúng sử dụng mọi biện pháp, mọi cách thức có được để thu vén, bòn rút. Kết quả phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua cũng đã rõ. Đã có nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Người dân rất hoan nghênh, đồng tình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, người dân và xã hội vẫn rất còn băn khoăn ở chỗ: tỷ lệ những kẻ phạm tội, tham nhũng bị phát hiện chưa thật cao. Có người còn ví việc phát hiện và xử lý tham nhũng như vừa qua mới chỉ là ở phần nổi của tảng băng.

Đặc biệt là tham nhũng vừa, tham nhũng nhỏ và tham nhũng vặt. Kẻ tham nhũng vẫn tồn tại, vẫn hoạt động, chưa bị vạch mặt, chỉ tên. Cá biệt vẫn còn đó đây hành vi tham nhũng lớn. Tham nhũng rất lớn vẫn chưa phải đã hết hẳn, chưa phải đã tuyệt nọc. Hiện tượng những người có chức, có quyền rút lui khỏi chính trường với khối tài sản hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ chưa phải là đã hết.

Về chủ trương chống tham nhũng, chúng ta cũng đã chứng kiến và đã biết có khá nhiều chủ trương tốt, hay, có hiệu quả đã được ban hành và đang được thực thi. Ngay cả trong tổ chức Đảng cũng đã có nhiều chủ trương, biện pháp, thể chế thiết thực, sát, đúng. Những chủ trương này, thể chế này đã phát huy tác dụng ở một phạm vi nhất định nào đó. Tuy nhiên, với tham nhũng vừa, tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt thì hình như những kẻ tham nhũng vẫn như được miễn nhiễm, đang đứng ngoài cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Những kẻ tham nhũng vừa, tham nhũng vặt hình như ngay càng nhơn nhơn và vẫn đang tồn tại đây đó khá nhiều, không phải là hiện tượng cá biệt như một số người nói. Nhưng rất đáng tiếc, phần lớn số này chưa được vạch mặt, chỉ tên làm cho người dân và xã hội chưa thật sự yên lòng, chưa thật sự an tâm.

Từ lâu thế giới người ta đã tổng kết thành châm ngôn đó là: muốn phòng chống tham nhũng thì phải làm sao cho những kẻ có chức, có quyền không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng. Làm thế nào để không thể tham nhũng, làm thế nào để không muốn tham nhũng và làm thế nào để không dám tham nhũng?. Ở nước ta hiện đang thực hiện được ở một tầm mức khá khiêm tốn, kẽ hở còn nhiều.

Về ý tưởng của ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện KSNDTC nêu ra mà công luận đã phản ánh vừa rồi, cá nhân tôi rất đồng tình, rất ủng hộ. Việc quản lý tài sản nếu thực hiện được thì sẽ rất tốt, rất hiệu quả, là một kênh quan trọng, một biện pháp quan trọng góp phần vào cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, vào cuộc đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”. Để nghiên cứu xác định rõ các chính sách pháp lý, giúp cho việc hình thành một hệ thống chuẩn mực hợp lý, hiệu quả trong quản lý tài sản phục vụ mục tiêu phòng, chống tham nhũng thì cần phải nghiên cứu nhiều hơn và kỹ hơn.

Tôi đồng ý là phải rất khẩn trương, tích cực nhưng đây là vấn đề rất nhạy cảm, động đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nên cũng rất cần phải nghiên cứu kỹ, thấu đáo. Đặc biệt là xác định cho được, xác định cho rõ, cho chuẩn xác các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Xác định cho được những hệ thống chế định chi phối các nội dung cơ bản của luật này. Việc này rất không dễ dàng, thậm chí rất khó, có thể nhận được nhiều ý kiến trái chiều, ý kiến phản đối như lâu nay vẫn tồn tại. Tuy nhiên, theo tôi muốn quản lý tài sản phục vụ mục đích phòng, chống tham nhũng thì rất cần và rất khẩn trương để triển khai.

Liên quan tới vấn đề quản lý đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống, quản lý đội ngũ những người có chức, có quyền, có điều kiện để tham nhũng của cải của xã hội thì chúng ta đã có một số chủ trương và biện pháp được đánh giá là tương đối tốt. Tôi xin nhấn mạnh đánh giá là tương đối tốt chứ không phải là tốt hẳn. Đối với những cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống nắm giữ quyền lực trong tay, có quyền quyết định tiền nong, tài sản của xã hội, của nhà nước, cũng như quản lý tài sản của họ, cho tới nay, theo quan điểm cá nhân tôi, rất cần thiết phải xác lập thêm một số chế định quan trọng, quyết liệt nhằm ngăn ngừa các hành vi tham nhũng làm cho họ không thể, không muốn và không dám.

Đối với tài sản của họ thì cũng phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, theo dõi quá trình di, biến động của tài sản, của khối tài sản một cách kịp thời, hiệu quả, và khi có những dấu hiệu bất bình thường thì phải áp dụng ngay những biện pháp cần thiết để khống chế, quản lý khối tài sản đó, không để tiêu hóa, chuyển hóa, tẩu tán như đối với một số trường hợp lâu nay mà công luận đã biết, đã chứng kiến. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định ngay nguồn gốc của những khối tài sản đó. Và chính những cán bộ, công chức, viên chức có khối tài sản phát sinh phải có trách nhiệm chứng minh nguồn gốc, chứng minh tính hợp pháp đối với những tài sản mà mình có được trong quá trình đảm nhận chức vụ.

Trước đây khi thảo luận vẫn đề này, cũng có một số ý kiến cho rằng và đã nhầm lẫn quyền và trách nhiệm chứng minh tính hợp pháp của khối tài sản của cán bộ, công chức, viên chức với một công dân bình thường. Theo tôi, ở đây phải có cách nhìn nhận vấn đề thật minh bạch, thật rõ ràng thì mới xử lý được một cách đúng đắn, chính xác, kịp thời. Cụ thể là, một người đã là cán bộ, công chức, viên chức có quyền lực trong tay thì luật của nhà nước phải có quy định buộc anh phải có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp của khối tài sản mà anh có đươc, anh sở hữu trong thời gian giữ chức vụ.

Đây là một nội dung cực kỳ quan trọng, không nhầm lẫn với quyền của một cá nhân, công dân bình thường trong xã hội. Cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ thì luật phải buộc họ phải có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp với khối tài sản mà anh có trong thời gian đảm nhiệm chức vụ và kể cả sau đó nữa, khi đã “hạ cánh”, kiên quyết không để tình trạng “hạ cánh” an toàn. Ngược lại trong xã hội, đối với một công dân bình thường, lâu nay pháp luật vẫn quan niệm rằng một công dân bình thường không có nghĩa vụ phải chứng minh tính hợp pháp đối với khối tài sản mà họ có được. Trách nhiệm chứng minh tính bất hợp pháp, nguồn gốc vi phạm của khối tài sản của một cá nhân trong xã hội thuộc về các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước.

Một vấn đề khác mà tôi cũng đã nhiều lần nêu, đó là những người thân thích, ruột thịt của cán bộ, công chức, viên chức có chức, có quyền cũng phải được xác định là các đối tượng mà nhà nước cần phải kiểm soát, khống chế đối với tài sản của những người này mặc dù biện pháp có thể mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn. Khối tài sản của những người thân thích, ruột thịt này, ví dụ như vợ hoặc chồng, bố mẹ, con cái, anh chị em… Tài sản của họ cũng phải được kê khai, cũng phải được quản lý ở mức độ nhất định. Trong hai trường hợp xảy ra thì phải áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát tính hợp pháp của những tài sản này. Ví dụ: khi người thân thích, ruột thịt của họ là cán bộ, công chức, viên chức được xác định là có hành vi phạm tội tham nhũng, đang được điều tra, xử lý. Hoặc trường hợp khối tài sản của những người này có thay đổi đột biến, có quy mô số lượng lớn thì cũng phải được xem xét, xác định rõ tính hợp pháp. Đối với những trường hợp thuộc nhóm này cũng phải có những biện pháp để khống chế, quản lý khối tài sản nhằm tránh hiện tượng tẩu tán, chuyển tài sản cho người khác hoặc tẩu tán ra nước ngoài.

Những hiện tượng mà ông Lê Minh Trí nêu ra mang tính ví dụ điển hình như: “có người 20 – 30 tuổi đã đứng tên khối tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ” hoặc “tham nhũng nhưng để những người ngoài xã hội đứng tên”… là những hiện tượng, những ví dụ điển hình. Xem xét lại về bản chất, thì những người 20 -30 tuổi đã có khối tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ thì tuyệt đại đa số đều nằm vào diện người thân thích ruột thịt. Thực tế đã cho ta thấy có những cụ già suốt đời không kinh doanh, không làm gì có thu nhập đáng giá, mà lại có khối tài sản hàng trăm, hàng nghìn tỷ, mua nhiều bất động sản. Cá biệt, có thể chuyển khối tài sản lớn cho bồ bịch, chiến hữu, tuy nhiên số đó không nhiều lắm. Tôi còn biết một số trường hợp khi nghỉ hưu đã có trong tay cả trăm tỷ, nghìn tỷ mà vẫn “hạ cánh an toàn”, biết trường hợp có trong tay hàng chục bất động sản lớn tại Hà Nội mà vẫn bình yên, vô can, sạch sẽ. Kẻ tham nhũng là đấy chứ đâu và những kẻ ruột rà, thân thích là những kẻ có liên quan, thậm chí là những kẻ đồng phạm trong tội tham nhũng.

Quay trở lại đề xuất của ông Lê Minh Trí về luật đăng ký tài sản, tôi cho rằng nhóm đối tượng cốt lõi được điều chỉnh trong luật buộc phải đăng ký kê khai và buộc phải chứng minh tính hợp pháp đối với khối tài sản của mình chính là những đối tượng mà tôi đã nêu ở trên trong bài viết này. Vấn đề là trong từng nội dung, từng chế định phải xác lập cho được những nguyên tắc, những cơ chế và những biện pháp hợp lý, hiệu quả và thiết thực nhằm quản lý cho được tài sản của những đối tượng nói ở trên. Tôi coi đây như một nội dung cốt lõi trong luật đăng ký tài sản.

Mở rộng ra với toàn xã hội thì biện pháp quản lý tài sản không chỉ chống tham nhũng mà còn giúp chống một loạt những vi phạm, tội phạm khác như buôn gian, bán lậu, buôn bán hàng cấm, một vốn mười lãi hoặc những hoạt động “xã hội đen” dùng các biện pháp cực đoan để thu vén tài sản của xã hội về cho mình. Nếu thực hiện được quản lý tài sản với nhóm đối tượng này thì sẽ rất hiệu quả cho việc giúp phát hiện và chống những hành vi vi phạm, tội phạm nghiêm trọng khác trong xã hội bên cạnh viêc phòng, chống tham nhũng. Cá nhân tôi cho rằng hiệu quả của biện pháp đăng ký tài sản ở đây sẽ rất lớn, rất thiết thực.

Tuy nhiên, tôi lại không cho rằng mở rộng việc đăng ký tài sản với toàn xã hội, với tất cả mọi công dân là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Chúng ta cần nghiên cứu lộ trình và giải pháp hợp lý để thực hiện việc đăng ký tài sản. Để xác lập cơ chế pháp lý ở đây, trước mặt, cần phải có biện pháp phân loại giá trị tài sản để buộc phải đăng ký, buộc phải chứng minh tính hợp pháp của nó. Xác định tài sản có giá trị bao nhiêu sẽ buộc phải đăng ký thì cần phải có nghiên cứu, tổng kết, đưa ra phương án hợp lý. Tuy nhiên, một khi đã xác định những người sở hữu khối tài sản lớn tới mức buộc phải đăng ký, buộc phải quản lý thì phải xác lập cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ và buộc những người này phải có trách nhiệm chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc tài sản họ có được. Ở đây cần phân biệt với tuyệt đại đa số người dân trong xã hội thì họ không có trách nhiệm, không có nghĩa vụ phải chứng minh tính hợp pháp với những tài sản họ có được . Đây là vấn đề có tính nguyên tắc không thể nhầm lẫn khi xây dựng luật.

Chúng ta cũng đã thấy tình trạng đang được dư luận phản ánh khá nhiều khi Trung Quốc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ở Trung Quốc đã sử dụng những biện pháp khá mạnh tay, khá quyết liệt và tương đối đồng bộ nhằm mục đích phòng, chống tham nhũng. Hiện tượng tại tư gia của các quan chức “tay đã dính chàm” tức là đã có hành vi tham nhũng, cơ quan điều tra đã phát hiện ra những khối lượng tiền mặt, kim loại quý, đá quý rất lớn, thậm chí là những khối tài sản khổng lồ. Đây cũng là một thủ đoạn khi những biện pháp quản lý bên ngoài đã khống chế những hành vi sử dụng, tẩu tán, chuyển đi nước ngoài buộc họ phải “om” lại trong tư gia và những khối tài sản khổng lồ. Chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc mới lôi ra được.

TS Lê Hồng Sơn nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/dang-ky-tai-san-chong-tham-nhung-hieu-qua-thiet-thuc-3426153/