Đăng ký sở hữu trí tuệ: Việc cần làm ngay của doanh nghiệp Việt

Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là việc tối cần thiết, không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững được uy tín trên thị trường mà còn đem lại lượng giá trị gia tăng lớn cho doanh nghiệp.

Công nhân sản xuất cơ khí ôtô tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ngày nay, các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ ngày càng có tỷ lệ phần trăm cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp. Do đó, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là việc tối cần thiết, không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững được uy tín trên thị trường mà còn đem lại lượng giá trị gia tăng lớn cho doanh nghiệp.

* Việc đăng ký SHTT của doanh nghiệp Việt còn hạn chế

Theo Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), SHTT được hiểu là việc sở hữu các tài sản trí tuệ - những kết quả từ hoạt động tư duy, sáng tạo của con người. Quyền SHTT là quyền của cá nhân, pháp nhân đối với các sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo. Đó là độc quyền được công nhận cho một người, một nhóm người hoặc một tổ chức, cho phép họ được sử dụng hay khai thác các khía cạnh thương mại của một sản phẩm sáng tạo.

Đối tượng của quyền SHTT bao gồm: Quyền tác giả các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Sáng chế, giải pháp hữu ích; Bí mật kinh doanh; Kiểu dáng công nghiệp; Nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ; Chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa; Tên thương mại; Giống cây trồng mới; Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.

Việc bảo hộ quyền SHTT sẽ bảo đảm việc xử lý, ngăn chặn và ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền; mặt khác, bảo hộ quyền SHTT còn có tác dụng kích thích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn và lành mạnh.

Đối với riêng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tài sản trí tuệ tuy là vô hình, nhưng lại đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp. Nó có thể mang lại lợi ích gấp nhiều lần so với các loại tài sản hữu hình cộng lại, đặc biệt là lợi thế trong kinh doanh, từ đó tạo ra giá trị gia tăng. Do đó, các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…) ngày càng có tỷ lệ phần trăm cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu nhằm thâm nhập thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực hiện bài bản chưa nhiều và chủ yếu mới chỉ thực hiện ở thị trường nội địa. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, số lượng đơn đăng ký SHTT của doanh nghiệp tăng từ 7-15% mỗi năm. Mặc dù đã cải thiện, nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu bởi số lượng doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép đăng ký kinh doanh thường dao động ở mức 500.000-600.000 doanh nghiệp hàng năm. Trong khi đó, từ năm 2005 đến nay, Cục SHTT mới cấp ra khoảng 300.000 văn bằng, trong đó, chưa kể đến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực dược có đến 100-200 nhãn hiệu, tương đương 200 văn bằng/doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở thị trường nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam còn rất ít, ngay cả khi sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới. Trong cả giai đoạn từ năm 2013-2017 cả nước mới chỉ có 38 sáng chế và 523 nhãn hiệu nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở SHTT ở nước ngoài. Đây là một con số rất khiêm tốn.

Thực tế Việt Nam đã có những bài học đắt giá về việc chậm đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài như các vụ: cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Trung Nguyên, nước mắn Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi… Doanh nghiệp đã bị mất tên trước khi đăng ký, không những làm cho hàng hóa của doanh nghiệp không thể tiếp cận thị trường nước ngoài, mà còn khiến các doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để lấy lại thương hiệu.

* Đăng ký SHTT để bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp

Quyền SHTT đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền SHTT là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nhân tiến vào thị trường thế giới. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tham gia môi trường cạnh tranh quốc tế với cường độ cao, với những yêu cầu chặt chẽ về thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp. Do đó, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đăng ký SHTT để bảo vệ quyền lợi của mình và hạn chế những tác động xấu trong lĩnh vực này.

Việt Nam hiện đã là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT), Thỏa ước và Nghị định Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ phê chuẩn việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Với việc Việt Nam là thành viên của các điều ước quốc tế nêu trên, các doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp của mình ở một số hoặc tất cả các nước thành viên tùy chọn, bằng một thủ tục duy nhất thông Văn phòng quốc tế WIPO, thay vì phải nộp đơn đăng ký với từng cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia mà thường sẽ tốn kém hơn về thời gian và tiền bạc.

Để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ SHTT, trong năm 2018, Cục SHTT sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ; tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 68) với mục tiêu đổi mới, tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ, áp dụng sáng chế; quản lý và khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; hỗ trợ kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT.

Đồng thời, sẽ tập trung hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT quốc gia trong quý 2-2018; tập trung triển khai nhiệm vụ liên quan đến sửa đổi Luật SHTT; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho công tác của Cục và hệ thống SHTT của Việt Nam; chuẩn bị để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019.

Ngoài ra, Cục SHTT sẽ tăng cường triển khai các dịch vụ công SHTT để hỗ trợ chuyển hóa quyền SHTT của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế; tích cực triển khai Đề án hình thành Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (IP-Hub)…/.

Minh Duyên/TTXVN (tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dang-ky-so-huu-tri-tue-viec-can-lam-ngay-cua-doanh-nghiep-viet-/93283.html