Đăng ký kết hôn lưu động ở vùng biên

'Chúng tao theo nhau về ở mấy chục năm rồi, con cái đầy nhà đấy mà có sao đâu?' hay 'Đăng ký kết hôn (ĐKKH) là gì, có no cái bụng không cán bộ?'; 'Ô, chúng tao sống chung thủy lắm, không cần cái giấy đó đâu'… là những đối thoại hồn nhiên của bà con các dân tộc thiểu số khi được cán bộ đến nhà tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Câu chuyện ngỡ như đùa ấy xảy ra ở một vùng biên viễn địa đầu của Tổ quốc.

Thượng úy Mua Mí Cáy trao đổi với cán bộ xã Xín Cái về việc triển khai chương trình ĐKKH lưu động năm 2016. Ảnh: Nguyên Bảo

Nghe người ta vẫn bảo, nếu đến được Đồn BP Săm Pun thì xem như đã đến được nơi heo hút, tận cùng nhất của Hà Giang. Ấn tượng đầu tiên của tôi đến Săm Pun là: Đá và gió. Mọi từ khóa hiện đại như điện, nước, mạng di động, đường bê tông... cũng chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Ấy vậy mà, sự sống vẫn hằng ngày sinh sôi trên mảnh đất này như thách thức mọi quy luật.

Địa bàn mà Đồn BP Săm Pun phụ trách là xã Thượng Phùng và Xín Cái với 32 thôn nằm rải rác, đây cũng được xem là 2 xã đặc biệt khó khăn và trọng yếu nhất của huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Mọi thứ còn thiếu thốn, từ nước sạch đến đất màu. Nếu dưới xuôi, dưới phố cưới vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái là chuyện hệ trọng đời người thì ở cái xứ sở địa đầu này, mọi thứ vẫn thật đơn giản như lẽ tự nhiên. Những cặp thanh niên lấy nhau khi vừa suýt soát mười tám, đôi mươi chỉ vì cái "gật đầu" hoặc phải lòng nhau trong một phiên chợ vùng cao. Và rồi, con cái cứ lần lượt ra đời theo quan niệm "trời sinh voi, sinh cỏ" của những người làm bố, làm mẹ. Những cặp đôi vẫn vô tư gọi nhau là vợ, là chồng dù chưa bao giờ ký hay điểm chỉ vào tờ giấy kết hôn. Mọi thủ tục liên quan đến hôn nhân - gia đình với họ là những câu chuyện xa xôi, kỳ lạ như thể chẳng liên quan đến cuộc sống của mình.

Theo chân đoàn cán bộ Tư pháp và lực lượng đoàn viên xã cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Săm Pun đến nhà từng người dân tuyên truyền, vận động bà con ĐKKH, chúng tôi mới thấm những nỗi vất vả của các anh. Con đường vào tận thôn bản chỉ đi được vài cây số bằng xe máy. Nếu chừng ấy quãng đường dưới xuôi thì cùng lắm chỉ mất 15 phút, nhưng chúng tôi phải mất hơn 1 giờ vật vã mới vượt qua được. Đã bước vào mùa hè, nhưng nhiệt độ vẫn còn xuống thấp, sương mù dày đặc, cách nhau có vài mét, song người đi sau chỉ nhận ra người đi trước bằng giọng nói run run. Cuối cùng, cả đoàn cũng có mặt tại thôn Xà Phìn, cách trung tâm xã gần 4km sau hơn 1 giờ đi xe máy và gần 30 phút đi bộ.

Với bà con vùng giáp biên này, họ sống rất đơn giản, suy nghĩ cũng mộc mạc. Một cán bộ Tư pháp địa phương thật thà bộc bạch: "Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi. Họ không lên chính quyền xã đăng ký thì mình đến tận từng nhà đăng ký kết hôn cho họ". Tôi từng đọc được trong một bài viết của chị đồng nghiệp, trong đó có câu ví von rằng, đời một người lính mang quân hàm xanh luôn gánh hai vai: Vai lính Biên phòng và vai cán bộ xã. Vai nào chưa xong cũng là không hoàn thành nhiệm vụ, chưa tròn trách nhiệm là công bộc của dân. Ngẫm lại mới thấy, điều đó rất đúng, nhất là ở vùng biên ải này.

Thượng úy Mua Mí Cáy, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Săm Pun cho biết, anh cùng đoàn lần lượt phải tới từng xóm, từng nhà dân trong xã Xín Cái và Thượng Phùng để vận động người dân lấy vợ, lấy chồng phải ĐKKH. Anh kể: "Có nhiều người sống với nhau mấy chục năm mà không cần đến giấy tờ kết hôn là "chuyện thường ngày ở huyện". Bà con suy nghĩ đơn giản lắm, cứ thương nhau và dắt nhau về ở, còn các thủ tục hôn nhân - gia đình thì... không quan tâm. Vì thế, khi đoàn cán bộ đến để tuyên truyền, giải thích về việc ĐKKH, họ cũng không mấy mặn mà".

Như câu chuyện của ông Giàng Mí Pó (56 tuổi) ở Thí Ngài, Thượng Phùng là một minh chứng rõ ràng cho lối quan niệm cũ kỹ ấy. Vợ chồng ông bà về ở với nhau đến nay đã được gần 40 năm mà chưa hề biết đến sự tồn tại của cái giấy được gọi là ĐKKH. Dù đoàn đã giải thích đến mức cặn kẽ nhất, ông Pó vẫn khăng khăng cho rằng, việc đó chẳng giúp gia đình ông nhiều bò, nhiều lúa hơn, nên sau vài lần anh em đến nhà vận động đã phải thất vọng ra về. Không bỏ cuộc, anh em xác định phải kiên trì tuyên truyền, vận động bằng những lời lẽ thuyết phục, gắn với những phân tích về hệ lụy của việc lấy vợ, lấy chồng không ĐKKH, khi nào ông Pó hiểu mới thôi. Sau nhiều lần vận động, cuối cùng ông Pó đã hiểu ra và tự giác chấp hành.

Anh Chảo Chỉn Chản, Phó Chủ tịch UBND xã Xín Cái cho biết: "Ở địa bàn xã chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, người Mông chiếm hơn 60%. Nam nữ thanh niên đến tuổi cặp kê chỉ cần "ưng cái bụng" là dắt nhau về nhà ở, rồi sinh con đẻ cái. Thậm chí, có người chẳng bao giờ biết hình thù cái giấy ĐKKH như thế nào. Dân trí thấp lại thêm nhiều tập tục lạc hậu nên việc cán bộ đến vận động bà con thực hiện Luật Hôn nhân - Gia đình rất khó".

Từ năm 2014 đến nay, chương trình ĐKKH lưu động đã tiến hành hợp thức hóa hôn nhân cho 115 cặp vợ chồng ở xã Thượng Phùng, 97 cặp vợ chồng ở xã Xín Cái. Đây là kết quả vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người. Anh Chảo Chỉn Chản tâm sự: "Nếu không có BĐBP, Xín Cái sẽ không có được những thay đổi như bây giờ. Nhiều khi, cán bộ xã chúng tôi đến chưa chắc dân đã xuôi, nhưng có các cán bộ Biên phòng đến thì dân nghe lắm, tin lắm. Họ cứ bảo: Bộ đội nói thì chúng tao tin thôi".

Nghe xong câu nói ấy, lòng tôi chợt trào lên một nỗi tự hào không thể giấu được về những đồng đội - người lính mang quân hàm xanh.

Nguyên Bảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dang-ky-ket-hon-luu-dong-o-vung-bien/