'Đăng kiểm phải chịu trách nhiệm nếu tàu thép sửa xong lại gặp sự cố'

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu Trung tâm đăng kiểm tàu cá giám sát kỹ, nếu tàu thép sửa xong tiếp tục trục trặc thì đội ngũ đăng kiểm phải chịu trách nhiệm.

Ngày 19/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp kiểm tra tiến độ sửa tàu thép tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn).

 Tàu thép gỉ sắt nghiêm trọng trong thời gian chờ sửa chữa ở cảng Tam Quan. Ảnh: Minh Hoàng.

Tàu thép gỉ sắt nghiêm trọng trong thời gian chờ sửa chữa ở cảng Tam Quan. Ảnh: Minh Hoàng.

Hiện Công ty TNHH MTV Nam Triệu đang tập trung cẩu máy cũ lên thay máy thủy mới Mitsubishi (Nhật Bản), phun cát sơn sửa lại phần vỏ tàu thép cho ngư dân.

Trong khi đó, do mặt bằng cảng Tam Quan chật hẹp, đến chiều 19/7, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vẫn chưa kéo tàu thép lên ụ sửa chữa. Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục thủy sản) đã cử 6 cán bộ đăng kiểm phối hợp với Tổ giám định Bình Định giám sát chất lượng, tiến độ sửa tàu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Trung Tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục thủy sản) có trách nhiệm trực tiếp theo dõi, kiểm định các thiết bị hàng hải, máy mới mà doanh nghiệp đã nhập về; tăng cường công tác hậu đăng kiểm sau khi sửa xong tàu.

"Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ khắc phục sự cố chậm nhất đến 30/8 tàu thép phải hoạt động ổn định trong 30 năm, trong đó hơn 11 năm ngư dân phải trả nợ cho ngân hàng. Tàu sửa xong nếu ra khơi tiếp tục trục trặc thì đăng kiểm viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm", ông Châu nhấn mạnh.

Nhóm thợ Công ty TNHH MTV Nam Triệu đang sửa máy phát điện bị cháy trên tàu thép của ông Lê Ngô Hát (ngụ huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: Minh Hoàng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị, trong đó có tổ giám sát do Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định nhắc nhở các chủ tàu bám sát quá trình khắc phục tàu của mình.

Những điểm nào chưa thỏa mãn thì phải kịp thời can thiệp, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục cho đúng với phương án, hợp đồng. Các doanh nghiệp sai phạm phải thực hiện phun cát, sơn đúng quy trình; thay lại máy móc, thiết bị hàng hải phải đảm bảo chính hãng theo hợp đồng đã ký kết với ngư dân.

Ông Châu cho biết thêm, riêng vật liệu vỏ tàu nếu không đảm bảo tiêu chuẩn cấp thép A, doanh nghiệp phải tháo ra thay lại; hoặc thép Trung Quốc đạt cấp thép A (hợp đồng thép Hàn Quốc/Nhật Bản) thì phải trả lại khoản tiền chênh lệch cho ngư dân. Trong thời gian tàu thép nằm bờ chờ sửa chữa, hai doanh nghiệp thống nhất phương án bồi thường chi phí cho bà con.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dang-kiem-phai-chiu-trach-nhiem-neu-tau-thep-sua-xong-lai-gap-su-co-post764268.html