Dâng hương tưởng niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh

Sáng 15/5, tại khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Bia thuộc thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh và khai hội đền Bia năm 2018.

Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ hội.

Dự lễ tưởng niệm có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Hải Dương, lãnh đạo huyện Cẩm Giàng cùng nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dự.

Đông đảo đại biểu và du khách thập phương cùng nhau tưởng nhớ, ôn lại cuộc đời sự nghiệp của Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh - “Ông tổ nghề thuốc nam”.

Tuệ Tĩnh, tên đầy đủ là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 có pháp hiệu là Tuệ Tĩnh Thiền sư, người làng Nghĩa Lư, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, tục gọi là làng Xưa, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Lên 6 tuổi, ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, được nhà sư chùa Hải Triều (Chùa Giám) đem về nuôi. Không cam chịu số phận, ông vừa giúp việc chùa, vừa tự học, tìm hiểu phép âm dương...

Phải chứng kiến dịch bệnh, ốm đau của biết bao con người, ông đã quên ăn, quên ngủ nghiên cứu sách thuốc với mong muốn chuyển họa vi phúc, cải tử hoàn sinh, cứu lấy muôn dân. Ông đã đi khắp nơi sưu tầm các bài thuốc gia truyền, nghiên cứu các loại cây cỏ làm thuốc nam trị bệnh cứu người.

Mặc dù thi đậu Đệ nhị giáp Tiến sỹ nhưng ông không ra làm quan mà xin về chùa để chuyên tâm Nam dược, chữa bệnh cho lương dân. Năm 1385 ông bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Ở bên Trung Quốc ông vẫn làm nghề bốc thuốc và được vua Minh phong Đại y Thiền sư. Ông mất tại Giang Nam, Trung Quốc.

Năm 1690, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho trong lần đi sứ sang Trung Quốc đã tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh. Nhận ra người cùng làng, cảm động trước lời nhắn gửi của vị Đại danh y, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê nhà Hải Dương.

Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã để lại những tác phẩm viết về y dược nổi tiếng như tác phẩm “Nam dược thần hiệu”, “Hồng Nghĩa giác tư y thư”… Những bài thuốc nam của ông giúp ích rất nhiều trong phòng chữa bệnh cho nhân dân. Để tưởng nhớ công đức của ông, nhân dân địa phương đã xây đền thờ, tạc tượng, đúc chuông, thờ Bia và thờ Tuệ Tĩnh. Sau này nhân dân gọi là đền Bia và hằng năm mở hội truyền thống vào ngày 1/4 âm lịch để tri ân Đức Thánh, vị cứu nhân độ thế.

Sau phần khai mạc lễ hội và dâng hương tưởng niệm, các đại biểu và đông đảo nhân dân được thưởng thức các hoạt động đặc trưng của đền Bia như bắt mạch, kê đơn, tư vấn sức khỏe và các hoạt động khác như hát quan họ, múa rối nước, tổ chức các trò chơi dân gian, giao hữu bóng chuyền, thi đấu cờ tướng,... Lễ hội Đền Bia năm nay diễn ra trong 2 ngày từ ngày 15 đến 16/5 (tức từ ngày 29/3 đến 1/4 âm lịch). Hằng năm, vào dịp lễ hội, đền Bia đón tiếp hơn 2.000 lượt khách đến dâng hương. Sau khi đền Bia được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, lượng du khách đến tham quan, dâng hương tăng lên nhiều so với mọi năm.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Màn tế chữ đắc sắc.

Thi đấu cờ tướng thu hút nhiều người dân tham gia.

Nhiều bạn trẻ xin chữ cầu may.

Lễ hội tổ chức hoạt động khám bệnh miễn phí và tặng 700 suất quà cho người dân tại lễ khai mạc.

Việt Cường

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/dang-huong-tuong-niem-dai-danh-y-thien-su-tue-tinh-tintuc404023