Đang hào hứng, giới đầu tư bị ông Trump dội gáo nước lạnh

Đang phản ứng tích cực với thông tin Mỹ và Trung Quốc sắp có thỏa thuận về thương mại, giới đầu tư bị ông Trump dội gáo nước lạnh khi bác bỏ thông tin này.

Ảnh AFP

Ảnh AFP

Trong phiên cuối tuần, chứng khoán Mỹ tiếp tục mở cửa trong sắc xanh nối tiếp 3 phiên tăng điểm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, sau khi cổ phiếu Apple quay đầu sau dự báo triển vọng kinh doanh thất vọng, cùng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ về việc đang cho soạn thảo thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, các chỉ số chính của phố Wall đã đồng loạt quay đầu đảo chiều giảm và đóng cửa trong sắc đỏ.

Cổ phiếu Apple giảm 6,6%, khiến hãng công nghệ này đánh mất mốc giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD được xác lập hồi tháng 8 sau khi cho biết, doanh thu cho kỳ nghỉ lễ quan trọng có thể không như dự báo.

Ngoài ra, giới đầu tư phố Wall thận trọng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Theo thăm dò, đảng Cộng hòa được dự báo sẽ vẫn kiểm soát Thượng viện, nhưng đảng Dân chủ có cơ hội nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Dow Jones giảm 109,91 điểm (-0,43%), xuống 25.270,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,31 điểm (-0,63%), xuống 2.723,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 77,06 điểm (-1,04%), xuống 7.356,99 điểm.

Dù điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng điểm ấn tượng trước đó, phố Wall đã có tuần tăng điểm ấn. Trong đó, Dow Jones có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6, còn S&P 500 và Nasdaq có tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 5. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 2,36%, S&P 500 tăng 2,42% và Nasdaq tăng 2,65%.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng nhờ phản ứng tích cực với sự khởi sắc của chứng khoán châu Á sau thông tin Bloomberg cho biết, ông Trump đang cho soạn thảo một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thưởng định G20 sắp tới đây.

Kết thúc phiên 2/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,54 điểm (-0,29%), xuống 7.094,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 50,45 điểm (+0,44%), lên 11.518,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 16,35 điểm (+0,32%), lên 5.102,13 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng điểm ấn tượng với chỉ số FTSE 100 tăng 2,23%, chỉ số DAX tăng 2,84% và Nasdaq tăng 2,71%.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump lệnh cho thuộc cấp soạn thỏa một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc do Bloomberg đưa ra đã giúp chứng khoán châu Á bùng nổ. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng tốt nhất kể từ tháng 3/2018, còn chứng khoán Hồng Kông thậm chí còn có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2011, qua đó có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2015.

Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 556,21 điểm (+2,56%), lên 22.243,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 70,24 điểm (+2,70%), lên 2.676,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 1.070,35 điểm (+4,21%), lên 26.468,35 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 tăng 5%, chỉ số Hang Seng tăng 7,08% và Shanghai Composite tăng 2,99%.

Sau phiên khởi sắc hôm thứ Năm, giá vàng chỉ đi ngang trong suốt phiên giao dịch cuối tuần và đóng cửa không thay đổi nhiều.

Kết thúc phiên 2/11, giá vàng giao ngay giảm 0,7 USD (-0,06%), xuống 1.232,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 4 USD/ounce (-0,33%), xuống 1.234,6 USD/ounce.

Nhờ phiên khởi sắc hôm thứ Năm, nên trong tuần, giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,05% và giá vàng tương lai cũng chỉ mất 0,1%, chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp. Tuy nhiên, giới phân tích và cả nhà đầu tư đều vẫn lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, theo khảo sát, trong 15 chuyên gia trả lời cuộc khảo sát tuần này, có 8 người, chiếm 53% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới, thấp hơn con số 67% trong tuần trước, có 2 người, chiếm 13% dự báo giá vàng giảm, cao hơn con số 6% so với tuần trước và 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 33%.

Tương tự, trong 447 người tham gia cuộc khỏa sát trực tuyến, có 255 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, thấp hơn con số 66% của tuần trước; 127 lượt, chiếm 28% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn con số 24% của tuần trước và 65 lượt người, chiếm 15% dự báo giá vàng đi ngang.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm giá khi ba nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới là Nga, Ả Rập Xê út và Mỹ đều cho biết, đang khai thác ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục. Ngoài ra, Mỹ cho biết, sẽ có những ngoại lệ cho phép một số nước nhập khẩu dầu thô của Iran, làm giảm bớt căng thẳng nguồn cung khi Mỹ chính thức áp các lệnh trừng phạt lên Iran kể từ ngày 5/11.

Kết thúc phiên 2/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,55 USD (-0,87%), xuống 63,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD (-0,08%), xuống 72,83 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm tới 6,58% và giá dầu thô Brent cũng giảm 6,17%.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/dang-hao-ung-gioi-dau-tu-bi-ong-trump-doi-gao-nuoc-lanh-247843.html