Đang gieo trồng gì đây?

Điều gì đã xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay - gọi chung toàn bộ các diễn biến bất thường như thế? Ắt không chỉ đơn giản là ở tỉnh này, sau xác minh, rõ rệt đã có gian dối, ở tỉnh kia vẫn còn có nghi vấn ít nhiều..., mà là những hậu quả lớn lao cho toàn xã hội.

Trước hết là sự hoài nghi về chính Bộ Giáo dục và Đào tạo khi mà bộ này hôm 22-7 cuối cùng cũng phải đưa ra quyết định “yêu cầu rà soát lại việc tổ chức thi trên toàn quốc”. Đây không phải là lần đầu tiên một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông gặp sự cố, chính danh mà gọi là gian lận kết quả. 12 năm trước, một tân bộ trưởng giáo dục đã muốn “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Những phát biểu như ““tặc lưỡi” cấp bằng cho học sinh vào đời là sai lầm! Điều này có thể ví với việc xác nhận quân nhân bắn súng tốt trong khi anh ta chưa đủ tài cầm súng. Như vậy, khi ra trận, anh ta dễ dàng bị giết đầu tiên và hậu quả không chỉ là tổn thất của cá nhân anh ta mà là tổn thất của xã hội nói chung” (1), nghe qua rất hợp lý, song không hẳn đã hạp tai mọi người. Thế là sau một, hai kỳ thi trung thực, trước một số phản ứng sau những kỳ thi mà kết quả hầu như “tuột đáy”, cuộc cải cách “sạch sẽ” này phải “tự ý đình bản”, và sau bốn năm thử thách, ông bộ trưởng được miễn nhiệm.

Giở lại câu chuyện này là để nhận rõ rằng hiện tượng gian lận thi cử ở Việt Nam đã là kinh niên, chớ không phải bộc phát. Chẳng qua là năm nay “màn diễn” bị lộ rõ. Ngay hôm thi toán, một số giáo sư toán đã than “tôi còn làm không xong đề thi này, khó quá...!”, vậy mà khi loan báo kết quả, ở đây, ở kia lại có những điểm thi môn toán cao vòi vọi - một trong những thí dụ sửa điểm thi. Nghĩa là bệnh gian lận trong thi và chấm thi đã là mãn tính!

Có lẽ đã quá đến lúc cần tổ chức những “lớp đạo đức” quy tụ cả các viên chức giáo dục lẫn viên chức địa phương các cấp và trên toàn quốc để cùng đặt vấn đề với nhau:

Chúng ta muốn gì khi cứ, hoặc chủ động bày ra trò gian dối, hoặc thụ động hưởng trò gian dối, hết kỳ thi năm này sang kỳ thi năm khác? Hãy nhớ rằng ai cũng thừa rõ ưu thế của một số con em có điểm cao tối đa trên bằng tốt nghiệp khi nộp đơn vào trường này hay trường kia, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Thành ra, trước hết, hãy đạo đức đủ và nhân cách đủ để đừng giả ngộ “không hay biết!”. Vở kịch “không đủ cơ sở xử lý hình sự” bỗng chốc biến thành “truy tố hình sự”, rồi thì một cá nhân làm nhưng sau đó lòi ra thêm một “con dê tế thần” khác, lẽ ra không nên diễn ra. Điều này thuộc phạm trù đạo đức cá nhân.

Trên bình diện xã hội, những gian dối như thế chính là gây phân hóa xã hội. Cho dù có hỉ xả tới đâu, tuyệt đại đa số học sinh không có “may mắn” được sửa điểm đích danh (đúng số báo danh) như thế, nhất định sẽ phải đặt câu hỏi “sao là họ? sao không phải là mình?” và bước vào đời với câu hỏi không ai trả lời cùng với trải nghiệm bất công lớn lao và lồ lộ như thế. Cha mẹ các em ấy cũng sẽ nghĩ sao về phước phần của trên trăm con em này so với sự “vô phước” của con cái họ? Nhất định, đây là những hành vi gây chia rẽ nhất, không cần bất cứ sự rỉ tai, rủ rê, xúi bẩy nào. Hình như khi thu vén cho bản thân và gia đình như thế, một số người đã quên rằng “sai sót” hay lỗi của họ không chỉ đơn giản là gây hậu quả chung chung nào đó mà là gây mất đoàn kết, chia rẽ xã hội.

Trên bình diện quốc gia, hậu quả kinh hoàng nhất có lẽ chính là đang gieo sự dối trá, bất công thừa hưởng. Và đúng như từ nguyên của chữ văn hóa trong các ngôn ngữ phương Tây - culture, gieo gì thì gặt nấy, từ cái mầm dối trá, bất công thừa hưởng ấy sẽ mọc ra những người phi văn hóa trong mọi biểu hiện trong cuộc sống. Không phải vô cớ mà một chị “quan chức” thản nhiên trả lời với cảnh sát giao thông: “Con người không quan trọng”. Và đó cũng không phải là hành vi duy nhất. Ngược lại, những phản ứng chống trả ngày càng nhiều, cần được nhìn thấy như là một thái độ tích lũy từ những cảm nhận bất công đầu đời. Một nền giáo dục đích thực không nên dẫn đến hai thái cực như thế.

(1) http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhung-cau-noi-an-tuong-cua-bo-truong-nguyen-thien-nhan-1164760372.htm

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275811/dang-gieo-trong-gi-day-.html