'Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ'

'Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/ Tên anh đã thành tên đất nước/ Ôi anh Giải phóng quân!' (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân). Đó là thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (QGPMNVN) - đội quân xung kích của QĐND Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, viết nên trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. 60 năm trôi qua kể từ ngày thành lập QGPMNVN (15/2/1961-15/2/2021), biểu tượng cao đẹp ấy vẫn còn trường tồn.

Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ hành quân trong Chiến dịch Đông Xuân 1966-1967. Ảnh: Tư liệu

Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ hành quân trong Chiến dịch Đông Xuân 1966-1967. Ảnh: Tư liệu

Trọn vẹn một sứ mệnh lịch sử

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, ngày 15-2-1961, tại chiến khu Đ, QGPMNVN được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc vào. Việc thống nhất các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang ở miền Nam, chuyển sang giai đoạn tiến hành chiến tranh cách mạng.

QGPMNVN là một bộ phận của QĐND Việt Nam, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Kể từ ngày thành lập cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử, QGPMNVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Quân đội giao phó; lập nên những chiến công tiêu biểu, ghi đậm dấu ấn lịch sử. Những chiến công vang dội đó là kết tinh của tinh thần chiến đấu hy sinh, là sự sáng tạo mưu lược, là ý chí tiến công kiên cường, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ QGPMNVN”.

QGPMNVN đã lớn mạnh, trưởng thành nhanh chóng. Từ đánh tập trung quy mô đại đội (năm 1961), bộ đội chủ lực đã nhanh chóng tiến lên đánh tập trung quy mô tiểu đoàn, trung đoàn (cuối năm 1963-1965) và sư đoàn (cuối năm 1965). Mở các chiến dịch tấn công quy mô từ 2, 3 trung đoàn trở lên như các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, Plâyme, Lộc Ninh, Đường 9, Khe Sanh; đánh các cuộc càn quét quy mô lớn của hàng vạn quân Mỹ - ngụy...

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhiên, Học viện Quốc phòng cho rằng, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã chủ động thực hiện hiệp đồng giữa đánh địch trên tuyến phòng thủ từ xa và đột phá tuyến phòng ngự cơ bản ở ven đô của địch với đánh địch bằng binh đoàn thọc sâu vào trung tâm thành phố; giữa cắt đường bộ với ngăn đường sông, khống chế đường không; giữa tiêu diệt, đánh tan bộ binh thiết giáp với chế áp trận địa pháo binh và bắn phá, ném bom làm tê liệt sân bay địch. Điểm rất mới là ta đã dùng máy bay lấy được của địch để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, tạo nên sự phối hợp chiến dịch giữa trên không và mặt đất thúc đẩy tốc độ tiến công vào thời điểm rất quan trọng của địch.

QGPMNVN kết thúc vai trò lịch sử vào ngày 7-7-1976, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước Việt Nam thống nhất, nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước đã hoàn thành. QGPMNVN lại được gọi bằng chính cái tên truyền thống và thống nhất của mình: QĐND Việt Nam.

Phát huy truyền thống anh hùng trong thời kỳ mới

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập QGPMNVN, sáng 8-1-2021, tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học “QGPMNVN - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử”. Hội thảo là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại quá trình xây dựng, chiến đấu, công lao, đóng góp của QGPMNVN đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; khẳng định sự sáng tạo, linh hoạt của Đảng trong tổ chức và sử dụng lực lượng vũ trang phục vụ nhiệm vụ chiến lược.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng; bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của QGPMNVN, của QĐND Việt Nam và nhân dân ta.

Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, yêu CNXH; phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; xây dựng QĐND Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập QGPMNVN, Ðại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, toàn quân ta đang tập trung xây dựng Ðảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.

“Phát huy giá trị bài học lịch sử đúc rút từ thực tiễn 15 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QGPMNVN (1961-1976) trong điều kiện mới, toàn quân cần quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, đường lối quân sự của Ðảng, tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh điều chỉnh tổ chức, biên chế QĐND Việt Nam theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội theo mục tiêu Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Quân đội lần thứ XI đã đề ra. Đồng thời, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, giáo dục, đào tạo, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật của bộ đội và cải cách hành chính quân sự. Thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá chính xác tình hình, kịp thời tham mưu với Ðảng, Nhà nước chủ động giải quyết hiệu quả các tình huống, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Ngoài ra, phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; đẩy mạnh xây dựng tiềm lực trong khu vực phòng thủ các cấp, lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, thế trận khu vực phòng thủ vững chắc. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại quân sự, quốc phòng; đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết, phát triển nghệ thuật quân sự, nâng cao tiềm lực công nghiệp quốc phòng phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội. Ðồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác dân vận, phát huy vai trò Quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong phòng, chống, xử lý các tình huống an ninh truyền thống và phi truyền thống” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dang-dung-viet-nam-tac-vao-the-ky-post436605.html