Dang dở giấc mơ Làng Cam - Bài 1: 'Trùm mền' sau 4 năm khởi công

Được kỳ vọng sẽ là mái nhà chung của nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin thế hệ thứ 2, thứ 3, Làng Cam là dự án quy mô lớn đầu tiên trên cả nước dành cho những nạn nhân da cam/dioxin được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2013. Năm 2015, công trình chính thức khởi công nhưng đến tháng 3/2019, Dự án Làng Cam vẫn nằm trên giấy.

Năm 2013, UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định giao cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố 49.000 m2 đất để xây dựng Làng Cam. Tuy nhiên gần 6 năm trôi qua, Làng Cam vẫn chỉ là cái tên trên giấy.

Khởi công rầm rộ

Sau 3 năm khởi công, dự án Làng Cam vẫn “trùm mền”.

Sau 3 năm khởi công, dự án Làng Cam vẫn “trùm mền”.

Giữa năm 2015, tại ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố khởi công xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng, điều trị và dạy nghề cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (hay còn gọi là Làng Cam).

Lúc đó, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, việc xây dựng Làng Cam là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, nhằm góp phần khắc phục hậu quả sau chiến tranh hóa học của Mỹ gây ra. Khi hoàn thành, Làng Cam sẽ chăm sóc sức khỏe y tế, đồng thời dùng thuốc đặc trị để điều trị, tẩy độc theo phác đồ của từng loại bệnh trong cơ thể các nạn nhân chất độc da cam.

Bên cạnh đó, Làng Cam tổ chức các hoạt động dạy nghề cho họ và con cháu nạn nhân chất độc hóa học nhằm khuyến khích tinh thần tự lực, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đây sẽ là mái nhà chung cho những mảnh đời bất hạnh do hậu quả chiến tranh để lại.

Để xây dựng Làng Cam, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp cho Hội Nạn nhân chất độc da cam 49.000 m² đất tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Dự kiến, nguồn vốn xây dựng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin vận động từ các các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế, dự trù khoảng 100 tỷ đồng.

Theo đó, kinh phí khởi công giai đoạn 1 khoảng 40 tỷ đồng bao gồm phát quang, san lấp mặt bằng, xây tường rào bao quanh, xử lý nước thải và điện chiếu sáng. Giai đoạn 2 và 3 thực hiện các công trình cơ bản của Trung tâm nuôi dưỡng như khu trung tâm hành chính, khu nuôi dưỡng, khu điều trị, khu tập vật lý trị liệu. Dự kiến Làng Cam sẽ hoàn thành và hoạt động từ quý 4/2018.

Có dấu hiệu lừa đảo?

Cỏ dại um tùm ở dự án Làng Cam, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

Gần 4 năm sau lễ khởi công rầm rộ ấy, đầu năm 2019, quay trở lại dự án Làng Cam, trên 49.000 m2 đất mà UBND thành phố cấp thay vì một công trình quy mô và hoành tráng chỉ là bãi đất hoang, cỏ dại um tùm.

Con đường dẫn vào Làng Cam dọc kênh T10 vẫn chỉ là con đường mòn nhỏ ít người qua lại. Hỏi người dân xung quanh về dự án Làng Cam, nhiều người lắc đầu trả lời chưa nghe nói bao giờ. Theo lời một người đàn ông sinh sống tại đây, anh được thuê để bảo vệ mảnh đất bỏ hoang này, còn dự án hơn 3 năm qua vẫn chưa có dấu hiệu khởi động.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị được giao xây dựng Làng Cam cho biết, Làng Cam chưa thể khởi động vì thiếu vốn. Trong những năm qua dù Hội đã nhiều lần kêu gọi, vận động, tuy nhiên các nhà hảo tâm mới chỉ dừng lại ở việc “hứa” chứ chưa chuyển tiền.

Mặt khác, nhiều đơn vị chỉ chấp nhận hỗ trợ hiện vật như quạt máy, xe lăn, giường... mà không hỗ trợ tiền. Chưa kể Tổ chức Trăng lưỡi liềm quốc tế có hỗ trợ kinh phí xây dựng Làng Cam nhưng lại chuyển cho Hội Chữ thập đỏ và số tiền đó Hội Nạn nhân da cam/dioxin không thể “đòi” lại được (???).

“Hiện chúng tôi mới vận động được 8 tỷ đồng, không đủ để hoàn thiện hạ tầng cơ bản chứ chưa nói đến xây dựng Làng Cam hoàn chỉnh. Chúng tôi không thể đưa những nạn nhân da cam về đó rồi phát cho họ manh chiếu, bữa cơm sống qua ngày mà buộc phải đầy đủ hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân viên chăm sóc…”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, thời điểm trước khi khởi công Làng Cam, Hội Nạn nhân da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Da cam đứng ra kêu gọi, vận động tài trợ.

Để tạo niềm tin, Công ty này đã hứa ứng trước khoảng 40 tỷ đồng ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Làng Cam bao gồm phát quang, san lấp mặt bằng, xây tường rào bao quanh, xử lý nước thải… Song, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện như cam kết ban đầu, còn số tiền mà họ đứng ra vận động được bao nhiêu, số tiền đó đi về đâu không ai biết.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thừa nhận đã “tin lầm” và không thể kiểm soát được những việc làm của doanh nghiệp này. Sau khi phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Da cam không làm đúng cam kết ban đầu, Hội Nạn nhân da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh đã chấm dứt hợp đồng và yêu cầu doanh nghiệp không được nhân danh Hội để đi vận động tài trợ cho Làng Cam.

Một thành viên Hội Nạn nhân da cam/dioxin Thành phố vô cùng bức xúc cho biết, chính hành vi lừa đảo của doanh nghiệp này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận động tài trợ xây dựng Làng Cam, làm mất niềm tin của các nhà hảo tâm vào việc ủng hộ công trình mang ý nghĩa nhân văn này. Đó cũng chính là lý do đến nay Làng Cam vẫn còn nằm trên giấy.

Bài 2: Không ít hệ lụy

Bài và ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/dang-do-giac-mo-lang-cam-bai-1-trum-men-sau-4-nam-khoi-cong-20190319091028811.htm