Đang có một cuộc chiến không khoan nhượng giữa các trường

Không ít giáo viên bức xúc 'thao giảng kiểu này chẳng học được gì chỉ cái tổ cãi nhau mệt người'.

LTS: Cho rằng, đã đến lúc cần chấm dứt ngay kiểu dự giờ vô bổ như nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang thực hiện, tác giả Băng Thanh đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hết thao giảng tổ, thao giảng trường, nhiều địa phương lại bắt đầu tổ chức thêm nhiều hình thức thao giảng mới. Đó là thao giảng liên trường (giữa vài trường trong cùng địa bàn với nhau), thao giảng cụm trường (giữa nhiều trường cùng địa bàn này với một trường ở địa bàn khác).

Sự mệt mỏi, áp lực cho học sinh, giáo viên và nhà trường đều tăng lên theo từng cấp độ thực hiện việc liên kết thao giảng như thế.

Thao giảng cụm giúp giáo viên học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. (Ảnh minh họa: baoquangngai.vn)

Thao giảng cụm giúp giáo viên học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. (Ảnh minh họa: baoquangngai.vn)

Mục đích của những tiết dự giờ thao giảng đương nhiên là trao đổi kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau.

Nếu đọc những biên bản ghi lại của các trường sau những buổi thao giảng, người ngoài chắc chắn sẽ “choáng ngợp” với biết bao ngôn từ ngợi ca.

Nhưng, thực chất thì giáo viên học được gì qua những lần thao giảng như vậy?

Một tiết dạy cả trường vào cuộc

Tới phiên trường nào dạy thao giảng, trường ấy phải nỗ lực để sao cho tiết dạy của trường mình trở nên hoàn hảo nhất.

Dạy xong mà trường bạn chẳng góp ý được gì hoặc chỉ góp ý “râu ria” những điều nhỏ nhặt luôn là mục tiêu cần hướng tới. Vì điều này chính là uy tín, là danh dự của cả một tập thể.

Để đạt được điều đó, nhà trường đã chuẩn bị “từ chân đến răng”. Như việc chọn giáo viên thể hiện, nếu không là tổ trưởng chuyên môn cũng sẽ là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh hoặc một vài giáo viên có tay nghề chuyên môn vững vàng nhất.

Bài dạy được biết trước ít nhất vài tháng trời. Giáo viên có vô khối thời gian chuẩn bị cho mình, cho học sinh.

Thiết kế được đưa ra cho cả tổ xây dựng rồi trình lên phó hiệu trưởng duyệt. Học sinh được học trước những câu hỏi và câu trả lời.

Gần đến ngày dạy “bộ sậu” của trường sẽ dự nháp góp ý, chỉnh sửa và dạy lại cho đến khi nào đạt mới thôi.

Ngày dạy gần như chỉ là biểu diễn lại những gì đã tập dượt trước đó.

“Cuộc chiến” không khoan nhượng giữa các trường

Để đưa ra kế hoạch thao giảng liên trường, cụm trường như thế, rõ ràng lãnh đạo cấp trên cụ thể là phòng giáo dục cũng hy vọng các trường sẽ chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, cách quản lý lớp, cách tổ chức giờ dạy, cách vận dụng các phương pháp dạy học mới linh động…thế nhưng đó chỉ là lý thuyết.

Bởi vì, phải nói thẳng một điều trường nào cũng muốn giữ cái uy, cũng không muốn bị trường bạn coi thường dù chỉ trong ý nghĩ.

Nếu tiết dạy không thành công hoặc bị góp ý nhiều không chỉ giáo viên trực tiếp giảng dạy bị xem thường mà chính giáo viên của trường, đặc biệt là Ban giám hiệu nhà trường - người trực tiếp chỉ đạo chuyên môn cũng bị đánh giá là chuyên môn kém.

Vì những lý do đó, sau tiết dạy chính là “cuộc chiến” không khoan nhượng giữa nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Người góp ý sẽ lôi hết những điều mình cho là hạn chế, người bị góp ý lại ra sức phản biện để bảo vệ những gì mình đã làm như thế là đúng.

Đã có không ít lần, chẳng trường nào chịu trường nào “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” thế là huề cả làng. Không ít giáo viên bức xúc “thao giảng kiểu này chẳng học được gì chỉ cái tổ cãi nhau mệt người”.

Có những tiết dạy lại hoàn hảo đến từng cen ti mét. Cũng đúng thôi, chuẩn bị kỳ công như thế kia mà.

Dù là hoàn hảo thì thầy cô cũng chẳng học được nhiều. Bởi ai cũng biết, tiết dạy chỉ là diễn lại. Còn ngoài thực tế, chẳng ai có thể dạy được như vậy cũng như chẳng học sinh nào có thể học và hợp tác tốt đến như thế.

Việc đi lại để dự giờ của giáo viên cũng là điều đáng nói. Nếu thao giảng liên trường (vài ba trường liên kết với nhau còn đỡ). Thao giảng cụm trường, có thầy cô phải di chuyển đến vài chục cây số chỉ để dự một tiết học 40 phút.

Trường bạn lo di chuyển, trường sở tại lo đồ ăn thức uống cho giáo viên sau khi dự. Tiếp đón nồng hậu lại chẳng có nhiều ngân sách, tiếp đón có phần sơ sài còn bị đánh giá thiếu phần hiếu khách.

Có những địa phương cũng do kinh phí eo hẹp nên đã đưa ra “hạ sách” dự giờ góp ý xong, giáo viên về còn ban giám hiệu các trường ở lại ăn uống, vui chơi linh đình.

Giống cái nợ đồng lần, trường họ đãi mình hoành tráng thế kia, trường mình đến lượt cũng phải đáp lễ như thế.

Có những hiệu trưởng không thích liên kết dự giờ kiểu thế. Vì rõ ràng học được chuyên môn của nhau thì ít mà những chuyện nhiêu khê mang lại quá nhiều. Thế nhưng chính họ cũng không thể tự quyết.

Kế hoạch dự giờ liên trường hay cụm trường đều do lãnh đạo cấp trên đưa xuống “mình làm lính chỉ biết tuân mệnh, ai dám cãi đây”?

Học hỏi để nâng cao tay nghề chuyên môn đâu cứ nhất định duy trì kiểu dự giờ như nhiều năm về trước như thế này?

Giáo viên có thể trực tiếp học hỏi các đồng nghiệp trong trường, xem tài liệu qua sách báo, các trang truyền thông của ngành.

Vậy nên cũng đã đến lúc cần chấm dứt ngay kiểu dự giờ vô bổ như nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang thực hiện.

Băng Thanh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dang-co-mot-cuoc-chien-khong-khoan-nhuong-giua-cac-truong-post191712.gd