Đang chịu án tù, thêm tội mới… ông Phan Văn Vĩnh sẽ ra sao?

Ông Phan Văn Vĩnh đang thụ án 9 năm tù, nếu bị tuyên án với tội danh 'Ra quyết định trái pháp luật' thì tổng án phạt tù của ông Vĩnh sẽ là mức án mới tuyên cộng với 9 năm tù giam và trừ đi thời gian ông Vĩnh đã thụ án trước đó.

VKSND Tối cao vừa ký quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh (SN 1955, cựu Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an) về tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo quy định tại điều 371, khoản 2, bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ông Phan Văn Vĩnh hiện đang là phạm nhân chấp hành án phạt 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại trại giam Phú Sơn 4, Bộ Công an theo Quyết định thi hành án phạt tù số 05/2019/QĐ-CA ngày 09/01/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Dư luận đặt câu hỏi, thêm tội mới, ông Phan Văn Vĩnh sẽ phải đối mặt với mức án mới nào, tổng án phạt tù sẽ như thế nào?

Vì sao ông Phan Văn Vĩnh bị khởi tố thêm tội danh mới?

Trong vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội buôn lậu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khi chỉ đạo điều tra vụ án, ông Phan Văn Vĩnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thời điểm đó đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, ông Vĩnh bị khởi tố để điều tra về tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo quy định tại điều 371, khoản 2, bộ luật Hình sự năm 2015.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích, theo quy định của pháp luật thì việc ban hành các quyết định tố tụng phải tuân thủ các căn cứ mà pháp luật cho phép, theo trình tự, thủ tục luật định, đúng thẩm quyền.

 Ông Phan Văn Vĩnh.

Ông Phan Văn Vĩnh.

Đối với vật chứng trong vụ án hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự đã có quy định rất rõ ràng cụ thể, đây là một nguồn của chứng cứ, là căn cứ để chứng minh tội phạm, là cơ sở để xác định tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, xác định hậu quả, làm cơ sở để buộc tội người phạm tội. Việc thu giữ vật chứng, bảo quản vật chứng, xử lý vật chứng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo đó, bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự được quy định cụ thể tại điều 106 bộ luật tố tụng hình sự.

Cụ thể, việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

Vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 106 BLTTHS có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trong vụ án buôn lậu nêu trên thì lô trắc không phải là vật “mau hỏng, khó bảo quản” nên không thể căn cứ vào quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự để cho bán đấu giá. Việc ông Vĩnh ký quyết định cho bán đấu giá đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức. Bởi vậy, hành vi của ông Phan Văn Vĩnh là có dấu hiệu sai phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp nên cơ quan điều tra viện kiểm sát tối cao đã căn cứ vào đó để khởi tố bị can đối với ông này.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc ký văn bản này có yêu tố tư lợi hay không, có ai được hưởng lợi cá nhân trong vụ việc này hay không để tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định pháp luật, nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm khác thì sẽ tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, tội “Ra quyết định trái pháp luật” mà ông Phan Văn Vĩnh vừa bị khởi tố để điều tra liên quan vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật.

Tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án như: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó chánh án Tòa án; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Chấp hành viên mới có thể thực hiện được tội phạm này.

Đối tượng tác động của tội phạm này là những quyết định trái pháp luật của những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án như: quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu; quyết định xử lý vật chứng; quyết định việc bắt khẩn cấp; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định kê biên tài sản; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định thi hành án.v.v…

Người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định trái pháp luật có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản (nói chung là bằng văn bản) mà biết rõ là trái pháp luật. Hậu quả phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Khởi tố thêm tội mới, tổng mức án ông Vĩnh phải chịu sẽ thế nào?

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, trong vụ án này, nếu sau này ông Vĩnh bị truy tố theo khoản 2 Điều 371 thì sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Luật sư Bình nói thêm, căn cứ khoản 1 Điều 56 Bộ luật Hình sự trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định đối với hình phạt chính: Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.

Như vậy, nếu ông Vĩnh bị truy tố theo khoản 2 Điều 371 bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm và giả sử nếu ông ta bị tuyên cao nhất là 7 năm thì tổng hợp hình phạt của ông ta sẽ là 16 năm do cộng 9 năm của bản án trước mà ông Vĩnh đang thụ án.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đối với tội ra quyết định trái pháp luật thì mức hình phạt cao nhất theo quy định tại Điều 371 BLHS là đến 12 năm tù.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thiệt hại do việc “bán vội” lô gỗ trắc trên là bao nhiêu so với giá thị trường? Có ai được hưởng lợi hay không? nếu được hưởng lợi sẽ khởi tố thêm tội danh tội phạm về chức vụ tương ứng với hành vi vi phạm. Mức chênh lệch giá cũng là cơ sở để xác định thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, nếu thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên thì ông Vĩnh có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất theo quy định tại khoản 3, Điều 371 BLHS là đến 12 năm tù.

Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp bị kết tội ra quyết định trái pháp luật thì tòa án sẽ căn cứ vào điều 371 BLHS để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với ông Vĩnh đồng thời tổng hợp với hình phạt theo bản án trước đây mà ông Vĩnh đang chấp hành (9 năm) theo nguyên tắc hình phạt chung sẽ là tổng số hình phạt của hai tội danh nhưng không quá 30 năm tù.

Xem thêm video: Khởi tố cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dang-chiu-an-tu-them-toi-moi-ong-phan-van-vinh-se-ra-sao-1274924.html