Đảng chân chính cầm quyền - đoàn kết là cách mạng

Không gì có thể phủ nhận được một thực tế khách quan rằng: Nền tảng vững chắc để Đảng ta luôn được tin yêu, thừa nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, đó là vì Đảng luôn đoàn kết, thống nhất, tất cả vì giai cấp, vì dân tộc, thủy chung với bạn bè quốc tế. Tư tưởng đoàn kết cũng là hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là vấn đề tất yếu đối với một đảng chân chính cầm quyền. Đoàn kết được hình thành trên cơ sở nhận thức và hành động chung của tiến trình cách mạng, mang bản chất cách mạng và đoàn kết là cách mạng.

Đoàn kết là nhu cầu tự thân của Đảng

Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Hồ Chủ tịch hằng quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn kết, thống nhất vững mạnh. Người dạy: "Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí". Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của khối đoàn kết dân tộc, là hiện thân tình ruột thịt Bắc-Nam”...

Hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là vấn đề đoàn kết, thống nhất của đảng cầm quyền. Quan điểm này được hình thành ngay từ khi Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ánh sáng soi đường từ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tiếp tục được hoàn chỉnh trong suốt quá trình phát triển của Đảng bằng thế giới quan, phương pháp luận này. Trong mối quan hệ biện chứng ấy, đoàn kết trong Đảng là cơ sở, là nền tảng đoàn kết nhân dân và đoàn kết quốc tế. Những yếu tố ấy làm nên sức mạnh của Đảng, nguồn gốc của mọi thắng lợi. Để giữ được vai trò lãnh đạo, được nhân dân tin tưởng, bất luận hoàn cảnh nào thì sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng có ý nghĩa quyết định. Đó chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì sự đoàn kết trong Đảng được Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng. Và tại Hội nghị thành lập Đảng dựa trên sự hợp nhất các tổ chức cộng sản, Người đã nhấn mạnh yêu cầu trước hết: “Bỏ mọi thành kiến, xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản...”.

Việc có những nhận thức khác nhau trong Đảng cũng là bình thường và dễ hiểu. Nhưng cái vĩ đại trong tư tưởng đoàn kết đối với một đảng cầm quyền theo quan điểm Hồ Chí Minh đó là thẳng thắn đấu tranh, nghiêm túc phê bình và tự phê bình, kiên trì dẹp bỏ cái khác biệt để đi đến cái chung, cái thống nhất. Khi tập thể đã cùng thống nhất thì cùng hành động. Chính điều này giúp Đảng không có sự chia bè kết phái, cũng là văn hóa của Đảng. Đoàn kết trong Đảng ta được thực hiện để cùng hướng đến một mục tiêu duy nhất là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó cũng là tổng kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn Đảng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

 Ảnh minh họa: vov.vn.

Ảnh minh họa: vov.vn.

Vì sao Đảng ta có được sự đoàn kết, thống nhất ấy? Trước tiên, đó là do tư tưởng chủ đạo, cốt lõi của người lãnh đạo đứng đầu của Đảng. Ở đây chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng đã giác ngộ, kết nạp được vào tổ chức của mình những người ưu tú nhất, có cùng chí hướng. Và một trong những điều làm nên sự khác biệt của Đảng ta so với các tổ chức khác đó là, toàn Đảng thường xuyên tiến hành giáo dục, rèn luyện đảng viên, nêu cao tinh thần gương mẫu, đoàn kết. Sự giáo dục, rèn luyện đảng viên với những yêu cầu rất cao cả về trí tuệ và đạo đức, vô cùng khắt khe, nhưng lại tuyệt đối trong sáng. Sự hội tụ những giá trị tinh túy nhất về tư tưởng đoàn kết đối với một đảng cầm quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng trong Di chúc của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta...", "...từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, Người căn dặn.

PGS, TS Nguyễn Thanh Tú (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), người có nhiều năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh, cho rằng: “Tư tưởng đoàn kết được Hồ Chí Minh thể hiện rất đồ sộ. Nó đã vượt qua ý nghĩa thông thường để trở thành văn hóa đoàn kết. Di chúc của Bác chỉ hơn 1.000 chữ nhưng từ “đoàn kết” được nhấn mạnh tới 8 lần, riêng phần “nói về Đảng” nhắc lại 5 lần. Bác coi “đoàn kết” là truyền thống, cũng là nguyên nhân làm nên mọi thắng lợi của Đảng. Phần nói về phong trào cộng sản thế giới “đoàn kết” được nhắc lại 2 lần nhưng hai chữ “anh em” biến thể của “đoàn kết” (anh em như chân với tay) được nhấn mạnh 4 lần. Cái gốc của đoàn kết là câu nói vàng: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đó là chân lý, nguyên lý, cũng là đạo lý”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng hình ảnh “giữ gìn con ngươi” để thấy Người đặc biệt coi trọng đoàn kết trong Đảng và đây cũng là một cách sử dụng hình ảnh rất hiếm có. Giữ được “con ngươi” là giữ được ánh sáng soi đường. Ngược lại nếu không giữ được “con ngươi” thì không khác nào người mù mất phương hướng. Bác dùng hình ảnh gần gũi, dễ hiểu nhưng rất sâu xa. Đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh được Người xây dựng, luận giải biện chứng từ lý luận đến thực tiễn và từ thực tiễn đúc rút thành lý luận. Đảng có đoàn kết chặt chẽ thì mới thực hiện được tôn chỉ, mục đích phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Ngược lại, phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc chính là cơ sở để tạo ra và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nó là yêu cầu tất yếu đối với đảng cầm quyền chứ không phải là những lời kêu gọi suông, hô hào chung chung hay cố tình gán ghép cho nó.

Để đoàn kết là cách mạng

Mũi dùi mà các thế lực thù địch liên tục chống phá, công kích, đó là tìm mọi cách tấn công, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng mà trực diện là tấn công vào hạt nhân tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề đoàn kết, thống nhất. Chúng luôn xuyên tạc rằng có sự mất đoàn kết sâu sắc, mà rõ nhất là mâu thuẫn giữa các phe nhóm trong Đảng; mâu thuẫn, mất đoàn kết từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao; mâu thuẫn giữa Đảng với dân... Đây là thuyết âm mưu rất nham hiểm khi họ cố tình gieo rắc vào dư luận một hoài nghi âm ỉ. Thời gian qua, khi Đảng kiên quyết tiến hành xử lý những đảng viên vi phạm kỷ luật, đặc biệt là những đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo quan trọng thì sự xuyên tạc của các thế lực thù địch càng quyết liệt hơn. Họ cố tình bôi nhọ rằng, thực chất đó là những cuộc thanh trừng phe nhóm trong Đảng. Mục đích của họ không gì khác là phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; rêu rao những hình ảnh xấu để người dân mất niềm tin vào Đảng, còn đảng viên thì nghi ngờ những việc làm đó, dẫn đến dao động, diễn biến về tư tưởng. Đây cũng là vấn đề chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn, cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc này.

Ngay từ những nguyên lý cơ bản nhất của đảng cầm quyền, cụ thể hơn là những nguyên lý xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Muốn đoàn kết, vững mạnh, đủ sức làm tròn được sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì toàn Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức cơ bản là tập trung dân chủ; toàn Đảng phải nêu cao tự phê bình và phê bình, đấu tranh với mọi biểu hiện, việc làm sai trái để đi đến cái tốt, cái thống nhất. Như vậy thì phê bình và tự phê bình, đấu tranh, loại bỏ những cái sai trái trong tư tưởng, trong hành động của mọi đảng viên là tất yếu của một đảng chân chính cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Việc Đảng ta xử lý kiên quyết đảng viên vi phạm, kể cả những đảng viên giữ cương vị quan trọng cũng là bình thường và cần thiết. Đây cũng là việc làm thường xuyên trong suốt tiến trình phát triển của Đảng chứ không chỉ trong giai đoạn hiện nay. Điều quan trọng nhất là Đảng thực hiện việc chấn chỉnh đó vì sự phát triển của Đảng, tiến hành đúng nguyên tắc chứ không phải làm trái, làm lấy được. Dù là việc không ai muốn nhưng qua những vụ việc xử lý đảng viên vi phạm đó trên thực tế càng làm tăng uy tín của Đảng, làm cho nhân dân ngày càng tin Đảng hơn. Tính cách mạng của đoàn kết càng được chứng minh rõ.

Trong bất luận hoàn cảnh nào, cần phải đặt vấn đề xây dựng đoàn kết trong Đảng với tình thương yêu đồng chí như tư tưởng Hồ Chí Minh, mới giải quyết thấu đáo những vấn đề nảy sinh trong công việc. Bàn việc của Đảng, của tổ chức là trách nhiệm của đảng viên theo từng cấp. Bởi thế, không bao giờ được đồng nhất việc trong Đảng có những ý kiến khác nhau khi thảo luận, tranh luận với tình trạng mất đoàn kết. Trên thực tế, quá trình đưa lý luận vào thực tiễn và ngược lại, từ thực tiễn đúc rút thành lý luận là vấn đề phức tạp, có lúc vô cùng khó khăn, có thể phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thậm chí chấp nhận cả những thất bại để rút ra được bài học bổ ích cho Đảng. Đây là vấn đề sống còn của đảng cầm quyền. Bởi thế, có những tranh luận, quan điểm chưa thống nhất, chưa sáng tỏ trong thảo luận là bình thường. Điều quan trọng, mọi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải biết lắng nghe, phân tích đúng sai thấu đáo. Mọi đảng viên phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, không được lợi dụng sự dân chủ trong Đảng để có những hành động, việc làm sai trái, đi ngược lại lợi ích của tập thể.

Đại hội XIII của Đảng sẽ được tổ chức trong thời gian tới. Đại hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; trọng trách lãnh đạo của Đảng đưa đất nước tiến lên còn nhiều chông gai, thử thách. Bởi thế việc giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Vấn đề đoàn kết trong Đảng, đoàn kết nhân dân tiếp tục được các tổ chức đảng đã tiến hành đại hội trong thời gian vừa qua đề cập, thảo luận. Trước yêu cầu đó, nếu các đảng viên không quan tâm tu dưỡng, rèn luyện, không chịu chấn chỉnh, sửa mình sẽ dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cán bộ nào chỉ lo thu vén lợi ích cho mình, cho gia đình, dòng họ; chỉ lo kéo bè kéo cánh thì sớm muộn sẽ gây mất đoàn kết trong tổ chức đảng, trong tập thể. Đây là điều rất nguy hiểm. Từ các đại hội ở cấp cơ sở và trên cơ sở vừa qua cho thấy, các ý kiến đều đồng tình cho rằng, mọi đảng viên, cấp ủy các cấp cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà trước hết là trong chính cấp ủy, chi bộ, đảng bộ mình. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xem là một chiến lược lâu dài, là nhân tố cốt lõi để bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Chỉ có đoàn kết thống nhất, đại hội mới có thể sáng suốt lựa chọn được những cán bộ có đủ đức, đủ tài, mới đưa ra được những quyết sách vì Đảng, vì dân.

NGUYỄN ANH TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dang-cam-quyen-theo-tu-tuong-ho-chi-minh/dang-chan-chinh-cam-quyen-doan-ket-la-cach-mang-617300