Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 90 năm ra đời và phát triển

Cách đây 90 năm, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời được xem là bước ngoặt to lớn của lịch sử cách mạng và khi trưởng thành tiếp tục gánh vác sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bối cảnh Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời

90 năm qua, do yêu cầu cấp bách của phong trào đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp, được sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 25/6/1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay là thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh ra đời. Ngày 10/7/1930, Chi bộ cộng sản thứ 2 ra đời tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Đến ngày 22/7/1930 tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, chi bộ cộng sản thứ 3 ra đời. Trên cơ sở 3 chi bộ cộng sản, ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập.

Ngôi nhà ông Lê Oanh Kiều, làng Hàm Hạ, Thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Thanh Hóa

Ngôi nhà ông Lê Oanh Kiều, làng Hàm Hạ, Thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Thanh Hóa

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đánh dấu bước ngoặt trọng đại, có ý nghĩa quyết định đối với con đường phát triển đi lên của cách mạng tỉnh nhà. Từ đây, mỗi bước thăng trầm của phong trào cách mạng trong tỉnh đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng bộ. 90 năm xây dựng và trưởng thành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương Đảng, phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo lãnh đạo các phong trào cách mạng góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên những mốc son chói lọi bằng vàng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khi mới ra đời, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, lãnh đạo trong tỉnh, cùng nhân dân cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên cuộc cách mạng vĩ đại của những ngày mùa thu Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Thanh Hóa đã huy động sức người, sức của nhiều nhất, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Còn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa là một trong những địa phương của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chịu sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Song, với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân ta đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ vững chắc hậu phương, kịp thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Từ trong máu lửa của cuộc kháng chiến vĩ đại ấy, những tên đất, tên người như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Thị Tuyển… đã đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Xây dựng phát triển kinh tế

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, cùng với cả nước, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung “Hàn gắn vết thương chiến tranh”, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, đặt nền tảng cho sự phát triển sau này.

Biển Sầm Sơn - Thanh Hóa ngày nay

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nhiều năm qua, Thanh Hóa không những đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mà còn có một phần lương thực hàng hóa. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xi măng, mía đường và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Các ngành dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai thực hiện; trong đó, lớn nhất là Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đến nay đã đi vào vận hành ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh đã đạt được kết quả toàn diện. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch của Nghị quyết đại hội đề ra; các chỉ tiêu còn lại đều đạt khá, có triển vọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Năm 2019 đã ghi dấu ấn với hàng loạt con số ấn tượng như: lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17,15%, thuộc nhóm có tốc độ cao nhất cả nước. Thu ngân sách đạt 28.806 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đến nay có 6 huyện, 367 xã và 917 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra; sản xuất công nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu đạt 3,72 tỷ USD, tăng 27,6%, huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 22,6%.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn, đem lại hiệu quả thiết thực: kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/02/1947 - 20/02/2017), 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019), kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm ngày mất của Người, để lại ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào, tạo động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vững bước tiến lên. Giáo dục và đào tạo phát triển theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa, giáo dục toàn diện được quan tâm, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay.

Đoàn kết một lòng, ra sức thi đua

Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh đã dành không ít thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và yêu cầu đổi mới, Đảng bộ luôn coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn giữ vững lập trường chính trị, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thanh Hóa là một trong số các tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020

Với những kết quả mà Thanh Hóa đạt được trong suốt những năm qua, tiếp tục khẳng định vị thế chiến lược của tỉnh ở khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Đây là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cố gắng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, trong đó có vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh.

Từ 11 đảng viên ban đầu được triệu tập tại Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 29/7/1930; đến nay, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã có 32 đảng bộ trực thuộc, 1.727 tổ chức cơ sở đảng, với gần 228 nghìn đảng viên, là Đảng bộ có số đảng viên đứng thứ 2 cả nước, sau Đảng bộ thành phố Hà Nội. Trong mọi thời kỳ cách mạng, đã xuất hiện nhiều tấm gương đảng viên luôn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản, một lòng, một dạ đi theo cách mạng, cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, cho độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Phát huy truyền thống của vùng đất quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thọ Lập - miền quê đã từng nổi tiếng là “Kinh đô Vạn Lại Yên Trường” vào thời Lê Trung Hưng, trong 10 năm đổi mới đã chung sức, đồng lòng, xây dựng thành công chương trình nông thôn mới với những thành tích đáng tự hào như: Thu nhập bình quân tăng từ 9,5 triệu đồng/người/năm (2010) lên 45 triệu đồng/người/năm (2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,86% (năm 2010) xuống 1,76% (năm 2018). Cùng với nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, hệ thống hạ tầng của Thọ lập như đường giao thông, trường học, trạm Y tế, công sở xã, nhà văn hóa ... đã được đầu tư xây mới, nâng cấp đồng bộ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Không “ngủ quên” trên thành tích, Đảng bộ Thọ Lập đang tập trung chỉ đạo toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong xã phấn đấu trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, là dịp để nhân dân ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về các dân tộc sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Phát huy truyền thống của vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, quê hương của “Tam vương, nhị chúa”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; tạo đà, tạo thế và lực mới để phấn đấu đến năm 2030 Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm thực hiện thắng lợi khát vọng thịnh vượng và trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/dang-bo-tinh-thanh-hoa-90-nam-ra-doi-va-phat-trien-d159580.html